Trong vòng 5 tỷ năm tới, Mặt Trời sẽ cháy hết, vỡ toác và biến thành quầng khí gas và bụi liên sao phát sáng, theo nghiên cứu công bố hôm qua trên tạp chí Nature Astronomy. Từ lâu giới thiên văn học đã biết Mặt Trời sẽ chết khi cạn kiệt nhiên liệu, nhưng kết cục chính xác của Mặt Trời vẫn là vấn đề chưa sáng tỏ.
Các nhà nghiên cứu quốc tế sử dụng mô hình vi tính mới và phát hiện thay vì mờ nhạt và biến mất dần như suy đoán trước đây, sau khi chết Mặt Trời sẽ biến thành tinh vân hành tinh tuyệt đẹp có thể nhìn thấy rõ trong hàng triệu năm ánh sáng.
"Tinh vân hành tinh là vật thể đẹp nhất trên bầu trời và ngay cả khi Mặt Trời chỉ còn là ngôi sao tàn lụi, nó vẫn dễ thấy từ những thiên hà lân cận", Albert Zijlstra, giáo sư vật lý thiên văn ở Đại học Manchester, Anh, cho biết. "Nếu bạn sống ở thiên hà Andromeda ở cách đây hai triệu năm ánh sáng, bạn sẽ có thể trông thấy nó".
Xét theo nhiều mặt, Mặt Trời là một ngôi sao trung bình. Nó có kích thước cỡ trung và 5 tỷ năm tuổi, bằng nửa tuổi thọ. Kết thúc của Mặt Trời sẽ đến khi lõi của ngôi sao cạn kiệt hydro, khiến phần tâm của nó đổ sụp vào trong. Khi điều này xảy ra, phản ứng hạt nhân sẽ bắt đầu bên ngoài lõi, làm Mặt Trời phồng lên thành ngôi sao đỏ khổng lồ, nuốt chửng sao Thủy và sao Kim.
Trong nghiên cứu, Zijlstra cùng đồng nghiệp ở Ba Lan và Argentina mô tả những gì sẽ xảy ra sau đó. Sau khi trở thành ngôi sao đỏ khổng lồ, Mặt Trời sẽ mất khoảng một nửa khối lượng do lớp ngoài bị thổi bay với tốc độ 20 km/h. Phần lõi sẽ nhanh chóng nóng lên, bắn ra tia cực tím và tia X tới lớp ngoài và biến chúng thành quầng plasma phát sáng rực rỡ. Tinh vân hành tinh này sẽ tỏa sáng trong khoảng 10.000 năm.
Dù cũng dự đoán Mặt Trời sẽ mất lớp ngoài khi kết thúc vòng đời, mô hình vi tính trước đây chỉ ra phần lõi sẽ nóng lên chậm tới mức không đủ khiến lớp ngoài phát sáng. Khi phần lõi đạt tới nhiệt độ 30.000 độ C, lớp ngoài đã biến mất hoàn toàn, phân tán thành khí gas và bụi phiêu dạt giữa những ngôi sao.
"Chúng tôi chứng minh phần lõi Mặt Trời sẽ đủ nóng trong 5 - 10 nghìn năm sau khi lớp ngoài tách ra. Mặt Trời có đủ điều kiện để trở thành tinh vân hành tinh", Zijlstra chia sẻ.
Dù Trái Đất có thể vẫn tồn tại sau cái chết của Mặt Trời, sự sống trên hành tinh sẽ diệt vong từ trước đó rất lâu. Khi Mặt Trời già đi, nó sẽ trở nên ngày càng sáng, và trong hai tỷ năm tới, Mặt Trời có thể nóng tới mức đun sôi các đại dương. "Cảnh tượng sẽ không mấy dễ chịu", Zijlstra nói.