Ngay từ thời đại đồ đồng, các nền văn minh ở khu vực Địa Trung Hải đã nhập khẩu nhiều loại thực phẩm như chuối, nghệ, đậu nành, vừng có nguồn gốc từ khu vực Nam Á và Đông Á.
Giới nghiên cứu từng cho rằng, câu chuyện về ba người đàn ông thông thái trong Kinh Tân Ước là bằng chứng về hoạt động buôn bán đường dài đã phát triển mạnh mẽ trong thời La Mã cổ đại. Khi đó, người dân Địa Trung Hải mua bán các loại dầu và nhựa cây từ những vùng đất ven biển Ả Rập và nhiều nơi khác xa hơn về phía Đông. Nhưng một khám phá gần đây cho thấy, cư dân cổ đại của khu vực ngày nay là Israel đã thưởng thức các loại trái cây và gia vị từ những vùng đất xa xôi như Ấn Độ cách đây khoảng 3.500 năm.
Khu chợ ở Địa Trung Hải thời cổ đại không chỉ bán các loại cây trồng bản địa như lúa mì, hạt kê và quả chà là mà còn có cả dầu mè và bột nghệ có nguồn gốc từ Nam Á. Ảnh: Nikola Nevenov.
Trong bài báo được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích mảng bám răng hóa thạch của 16 bộ xương có niên đại từ giữa thời kỳ đồ đồng đến đầu thời kỳ đồ sắt, từ năm 1500 đến năm 1100 trước Công nguyên. Một số hài cốt được khai quật trong những ngôi mộ thuộc tầng lớp quý tộc tại Megiddo. Đây là thành bang [thành phố tồn tại như những quốc gia độc lập] trên vùng đất Levant ở phía Đông biển Địa Trung Hải thời cổ đại.
Kết quả cho thấy, cư dân sống ở Levant không chỉ ăn các loại ngũ cốc bản địa bao gồm lúa mì, hạt kê và trái cây địa phương như chà là, họ cũng ăn các món ngon từ những vùng đất xa xôi. Trong số đó có đậu nành và nghệ [dùng để làm gia vị]. Hai loại cây trồng này có nguồn gốc ở khu vực Nam Á và Đông Á. Trước đây, giới khảo cổ chưa từng nghĩ rằng chúng là các món quen thuộc trên bàn ăn của người dân Địa Trung Hải cổ đại.
“Chúng tôi từng nghĩ họ chỉ ăn các loại cây trồng tại địa phương và nhập khẩu đá quý từ nơi xa. Nhưng ngay cả trong thời đại đồ đồng, họ cũng rất giống chúng ta khi nhập khẩu thực phẩm từ nhiều vùng đất khác”, Philipp Stockhammer, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Ludwig Maximilian, Munich (Đức), cho biết.
Khu chôn cất tại Megiddo có niên đại từ thời kỳ đồ đồng.
Ảnh: Stockhammer
Trước đây, giới khảo cổ thường loại bỏ các mảng bám răng [cao răng] tích tụ trên răng hóa thạch. Tuy nhiên, những khám phá gần đây cho thấy cao răng chứa nhiều thành phần có thể cung cấp các thông tin giá trị như DNA, vi khuẩn và các protein cổ đại.
Phát hiện mới đã chứng tỏ tiềm năng to lớn của phương pháp nghiên cứu cao răng trong lĩnh vực khảo cổ học. Đó là một nguồn thông tin quý giá về cuộc sống của người cổ đại, khi cao răng thường là phần được bảo quản tốt trong các bộ hài cốt, theo Christina Warinner, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ).
“Nếu bạn ngừng đánh răng, trong 2.000 năm nữa, tôi có thể biết bạn đang ăn gì”, Stockhammer nhận định.
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích mảng bám răng của những người được chôn cất tại khu định cư Tell Erani ở gần Megiddo vào năm 1100 trước Công nguyên, nơi các nhà khảo cổ tin rằng là địa điểm sinh sống của những người Philistines – một nhóm người nổi tiếng được ghi chép trong Kinh Thánh Hebrew là kẻ thù của người Do Thái.
Việc chôn cất đơn giản hơn tại khu định cư Tell Erani cho thấy người dân tại đây có ít của cải. Các nhà nghiên cứu muốn biết liệu họ có khả năng nhập khẩu đồ ăn từ nơi khác hay không. Kết quả phân tích cao răng cho thấy dấu vết của vừng (mè), loại thực phẩm cũng có trong các mẫu răng ở Megiddo. Trong khi dầu mè và các loại hạt là thành phần phổ biến trong ẩm thực của cư dân Levantine ngày nay, những loài thực vật này có nguồn gốc chủ yếu từ khu vực Nam Á.
Khám phá ngạc nhiên nhất đến từ răng của một người đàn ông khoảng 50 tuổi được chôn cất tại Tell Erani. Mảng bám răng của người này chứa một loại protein đặc biệt giúp kích hoạt quá trình chuối chín. “Ngôi mộ của người đàn ông ở khu định cư Tell Erani khá sơ sài nên nó không thuộc về tầng lớp quý tộc. Đây là bằng chứng cho thấy ngay cả dân thường cũng đủ khả năng ăn chuối nhập khẩu trong thực đơn hằng ngày”, Stockhammer nói.
Tuy nhiên, chuối là loại trái cây có thịt mềm và nhanh chóng thối rữa sau khi chín. Do đó, ít có khả năng các thương nhân đã vận chuyển những nải chuối từ nơi xa đến Tell Erani và Megiddo. Người dân địa phương có thể đã nhập khẩu chuối sấy khô, loại đồ ăn dễ dàng vận chuyển theo những chuyến đi biển dài ngày một cách dễ dàng.
Chuối có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, nơi chúng được thuần hóa và sử dụng làm thức ăn từ thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Tuy nhiên, ít người biết về việc buôn bán hoặc sử dụng chuối trong thời cổ đại. “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thông tin quan trọng về sự lan rộng của chuối trên khắp thế giới”, Stockhammer nói.
“Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ rằng người cổ đại chỉ ăn những thứ có sẵn xung quanh họ. Cách đây từ rất lâu, con người đã quan tâm đến các hương vị khác lạ, thực phẩm từ nơi khác và những món ăn cầu kỳ. Họ đã nỗ lực rất nhiều để tiếp cận với các món ăn đa dạng”, Stockhammer chia sẻ.
“Sự giao thương giữa các vùng đất xa xôi đã xảy ra từ thời đại đồ đồng với các tuyến đường thương mại trải dài từ Trung Quốc và Nam Á đến khu vực Địa Trung Hải”, nhà khảo cổ Ayelet Gilboa tại Đại học Haifa (Israel), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. “Trong thập kỷ qua, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong nhận thức về các hoạt động thương mại đường dài thời tiền sử”.
Ví dụ cách đây 5 năm, khi Gilboa công bố nghiên cứu về những chiếc lọ được khai quật tại một địa điểm không xa Megiddo có chứa quế, các nhà khoa học khác đều nói rằng điều đó là không thể và họ ít chú ý đến phát hiện này.
“Giờ đây, chúng ta có rất nhiều bằng chứng cho thấy ngay từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, hàng hóa đã lưu thông trên một quãng đường dài. Các xã hội quy mô nhỏ thời kỳ đó đã hoạt động như một phần của một mạng lưới rộng lớn hơn”, Gilboa nhận định.