Trái với hình ảnh thường thấy như trong phim "Công viên kỷ Jura", giờ đây các nhà khoa học tin rằng khủng long bạo chúa T-rex không phải là sinh vật "thừa răng thiếu môi”.

Trong phim và sách, khủng long bạo chúa thường hiện ra với hình ảnh nhe hàm răng lởm chởm và đi lảng vảng kiếm mồi. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy những chiếc răng đáng sợ của nó thực ra có thể nằm sau lớp môi mỏng, có vảy.

Nhóm tác giả của nghiên cứu mới cho rằng quan niệm nhóm khủng long chân thú khuyết môi đến từ việc răng chúng có kích cỡ rất lớn, và vì những loài họ hàng có răng gần nhất với chúng hiện còn tồn tại - chẳng hạn như cá sấu châu Mỹ và cá sấu châu Phi - cũng không có môi.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy răng khủng long chân thú có thể được che khi nó ngậm miệng, giống thằn lằn ngày nay.

Tiến sĩ Mark Witton, Đại học Portsmouth, đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho rằng những mô tả phổ biến về khủng long hiện nay đã lỗi thời.

“Về cơ bản, chúng ta vẫn đang sống dưới cái bóng của Công viên kỷ Jura [từ] 30 năm trước. Chúng ta cần loại bỏ hình ảnh những con khủng long khuyết môi và đầy răng như T-rex, và quen dần việc mặt những động vật này trông giống thằn lằn hơn,” ông nói.

Ảnh minh họa một con Edmontosaurus đang bị một con khủng long bạo chúa có môi nuốt vào miệng.
Ảnh minh họa một con Edmontosaurus đang bị một con khủng long bạo chúa có môi nuốt vào miệng.

Theo nhóm nghiên cứu, khi kiểm tra một chiếc răng lớn nằm hơn 500 ngày trong miệng của khủng long bạo chúa Daspletosaurus, họ không tìm ra bằng chứng nào cho thấy nó bị bào mòn đáng kể. Phát hiện này thống nhất với những nghiên cứu khác về răng của khủng long chân thú.

Ngược lại, những chiếc răng lớn của cá sấu châu Mỹ thường bị hư hại, thậm chí lớp men răng cũng bị mài mòn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là do những con vật này không có môi, tức là men răng của chúng bị lộ ra ngoài, khiến cho răng trở nên khô và kém bền hơn.

Witton chỉ ra, răng của khủng long bạo chúa thường tồn tại hơn 12 tháng trước khi thay - lâu hơn nhiều so với cá sấu - điều này cũng ủng hộ ý kiến cho rằng T-rex có môi.

“Không loài động vật nào có thể chữa hoặc thay thế men răng đã mòn, nhưng lớp men răng mỏng của khủng long bạo chúa lại còn nguyên dù một số con không thay răng trong hơn một năm,” ông nói.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện trên hàm của khủng long chân thú có những lỗ nhỏ tương tự như ở thằn lằn ngày nay, những lỗ này cung cấp dây thần kinh và mạch máu cho môi và lợi. Cả hai loài đều có răng thẳng, không như răng cá sấu chìa ra ngoài.

Việc phân tích kích thước tương đối giữa hộp sọ và răng ở thằn lằn ngày nay cho thấy răng khủng long chân thú không quá lớn và vẫn có thể được môi che.

Giáo sư Steve Brusatte, Đại học Edinburgh, không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nếu đúng như nghiên cứu thì T-rex sẽ không cười nhe răng mà như cười hở lợi. Ông nói thêm rằng mô mềm bao phủ răng của chúng không có hình dạng giống như đôi môi đầy đặn và nhô ra như chúng ta.

Tuy nhiên, Brusatte cho biết vấn đề vẫn chưa khép lại. Ông đặt nghi vấn: “Tôi cho rằng [những nhà nghiên cứu này] đúng, rằng khủng long bạo chúa có nhiều mô mềm bao phủ răng hơn là cá sấu, song tôi vẫn băn khoăn liệu chúng có nhiều mô bao phủ răng như kỳ đà hay không”.

Báo cáo được đăng trên tạp chí Science.

Nguồn: