Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện nhiều dấu vết được cho là của người Viking tại hòn đảo Newfoundland (Canada). Nếu điều này được xác nhận, lịch sử châu Mỹ sẽ cần được viết lại.
Phát hiện chấn động
Nhóm khảo cổ học của TS Sarah Parcak - Đại học Alabama (Mỹ) - vừa tìm thấy bằng chứng về sự xuất hiện của người Viking ở Point Rosee thuộc đảo Newfoundland (Canada).
Sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy những dấu hiệu khác lạ tại Point Rosee, họ đi sâu vào khám phá và phát hiện những cấu phần đặc biệt của một lò rèn sắt kiểu Bắc Âu cùng 8kg quặng sắt. “Phát hiện này khiến chúng tôi đặt ra hai giả thuyết. Thứ nhất, đó là một nền văn hóa mới với phong cách giống Bắc Âu. Thứ hai, đây chính là di chỉ của người Bắc Âu khi họ chinh phục châu Mỹ. Chúng tôi còn nhiều việc cần thực hiện để có thể làm rõ vấn đề này” - bà Parcak cho biết.
Point Rosee không phải di chỉ được cho là của người Bắc Âu đầu tiên được tìm thấy tại Canada. Vào những năm 1960, tại L-Anse aux Meadows cách đó gần 500km, các công trình cổ có nhiều đặc điểm của kiến trúc Viking cũng được tìm thấy.
Họ còn phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy người Viking từng rèn kim loại ở đây và giao thương với thổ dân, đặc biệt là các sợi dây chão bện từ lông thú. Người bản địa không có kỹ năng này, trong khi đây là sở trường của người Viking nên các nhà khoa học tin rằng những sợi dây này chính là sản phẩm có nguồn gốc từ văn hóa Bắc Âu.
Tại L’Anse aux Meadows, các nhà khoa học không tìm thấy các công trình kiến trúc, lều, nơi trú ẩn của động vật, gia súc - vốn là sở trường của người Bắc Âu, nên họ đặt giả thuyết đây chính là khu vực định cư tạm thời, làm bàn đạp để người Viking du hành, thám hiểm xa hơn.
Dù những bằng chứng này chưa giúp người Viking soán ngôi vị “tìm ra châu Mỹ” của Christopher Columbus, nhưng cũng đủ để UNESCO công nhận L’Anse aux Meadows là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1978.
Người Viking - bậc thầy về đi biển
Nhiều nhà khoa học luôn tin rằng người Viking hoàn toàn có khả năng tìm ra châu Mỹ trước Columbus rất lâu, bởi họ là bậc thầy về đi biển nhờ sớm biết áp dụng khoa học, kỹ thuật.
Theo nhà khảo cổ học S. Thirslund, người Viking trong những chuyến đi của mình luôn mang theo hai công cụ điều hướng đơn giản là la bàn mặt trời và viên đá mặt trời.
La bàn mặt trời - dụng cụ xác định vĩ độ - là một tấm gỗ hoặc đá hình tròn, ở giữa có một lỗ nhỏ cắm cái chốt được gọi là Gnomon. Cầm la bàn theo chiều ngang sao cho Gnomon thẳng đứng theo chiều dọc, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào cái chốt ở trung tâm đĩa, nó sẽ phủ bóng lên bề mặt la bàn.
Người Viking đánh dấu vị trí ngả bóng của Gnomon mỗi giờ một lần cho đến lúc Mặt trời lặn. Sau đó, họ nối các điểm với nhau để được đường cong hình hyperbol gọi là đường Gnomon. Khi muốn xác định vĩ độ, họ giữ la bàn mặt trời nằm ngang rồi xem vị trí ngả bóng của Gnomon. Bóng mở rộng qua đường hyperbol nghĩa là họ đã đi quá xa về phía bắc. Nếu bóng ngắn lại về phía chân Gnomon, họ đang tiến về nam.
Còn viên đá mặt trời vốn là khối tinh thể Cordierite chứa magiê, sắt và nhôm, được dùng để xác định vị trí Mặt trời. Cordierite bình thường màu vàng nhạt, nhưng do cấu trúc tinh thể đặc biệt và hiện tượng tán xạ ánh sáng, nó sẽ đổi màu thành xanh hoặc tím khi ánh mặt trời chiếu theo hướng vuông góc, kể cả khi Mặt trời bị mây che.
Vì thế, nếu người Viking khi vượt Bắc Đại Tây Dương gặp mây mù , họ chỉ cần xoay viên đá mặt trời cho đến khi nó chuyển sang màu tím là xác định được hướng đông - tây. Nhờ đó, những người Bắc Âu đã trở thành nhà thám hiểm vĩ đại nhất của thế giới ngay từ thế kỷ thứ VIII. Và nếu họ sớm khám phá ra châu Mỹ thì cũng rất dễ hiểu.
Douglas Bolender - người chuyên nghiên cứu về tộc người Viking - cho biết, trong các câu chuyện của người Viking về phiêu lưu, khai phá miền đất mới, nhiều câu chuyện có dấu hiệu phù hợp với các vùng đất như L’Anse aux Meadows hay Point Rosee.
“Nghiên cứu sâu hơn nữa về Point Rosee là điều vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp chúng ta xác định liệu người Viking đã đặt chân đến đây hay chưa, đây có phải là điểm dừng chân lâu dài của họ hay chỉ là một nơi họ đi qua trên hành trình khai phá châu Mỹ” - ông Bolender nói.