Trong “Loài tinh tinh thứ ba”, Jared Diamond đặt ra cho mình nhiệm vụ đi tìm lời giải vì sao loài Homo sapiens lại có thể vượt lên để thống trị những họ hàng của nó, chẳng hạn như tinh tinh và vượn người.

Dựa trên kiến thức nền tảng của một nhà sinh lý học, ông đã phân tích, mổ xẻ hàng loạt các vấn đề, trong đó cả những vấn đề thực sự hiếm gặp trong các chuyên luận về sự tiến hóa của con người.

Tác giả Jared Diamond (1937). Nguồn: INT
Tác giả Jared Diamond (1937). Nguồn: INT

Loài tinh tinh thứ ba là cuốn khởi đầu loạt sách phổ biến khoa học của Jared Diamond, một trong số ít các nhà khoa học kiên trì theo đuổi một công việc độc đáo: tổng hợp các khối kiến thức rộng lớn từ các lĩnh vực đa dạng như nhân chủng học, di truyền học so sánh, sinh thái học và lịch sử… để trình bày những thế giới quan mới, những quan điểm mới về sự sống, nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Trong khi trình bày những quan điểm của mình, Diamond cũng mời gọi người đọc đưa ra quan điểm của riêng họ. Cách tiếp cận mới mẻ này đã khuyến khích những người bình thường tham gia vào các quá trình khoa học: khám phá, thử nghiệm và bác bỏ các giả thuyết.

Tác giả cũng khéo léo kết hợp các kết quả nghiên cứu khoa học chính thống với những trải nghiệm cá nhân, những đoạn tự truyện mang đậm chất riêng tư nhằm tạo ra sự cuốn hút của mạch văn. Đây là chính là thế mạnh của các tác phẩm khoa học đại chúng và cho dù có đồng ý hay không với định hướng khoa học xã hội của Diamond, đa số người đọc sẽ cảm thấy thú vị và bị hấp dẫn bởi phong cách của ông.

Loài tinh tinh thứ ba được chia thành năm phần. Trong phần 1, Diamond mô tả sự gần gũi phi thường của chúng ta với tinh tinh và tinh tinh lùn, sau đó di chuyển qua thời tiền sử của loài người rồi đi đến “Bước nhảy vọt Vĩ đại” xảy ra từ hơn 35.000 năm trước, một bước ngoặt đã tạo ra hầu hết những nét độc đáo nơi con người. Về những điểm tương đồng giữa con người và thế giới động vật, Diamond cho rằng mọi đặc tính mà chúng ta thường coi là chỉ có ở con người thực ra đều đã có tiền lệ trong thế giới động vật. Các hệ thống giao phối một vợ một chồng không hề là đặc quyền của con người bởi đó cũng là đặc tính sinh sản của nhiều loài chim biển. Còn khả năng thuần hóa động và thực vật? 47 loài kiến biết cắt lá trồng nấm; các loài kiến khác thì thuần hóa rệp - phun sương cho chúng, dùng thuốc an thần và "điều trị" chúng theo các phương pháp gợi nhớ đến nền nông nghiệp hiện đại. Sau hơn 30 năm kể từ khi Loài tinh tinh thứ ba được xuất bản, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng củng cố mạnh mẽ những lập luận của Diamond.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1991 và được dịch sang tiếng Việt mới đây. Ảnh: DT
Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1991 và được dịch sang tiếng Việt mới đây. Ảnh: DT

Từ thời Darwin, người ta đã hiểu rõ con người tiến hóa từ động vật và loài động vật có quan hệ họ hàng gần nhất của chúng ta là vượn lớn châu Phi (tinh tinh và khỉ đột), thế nhưng những kết quả nghiên cứu DNA được công bố vào những năm 1980 đã khiến chúng ta choáng váng: Con người và tinh tinh chia sẻ chung với nhau hơn 98% DNA! Chính con số 2% nhỏ bé còn lại đem tới những ưu thế lớn lao cho loài người: nó cho phép chúng ta biết viết, đọc, nói, chế tạo kính thiên văn...

Vậy những “khác biệt nhỏ bé” ấy là gì? Trước hết là một số khác biệt liên quan đến bộ não của chúng ta, vốn có kích thước lớn gấp 4 lần tinh tinh. Tư thế đứng thẳng của chúng ta cũng là một ưu thế vượt trội, giúp chúng ta rảnh tay để sử dụng các công cụ. Một đề tài ít được thảo luận hơn, đó là khuynh hướng tính dục đặc biệt của chúng ta. Kích thước cơ thể một người trưởng thành xấp xỉ bằng tinh tinh nhưng nhỏ hơn khỉ đột và đười ươi. Vậy thì tại sao ở những người đàn ông, dương vật lại lớn hơn đáng kể so với bất kỳ loài vượn nào, và tinh hoàn cũng lớn hơn tinh hoàn của khỉ đột và đười ươi? Liệu việc tăng thêm chiều dài của dương vật ở con người có phải là một sự lãng phí tài nguyên mà lẽ ra sẽ hữu ích hơn nếu thay vào đó là việc tăng thêm nữa kích thước bộ não hoặc tạo ra ngón tay thứ sáu? Và hầu hết loài người chúng ta không lựa chọn bạn bè hay đối tác tình dục dựa trên một danh sách các đặc trưng thể chất rõ ràng. Điều gì đang xảy ra trong những lựa chọn bồng bột này? Tại sao đàn ông và phụ nữ lại rất khác nhau về sở thích và động cơ quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và các hành vi sinh sản? Những vấn đề về tính dục của con người được Diamond mổ xẻ, phân tích lần đầu trong Loài tinh tinh thứ ba tiếp tục được ông phát triển thành một hệ thống quan điểm vững chắc trong tác phẩm Vì sao tình dục lại thú vị (Why is sex fun?) xuất bản 6 năm sau đó.

