Đá Mặt trời là những tinh thể khoáng chất mờ, trong đó có can-xit trong suốt ở Băng đảo (Iceland), có khả năng làm phân cực ánh sáng đi qua và trở thành một công cụ dẫn đường “hiệu quả đến kinh ngạc” nhờ tiết lộ vị trí của Mặt trời trong những ngày mây mù - vốn là đặc trưng của vùng biển Bắc Đại Tây Dương.
Mặc dù không biết dùng la bàn để định hướng, nhưng người Viking đã khởi hành từ vùng biển phía Tây Na Uy để cập bến Greenland và định cư tại đó từ sau thế kỷ 10 nhờ quan sát những tinh thể đá Mặt trời trong những chuyến đi, Dénes Száz - nhà vật lý quang học tới từ Đại học Eötvös Loránd Budapest (Hungary) và là tác giả chính của nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Khoa học Mở Hoàng Gia hồi tháng 4 - cho biết.
Sza’z đã dẫn kết quả mô phỏng trên máy tính cho thấy các thủy thủ Viking đã quan sát vị trí của Mặt trời ít nhất 3 tiếng một lần để nâng cao khả năng đi đúng về hướng Tây và cập bến Greenland. Tuy nhiên, những ai không cập nhật thường xuyên lại có nguy cơ cao không thể tới Greenland, đi lạc về hướng Nam, và nếu may mắn sống sót trên đại dương, sẽ đặt chân đến vùng biển của Canada.
“Qua những phát hiện khảo cổ học, chúng tôi có thể chắc chắn người Viking đã có mặt ở Bắc Mỹ hàng thế kỷ trước Columbus”, Száz cho biết. “Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết liệu họ đến được đó là do nhầm đường, hay qua những chuyến thám hiểm có chủ đích từ Greenland”.
Bí ẩn đá Mặt trời Viking
Trong nghiên cứu của mình, Száz và đồng tác giả Gábor Horváth tới từ Đại học Eötvös Loránd (Hungary), đã chạy 36.000 mô phỏng máy tính về những chuyến hành trình xuyên Đại Tây Dương của người Viking, nhằm xác định khả năng cập bến thành công dưới sự dẫn đường của đá Mặt trời.
Những sai sót trong việc sử dụng đá Mặt trời có thể đã đưa người Viking cập bến Canada thay vì đến Greenland. Ảnh: Shutterstock
Mô phỏng trên được xây dựng dựa theo những nghiên cứu trước đây để đánh giá tác động của những sai lệch do lỗi của con người trong việc điều hướng nhờ sử dụng can-xít Iceland hay các tinh thể mờ khác - để từ đó tạo nên các hình ảnh đơn hoặc kép tùy thuộc vào sự phân cực của ánh sáng truyền qua.
Theo giải thích của Száz, trong khi có rất ít các bằng chứng khảo cổ về việc người Viking đã sử dụng những tinh thể này, thì một cuốn trường thiên tiểu thuyết do Thánh St. Olaf viết về Iceland thế kỷ thứ 13 đã mô tả việc sử dụng các viên đá Mặt trời huyền diệu (sólarsteinn trong tiếng Iceland cổ) để xác định phương hướng của Mặt trời trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều mây hay sương mù dày đặc.
Các thủy thủ Viking được cho là đã sử dụng một la bàn không từ tính để xác định góc của Mặt trời giữa trưa, nhờ đó giúp họ điều khiển tàu bám theo một vĩ độ không đổi - chẳng hạn từ bờ Tây Nauy đến Greenland.
Tuy nhiên, do thời tiết chủ yếu là mây mù bao phủ quanh năm ở Bắc Đại Tây Dương, cho nên rất khó để nhìn thấy Mặt trời bằng mắt thường, trong nhiều ngày hay thậm chí là một vài tuần.
Theo giả thuyết do nhà khảo cổ Đan Mạch Thorkild Ramskou đề xuất vào năm 1967, thì các thủy thủ Viking có thể đã xác định được vị trí của Mặt trời trong điều kiện bất lợi bằng cách xoay các viên đá phía trước bầu trời và quan sát vị trí nơi các hình ảnh thẳng hàng hoặc lóe sáng lên – Száz cho biết.
Những chuyến đi mô phỏng
Kết quả chạy mô mình máy tính cho thấy: việc sử dụng đá Mặt trời để xác định phương hướng trong các chuyến hải hành của người Viking đã đem lại hiệu quả thành công đáng ngạc nhiên, đặc biệt nếu các thủy thủ đoàn thực hiện công việc quan sát ít nhất 3 giờ một lần, và thường xuyên vào lúc ban trưa.
Minh họa những chuyến đi biển của người Viking. Ảnh: Shutterstock
Những mô phỏng này cũng cho thấy người Viking xuất phát từ Nauy đã thường xuyên cập nhật lịch trình để đi đúng về hướng Tây đến bờ Greenland trong thời gian 3 - 4 tuần. “Nếu thời gian quan sát theo chu kỳ là khoảng từ 1, 2 đến 3 giờ, thì tỷ lệ điều hướng thành công là rất cao, có thể lên đến 80 - 100%”, Száz nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các tác giả cũng chỉ ra, trong những chuyến hành trình, nhiều người Viking đã chỉ quan sát vị trí của Mặt trời sau mỗi 6 giờ hoặc lâu hơn, thậm chí còn không cần quan sát, dẫn tới nguy cơ bỏ qua Greenland và đi lạc về phương Nam. Khi điều này xảy ra và nếu may mắn không chết vì đói khát trên biển, nhiều người trong số họ có thể cập bến vùng biển mà hiện nay thuộc về Labrador và Newfoundland (Canada), Száz cho biết.
Được biết mô hình máy tính mà Száz và cộng sự sử dụng đã tính đến các yếu tố như thay đổi thời tiết, sự khác nhau về thành phần khoáng trong các loại đá Mặt trời được sử dụng, và thời điểm trong năm mà các chuyến hải hành từ Nauy đến Greenland diễn ra. Dẫu vậy, những nghiên cứu trong tương lai sẽ cần phải cộng thêm nhiều biến số trong mô phỏng, bao gồm ảnh hưởng của bão, sóng biển và cả hướng gió...