Hiếu chiến - hậu quả của tục đa thê
Thời đại Viking bắt đầu khoảng cuối thế kỷ 8 và kéo dài đến giữa thế kỷ 11 tại khu vực Scandinavia. Họ là nỗi khiếp sợ của các dân tộc khác ở khắp châu Âu và bắc Đại Tây Dương. Người Viking đi biển rất giỏi. Họ thường xuyên dùng thuyền dài để đánh phá cướp bóc, xâm chiếm các vùng đất trù phú rồi định cư ở đó.
Có nhiều cách lý giải sự hiếu chiến của người Viking. Giả thiết được nhiều nhà khoa học ủng hộ nhất là sự bùng nổ dân số do khí hậu ấm áp khiến các vụ mùa bội thu. Vì thế, nhiều nhóm người rời quê tỏa ra khắp mặt biển và cướp phá.
Giả thiết khác cho rằng sự đột phá trong công nghệ chế tạo thuyền (như bổ sung sống tàu, cánh buồm giúp đi xa hơn) chính là nguyên nhân.
“Nguyên nhân này không thực sự thuyết phục bởi nếu chỉ đơn thuần là công nghệ, người Viking hoàn toàn có thể trở thành các thương nhân hòa bình trên biển, vì cớ gì lại đi gây chiến, cướp phá?” - nhà nhân chủng học Mark Collard thuộc Đại học Simon Fraser (Canada) nói. Ông đã tập trung nghiên cứu vấn đề này, chú trọng đặc biệt đến một giả thuyết lâu đời là vấn đề thừa nam giới độc thân - được đề cập 1.000 năm trước bởi nhà sử học Dudo trong cuốn “Lịch sử của người Norman” .
Đàn ông Viking địa vị càng cao càng có nhiều vợ. Ảnh: Alphacoders
Nhóm nghiên cứu đã làm mới giả thuyết này bằng cách gắn nó với tục đa thê, với nhiều bằng chứng trong các văn bản cổ. Ở xã hội Viking, đàn ông giàu có và mạnh mẽ nhất thường có nhiều thê thiếp. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng thanh niên trai tráng sẽ khó khăn trong việc tìm vợ.
Họ đã tìm thấy nhiều dấu tích về vấn đề này trong chuyện cổ của người Iceland, biên niên sử của Đức thời trung cổ hoặc ghi chép của những du khách nổi tiếng như Ahmad Ibn Fadlān của xứ Arập vào thế kỷ 10. Giả thuyết này được hỗ trợ bởi các phát hiện khảo cổ, như ngôi mộ tập thể và những khúc ca dân gian thời Viking.
Tục đa thê đã giới hạn số đàn ông có vợ, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong việc tìm bạn tình ở nam giới độc thân. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh, ở xã hội đa thê, tỷ lệ đàn ông chết trong các cuộc xung đột cao hơn xã hội một vợ, một chồng.
“Người Viking không khác biệt so với nhiều tộc người khác về chuyện đa thê. Rất nhiều xã hội trong quá khứ công nhận chế độ đa thê. Ngay cả ngày nay cũng có nhiều tộc người duy trì nó” - ông Mark Collard nói. “Tương tự như vậy với chuyện đánh phá, cướp bóc. Đây không phải là hành vi bất thường trong quá khứ, thậm chí ngày nay vẫn khá phổ biến ở một số nơi nhất định”.
Cướp bóc để tăng địa vị xã hội
Nhóm nghiên cứu cho biết, tình trạng đa thê đã làm tăng sự cạnh tranh giữa đàn ông khi khiến nhiều người không thể lập gia đình. “Một xã hội như vậy sẽ dẫn đến sự tăng tỷ lệ giết người, trộm cắp, hiếp dâm, bắt cóc (đặc biệt là phụ nữ), nô lệ tình dục, mại dâm” - ông Collard nói.
Theo ông Collard và các đồng nghiệp, xã hội Viking cũng phức tạp như xã hội hiện đại của chúng ta với một hệ thống phân cấp dựa trên việc ai có nhiều của cải hơn. Nói cách khác, con người ngày nay sắm xe cộ, nhà cửa, iPhone mới để thể hiện đẳng cấp thì người Viking cũng tương tự. Điều khác biệt duy nhất là vợ cũng trở thành yếu tố thể hiện đẳng cấp.
Điều đó dẫn đến việc đàn ông Viking tích cực tham gia vào các hành vi nguy hiểm - chẳng hạn như các cuộc đánh phá, cướp bóc, xâm lăng - để có được sự giàu có và địa vị xã hội nhằm thu hút các cô gái độc thân và đảm bảo có nhiều nô lệ nữ. Các nhà nghiên cứu tin rằng một trong những hệ quả của xu hướng này là sự gia tăng đột biến các cuộc chiến và dẫn đến thời đại Viking.
Dựa trên vũ khí và chiến lợi phẩm khác được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ, các nhà khoa học biết rằng hàng hóa và nô lệ là phần thưởng sau những chuyến “đi săn” - một thực tế đã được kể qua những câu chuyện dân gian của người Bắc Âu.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người đàn ông mạnh mẽ - những người đã có nhiều vợ và giàu có - cũng vẫn tham gia vào các cuộc tấn công bởi nó giúp họ duy trì và tăng cường sự lãnh đạo, tiền tài cũng như các lợi ích khác.
Ngay cả phụ nữ trẻ cũng được cho là tham gia vào các cuộc tấn công, đánh phá bởi đó là cách hữu hiệu để có quyền lực, ảnh hưởng trong một xã hội vô cùng cạnh tranh. Ngoài ra, một số học giả còn cho rằng tham gia đánh phá là hành vi phổ biến đối với toàn bộ người Viking.
Các nhà khoa học hy vọng những di chỉ khảo cổ được khai quật tiếp theo sẽ tiết lộ thêm nhiều chi tiết mới, hấp dẫn về văn hóa của người Viking để chúng ta có được một câu chuyện hoàn chỉnh.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Evolution and Human Behaviour (Tiến hóa và hành vi của con người).