Lễ Phục sinh có rất nhiều hoạt động truyền thống - như ăn bánh mì chữ thập và thịt cừu vào Chủ nhật - bắt nguồn từ thời trung cổ hoặc thậm chí là xa xưa hơn. Tuy nhiên, quả trứng Phục sinh bằng sô-cô-la lại là một biến tấu mới mẻ hơn so với các phong tục truyền thống khác.

Hai đứa trẻ thưởng thức một trò chơi Phục sinh trong một tấm bưu thiếp từ năm 1900
Một tấm bưu thiếp từ năm 1900 mô tả hai đứa trẻ chơi một trò chơi vào lễ Phục sinh. Ảnh:LiliGraphie/Alamy Stock Photo

Vị trí của trứng gà trong lễ Phục sinh

Trong nhiều thế kỷ, người ta thường ăn trứng gà vào lễ Phục sinh. Quả trứng từ lâu đã tượng trưng cho sự tái sinh và khởi đầu, điều này khiến chúng là món ăn lý tưởng để tượng trưng cho câu chuyện về sự phục sinh của Chúa Giê-su cũng như để đón chào mùa xuân.

Mặc dù ngày nay chúng ta có thể ăn trứng trong thời gian ăn chay của Mùa Chay (một mùa phụng vụ quan trọng trong lịch phụng vụ của nhiều hệ phái Kitô giáo), nhưng vào thời trung cổ, trứng cùng với thịt và sữa là những thực phẩm bị cấm trong Mùa Chay. Các đầu bếp thời trung cổ thường sáng tạo ra nhiều món ăn mới lạ để giải quyết vấn đề này, thậm chí còn làm trứng giả để thay thế chúng.

Mùa Chay kéo dài bốn mươi ngày trước lễ Phục Sinh. Mục đích truyền thống của Mùa Chay là để các tín hữu cầu nguyện, ăn năn, sám hối; thực hành những việc bác ái, từ thiện; và hãm mình để chuẩn bị chào đón lễ Phục Sinh, ăn mừng sự trở lại của Chúa. Đó cũng là lúc trứng và thịt, đặc biệt là thịt cừu (cũng là biểu tượng của sự khởi đầu), được trở lại bàn ăn. Có thể thấy, việc kiêng ăn trứng suốt 40 ngày và sau đó được phép ăn trở lại vào lễ Phục sinh khiến trứng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt vào ngày lễ này.

Sau này, khi trứng được phép dùng trong các bữa ăn chay, chúng vẫn giữ một vai trò quan trọng trong lễ Phục sinh. Các nhà sử học không biết chính xác khi nào người ta bắt đầu trang trí trứng, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng vào thế kỷ 13, Vua Edward I đã tặng các cận thần của mình những quả trứng được bọc trong lá vàng.

Một vài thế kỷ sau, chúng ta biết rằng người dân trên khắp châu Âu đã nhuộm những quả trứng của họ bằng những màu sắc khác nhau. Họ thường chọn màu vàng bằng cách sử dụng vỏ hành tây, hoặc màu đỏ bằng cách sử dụng củ thiên lý hoặc củ dền. Những quả trứng màu đỏ được cho là tượng trưng cho máu của Chúa. Ở Anh, phổ biến nhất là trang trí bằng hình những cánh hoa đầy màu sắc.

j
Ở Anh, phổ biến nhất là trang trí bằng hình những cánh hoa đầy màu sắc. Ảnh: Indialink

Kết hợp hai truyền thống tặng quà

Mặc dù trang trí trứng gà thật bằng hoa văn đầy màu sắc vẫn là một hoạt động phổ biến trong lễ Phục sinh, nhưng ngày nay trứng thường được làm bằng sô-cô-la. Sự thay đổi này bắt đầu từ khi nào?

Khi sô-cô-la du nhập vào Anh khoảng thế kỷ 17, nó là một món ăn mới lạ, thú vị và rất đắt. Năm 1669, Bá tước Sandwich đã trả 227 bảng Anh - tương đương với khoảng 32.000 bảng Anh ngày nay - cho một công thức sô-cô-la từ Vua Charles II.

