Một nghiên cứu di truyền học mới đây đã tiết lộ số người bản địa đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ là vào khoảng 250 người – khá khiêm tốn so với diện tích của châu lục này.

Chính những người di cư từ Siberia đã “sáng lập” nên cộng đồng dân cư đầu tiên ở Châu Mỹ vào khoảng 15.000 năm trước – Nelson Fagundes, đồng tác giả của nghiên cứu trên và là giáo sư chuyên ngành di truyền học tại Đại học Liên bang Rio Grande do Sul (Brazil)

Người bản địa Châu Mỹ bên cạnh lạc đà ở Thung lũng Thiêng, Cusco (Peru). Ảnh: Live Science

Người bản địa Châu Mỹ bên cạnh lạc đà ở Thung lũng Thiêng, Cusco (Peru). Ảnh: Live Science

Theo Fagundes, việc xác định được quy mô của nhóm cư dân bản địa đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, thậm chí đóng vai trò then chốt quyết định tính đa dạng về mặt di truyền của các thế hệ hậu duệ sau này. Điều này cũng góp phần điều chỉnh hiệu quả loại bỏ các gen xấu qua quá trình chọn lọc tự nhiên. “Các quần thể lớn cho thấy đã có sự chọn lọc rất hiệu quả, trong khi tại các quần thể nhỏ, những alen xấu, gây hại nhẹ lại có xu hướng lây lan, làm gia tăng tính mẫn cảm đối với một số loại bệnh”, Fagundes cho biết.

Fagundes cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu mẫu DNA của 10 đối tượng người bản địa sống rải rác ở khắp Trung và Nam Mỹ, 10 người Siberia thuộc các nhóm khác nhau và 15 người Trung Quốc. Các nhóm người bản địa Châu Mỹ bao gồm người Aché ở Paraguay; người Bribri, Guatuso và Guaymi ở Costa Rica; người Lengua ở Argentina; người Quechua ở Peru; và người Arara, Waiwai, Xavante, Zoró ở Brazil. Trong khi đó, người bản địa Bắc Mỹ lại không được đưa vào nghiên cứu vì đã có nhiều mối liên hệ, hòa huyết với các nhóm nhập cư về sau, khiến việc xác định nhóm dân cư ban đầu trở nên khó khăn hơn nhiều.

Sau khi có được mẫu DNA, các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích 9 vùng gen, bao gồm 10.000 cặp bazơ (ký tự) trên gene của từng người.

Từ lâu, giới khoa học đã biết rằng đa dạng di truyền trên một mẫu gen có liên hệ trực tiếp đến quy mô dân số. Bên cạnh đó, sự phân hóa di truyền giữa hai cộng đồng dân cư (người Châu Mỹ bản địa và người Siberia) gia tăng theo thời gian cũng cho phép các nhà nghiên cứu gán dữ liệu DNA vào mô hình mô phỏng trên máy tính để tra ngược lại quy mô của nhóm dân cư đầu tiên. Kết quả chạy mô hình đưa ra con số dao động trong khoảng 229 – 300 người, và kết quả ước tính cuối cùng dừng lại ở 250. Con số trên được xem là rất nhỏ, có thể đủ để tạo nên giới hạn “cổ chai di truyền”, tức số lượng đa dạng di truyền của nhóm di dân đầu tiên là rất ít.

Tuy nhiên, rất lâu sau khi nhóm di dân đầu tiên đặt chân đến đây, người bản địa Châu Mỹ nói chung đã có thời gian để phục hồi đa dạng di truyền thông qua các đột biến mới, Fagundes lưu ý. Hơn nữa, nhiều người bản địa Bắc Mỹ cũng đã giao thoa với những nhóm di dân sau này, từ đó càng làm tăng thêm tính đa dạng di truyền, ông nói.

Con số vẫn chỉ mang tính phỏng đoán

Vì rất khó (thậm chí hầu như không thể) để xác định chính xác quy mô của nhóm dân cư ban đầu, cho nên con số 250 vẫn chỉ mang tính phỏng đoán. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu trên lại tỏ ra khá tương đồng với nhiều phát hiện khác. Theo Fagundes, giới hạn di truyền này chỉ nằm trong khoảng 1000 cá thể, hay chắc chắn hơn nữa là từ 150 – 700 người. Một vài phỏng đoán khác còn đưa ra con số nhỏ hơn nữa nhưng không có dữ liệu để chứng minh.