Trong phần tiếp theo, Loài tinh tinh thứ ba tập trung phân tích một số đặc điểm dường như thuộc sở hữu độc quyền của con người: Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Nông nghiệp và Bệnh nghiện ma túy. Diamond cho biết, về phương diện giải phẫu, mẫu người hiện đại đã tồn tại được hơn 2 triệu năm; nhưng ngược lại, phần lớn các hành vi của con người hiện đại chỉ mới xuất hiện gần đây. Theo ông, trước kia, tổ tiên của chúng ta đã lang thang khắp các thảo nguyên để kiếm sống giống như loài vượn người. Chỉ sau khi xuất hiện “Bước nhẩy vọt Vĩ đại”, con người mới làm chủ nhanh chóng các công nghệ then chốt và xuất hiện sự tích lũy và chuyển giao kiến thức giữa các thế hệ, cái mà ngày nay chúng ta gọi là “văn hóa”. Chúng bao gồm các kỹ năng chế tạo các công cụ chuyên dụng; nghệ thuật đồ họa trên đá và đồ vật trang trí; buôn bán đường dài và tập tục chôn cất công phu. Vậy thì điều gì đã thúc đẩy bước nhảy vọt này? Diamond gợi ý rằng đó chính là ngôn ngữ: những thay đổi di truyền giúp tăng cường các vùng não liên quan đến ngôn ngữ hoặc xuất hiện bộ máy thanh quản cần thiết để tạo ra một loạt các âm vị đủ dùng cho ngôn ngữ.

Nếu như giả thuyết của Diamond về "Bước nhảy vọt Vĩ đại" đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới khoa học và cho đến nay còn chưa ngã ngũ thì một tuyên bố khác của Diamond cho rằng tất cả con người hiện đại đều là hậu duệ của một loài vượn duy nhất, không có sự đóng góp di truyền từ bất kỳ loài vượn người nào khác đã từng tồn tại song song trong quá khứ dường như là một nhận định sai lầm và đã bị những phát hiện khoa học mới đây bác bỏ.

Vào năm 2010, bằng kỹ thuật DNA hạt nhân, Tiến sĩ Green và cộng sự đã lật ngược giả thuyết của Diamond và thách thức quan điểm phổ biến cho rằng người Neanderthal là những kẻ man rợ hạ đẳng và không thể có quan hệ giao phối với loài Homo sapiens. Kết quả nghiên cứu của nhóm này cho thấy 1 đến 4% bộ gen của tất cả người hiện đại có nguồn gốc từ người Neanderthal và sự lai giống đã xảy ra cách đây trên 80.000 năm và kết thúc cách đây 45.000 năm, sau khi người Neanderthal tuyệt chủng. 1-4% là một tỷ lệ rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn lao bởi nó khẳng định có sự tương đồng về di truyền và văn hóa giữa các loài vượn người, và một lần nữa nó lại đặt chúng ta đối diện với câu hỏi: làm thế nào để xác định mối quan hệ của loài người với các loài khác, điều này có ý nghĩa gì về phương diện đạo đức trong mối tương tác giữa các loài? Dù muốn hay không, tất cả chúng ta đều đang gián tiếp tham gia vào những tương tác như vậy. Dẫu chỉ là việc tiêu thụ dầu cọ từ các đồn điền lấn chiếm môi trường sống của loài đười ươi Đông Nam Á có họ hàng gần với chúng ta, hay hưởng lợi từ các loại thuốc được thử nghiệm trên động vật linh trưởng, mọi quyết định, lựa chọn trong cuộc sống đều cần tính đến sự giao thoa giữa khoa học và đạo đức.

Ở những phần cuối của cuốn sách, Diamond kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cũng như mọi cư dân trên trái đất hướng tới sự hiểu biết và bảo tồn sự sống đa dạng trên Trái đất thay vì theo đuổi những kế hoạch thiển cận mang tính vụ lợi. Để tăng tính thuyết phục cho lời kêu gọi của mình, Diamond nêu hàng loạt ví dụ, dựa trên các bằng chứng vững chắc về khảo cổ học và dân tộc học, chứng minh một cách rõ ràng những hậu quả thảm khốc đã xảy ra từ sự tiếp xúc của con người với hệ động vật, thực vật và các nhóm người thiểu số không có khả năng tự vệ. Không chỉ dừng lại ở việc có được một nhận thức đúng, theo Diamond, chúng ta cần hành động ngay lập tức để giải quyết các vấn đề về tăng dân số và ngăn chặn sự phá hủy tài nguyên ngày một trầm trọng như hiện nay. Ông đặc biệt lo lắng về các nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân. Trong khi lưu ý rằng tương lai của loài người chúng ta rất có thể trở thành ảm đạm như tương lai của các loài tinh tinh và vượn người, Diamond tin rằng chúng ta vẫn còn cơ hội và khả năng để giải quyết tận gốc những vấn nạn này, một khi chúng ta có đủ quyết tâm và tinh thần đoàn kết.