Ngày nay, các thanh sô-cô-la được yêu thích, nhưng lúc bấy giờ nó chỉ là một loại đồ uống bổ sung các gia vị theo truyền thống của người Aztec và Maya. Đối với người Anh, thức uống mới lạ này không giống bất cứ thứ gì họ từng thử. Một nhà ghi chép thời đó đã gọi nó là thức uống dành cho các vị thần.

Sô-cô-la sớm trở thành thức uống thời thượng dành cho tầng lớp quý tộc, những người thường dùng nó làm quà tặng. Sô-cô-la cũng được thưởng thức ở những quán cà phê mới mở quanh London. Cùng với nó, cà phê và trà cũng chỉ mới được du nhập vào nước Anh, và cả ba loại đồ uống này đã nhanh chóng thay đổi cách người Anh tương tác xã hội với nhau.

Khi đó, các nhà thần học đã gắn kết sô-cô-la vào Lễ Phục sinh, nhưng họ lo ngại rằng việc uống sô-cô-la sẽ đi ngược các tập tục ăn chay trong Mùa Chay. Sau cuộc tranh luận sôi nổi, người ta đã đồng ý rằng sô-cô-la là một món nước có thể được chấp nhận trong thời gian nhịn ăn. Hoặc nếu e ngại, người ta có thể uống sô-cô-la vào lễ Phục sinh - thời điểm của tiệc tùng và ăn mừng.

Sô-cô-la vẫn là thức quà đắt đỏ vào thế kỷ 19, khi hãng Fry's (nay thuộc công ty bánh kẹo Cadbury) sản xuất những thanh sô-cô-la đầu tiên vào năm 1847, tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành thương mại sô-cô-la.

Đối với người dân thời Victoria, sô-cô-la không còn quý hiếm như trước, nhưng vẫn là một thứ gì đó gây nghiện. Mọi người vẫn tặng nhau sô-cô-la để bày tỏ sự quý mến. Ba mươi năm sau, vào năm 1873, hãng Fry's đã cho ra đời quả trứng Phục sinh bằng sô-cô-la đầu tiên như một món quà sang trọng, kết hợp hai truyền thống tặng quà - trứng trang trí hoa văn và sô-cô-la.

Trứng sô-cô-la trở thành xu hướng mua sắm vào những năm 1960. Ảnh: Wise Dog Studio/Shutterstock
Trứng sô-cô-la trở thành xu hướng mua sắm vào những năm 1960. Ảnh: Wise Dog Studio/Shutterstock

Đến đầu thế kỷ 20, những quả trứng sô-cô-la vẫn được coi là một món quà đặc biệt và nhiều người thậm chí còn chưa bao giờ ăn chúng. Một người phụ nữ ở xứ Wales đã giữ một quả trứng sô-cô-la trong suốt 70 năm - từ năm 1951 trong 70 năm. Thậm chí một bảo tàng ở Torquay gần đây đã mua một quả trứng được lưu giữ từ năm 1924 .

Chỉ đến những năm 1960-1970, các siêu thị mới bắt đầu cung cấp trứng sô-cô-la với giá rẻ hơn, với hy vọng thu được lợi nhuận từ truyền thống tặng quà trong lễ Phục sinh.

Trong bối cảnh nguồn cung ứng cà phê và sô-cô-la ở châu Âu đang bị gián đoạn, và cúm gia cầm gây ra tình trạng thiếu trứng, có thể lễ Phục sinh trong tương lai sẽ có những thay đổi nhỏ. Song điều đó có lẽ không mấy ảnh hưởng đến các tập tục trong ngày lễ này, bởi nhìn lại những gì đã qua trong lịch sử, những quả trứng Phục sinh đã cho chúng ta thấy khả năng thích nghi và biến đổi không ngừng theo dòng chảy của các tập tục truyền thống.

Nguồn: