Ảo giác cũng lây lan
Trang tin KVAL News cho biết, thời điểm gần sáng của một ngày tháng 10/2016, người trông nom một bà lão 78 tuổi ở North Bend, bang Oregon, Mỹ đã gọi điện cho cảnh sát thông báo có một nhóm 7-8 người đang cố gắng phá xe của cô.
Ngay lập tức, cảnh sát có mặt nhưng chẳng phát hiện được điều gì lạ thường nên đã ra về. Hơn 2 tiếng đồng hồ sau đó, họ phải trở lại bởi cuộc gọi tương tự. Nghi ngờ người cấp báo bị ảo giác, cảnh sát đã đưa cô tới bệnh viện khám. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra y tế cho thấy cô hoàn toàn bình thường.
Điều kỳ lạ là sau đó, tất cả những người có tiếp xúc với người phụ nữ kể trên - gồm bà lão 78 tuổi trong ngôi nhà, 2 nhân viên y tế và sỹ quan cảnh sát - đều có biểu hiện thần kinh không bình thường giống nhau. Họ đều bị nôn, đau đầu, hưng phấn thái quá, ảo giác và phải đưa vào bệnh viện. Sau khi kiểm tra, các bác sỹ đều kết luận sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường.
Ảo giác lan truyền hiện vẫn là hiện tượng chưa có lời giải. Ảnh: Psychology Today
Đến buổi chiều, một nhóm nhân viên dịch tễ đã tới bệnh viện Oregon và ngôi nhà nơi người phụ nữ mắc bệnh đầu tiên đang ở để làm công tác khử trùng. Tuy nhiên, nguồn cơn của hiện tượng trên vẫn còn là ẩn số, cho dù các nhà chức trách đã tiến hành kiểm tra cẩn thận mọi vật dụng, mọi ngóc ngách cũng như các thiết bị vận chuyển, phòng cấp cứu. Các bác sỹ thậm chí đã kiểm tra máu của bệnh nhân để tìm kiếm nguồn nhiễm độc. Tại ngôi nhà của người phụ nữ lớn tuổi, các điều tra viên đã tìm thấy các miếng dán có chứa thuốc phiện.
Trên thực tế, rối loạn phân ly tập thể thường gặp ở người lớn và thanh niên. Nhân viên cảnh sát và nhân viên y tế ít khi bị hiện tượng này. Vậy điều gì có thể xảy ra với 5 con người đó - những người chỉ ở gần nhau có vài phút - khiến họ cùng xuất hiện triệu chứng ảo giác?
Không giả thiết nào đủ thuyết phục
Để tìm câu trả lời cho bài toán hóc búa này, phóng viên tờ Popular Science đã gặp Giáo sư James Giordano - chuyên gia khoa Thần kinh và Sinh học thuộc Trung tâm Y tế, Đại học Georgetown, Mỹ.
“Hiện tượng ảo giác do dùng thuốc thường liên qua tới thị giác, trong khi ảo giác thính giác thường liên quan tới bệnh lý tâm thần” - Giáo sư Giordano tuyên bố. Theo đó, bạn có thể bị ảo giác tổng hợp, liên quan tới thị giác, thính giác và xúc giác (dạng cảm giác như có tay ai đó sờ lên vai mình, có gì đó bò dưới da hay cảm thấy mình bị phủ trong áo giáp).
Tuy nhiên, những biểu hiện ảo giác cấp tính, trực quan (liên quan tới thị giác) như các nhân viên cảnh sát trong câu chuyện kể trên thường có liên quan tới yếu tố bên ngoài, chẳng hạn do bào tử nấm, thuốc gây ảo giác…
Điều khó hiểu là trong trường hợp trên không có bất kỳ một độc tố nào được phát hiện. Phải chăng những nạn nhân này mắc phải hiện tượng “hiệu ứng lửa trại”? Đó là hiện tượng một người trong nhóm nghe thấy tiếng nổ trong đêm tối và mọi người trở nên sợ hãi, họ thậm chí còn tưởng những con sóc là BigFoot - người khổng lồ trong truyền thuyết.
Nếu suy diễn theo cách này, có thể phần nào lý giải được việc 5 bệnh nhân có cùng ảo giác ở North Bend. Tuy nhiên, Giáo sư Giordano không coi cách giải thích này là hợp lý: “Bạn có thực sự nghĩ rằng các nhân viên y tế và sỹ quan cảnh sát đó thuộc dạng dễ bị hoang tưởng kiểu này? Có lẽ là không đâu”.
Vậy liệu có khả năng hiện tượng trên xuất hiện là do những người này đã trải qua một ngày làm việc mệt mỏi, hay họ bị thiếu nước, nghiện càphê? Những tình huống này đều có thể xảy ra và khoa học đã chứng minh stress có thể gây ra những hiệu ứng kỳ lạ, thậm chí cho cả những chuyên gia “cứng” nhất. Mặc dù vậy, việc nhiều người cùng có một trải nghiệm hoang tưởng lại không thường thấy.
Một giả thuyết ít thuyết phục hơn nhưng vẫn được đặt ra là do những người này ở gần nhau trong một khoảng thời gian dài nên có thể bị “nhiễm” sự hoang tưởng của người kia. Tuy nhiên trên thực tế, những bệnh nhân đó lại không hề ở cùng nhau hay có giao tiếp với nhau hằng ngày trong một thời gian dài.
Dựa vào những chi tiết ít ỏi có được, Giáo sư Giordano khẳng định rằng chắc chắn những người này đã bị nhiễm độc. “Dù nhà chức trách tuyên bố họ không tìm thấy chất gây độc, nhưng có thể họ đã bỏ qua nó” - ông Giordano cho hay.
Giáo sư Giordano cho rằng nguồn gây độc có thể là một lượng rất nhỏ loại thuốc hiệu quả cao. Loại thuốc này bám trên người bệnh nhân, hoặc họ đã mang nó từ nhà tới bệnh viện. Cả 5 người nhiễm bệnh đã tiếp xúc với loại thuốc này và nó khiến các chất hóa học trong não họ thay đổi. Sau đó, trải nghiệm hoang tưởng của bệnh nhân đầu tiên đã tác động tới các bệnh nhân còn lại khiến họ có cùng trải nghiệm tương tự.