Cùng với đầm lầy ngập mặn và đầm lầy thủy triều, cỏ biển đặc biệt hiệu quả trong việc hấp thụ khí carbon từ không khí và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng.
Ngoài khơi Formentera, một hòn đảo ở Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha, có một loài sinh vật sống trải dài trên suốt 15 km. Posidonia oceanica, hay thường được gọi là
cỏ biển, mọc lan ra bằng cách gửi chồi xuống bên dưới lớp trầm tích. Do đó, toàn bộ "đồng cỏ", rộng vài hecta, có thể được tạo thành chỉ từ một cá thể duy nhất. Cỏ này cũng sống lâu. Đồng cỏ rộng lớn ở Formentera được cho là đã sống hàng chục hoặc hàng trăm nghìn năm.
Nhưng cỏ biển không chỉ gây tò mò về mặt sinh học. Cùng với hai loại hệ sinh thái ven biển khác - đầm lầy ngập mặn và đầm lầy thủy triều - đồng cỏ biển đặc biệt hiệu quả trong việc hấp thụ khí carbon từ không khí và chuyển hóa thành chất dinh dưỡng. Điều này làm cho cả ba hệ sinh thái trở nên quan trọng đối với các nỗ lực kiểm soát biến đổi khí hậu.
Vai trò này đã được nhấn mạnh trong một báo cáo do UNESCO công bố vào ngày 2/3 về “carbon xanh” - loại carbon được hấp thụ bởi các hệ sinh thái ven biển và đại dương của Trái đất. Tổng cộng có khoảng 33 tỷ tấn carbon dioxide (khoảng 3/4 lượng khí thải trên thế giới vào năm 2019) bị "nhốt" trong các bể chứa carbon xanh này của hành tinh. Nghiên cứu của Carlos Duarte, tác giả của báo cáo và là nhà sinh thái học biển tại Đại học King Abdullah, Ả Rập Xê Út, đã chỉ ra rằng một hecta cỏ biển có thể hấp thụ nhiều carbon dioxide mỗi năm bằng 15 hecta rừng nhiệt đới.
Tất cả những điều này đang thu hút sự quan tâm của những người muốn sử dụng các quy trình tự nhiên, thay vì các công nghệ của con người như lọc không khí trực tiếp, để hút khí nhà kính từ bầu khí quyển. Năm 2018, Apple hợp tác với tổ chức từ thiện Conservation International để bảo vệ 11.000 ha rừng ngập mặn trên bờ biển Colombia. Công ty ước tính dự án có thể loại bỏ khoảng 1 triệu tấn carbon.
Lợi thế so với rừng trên đất liền
Một lý do khiến các hệ sinh thái này trở thành bể chứa carbon hiệu quả là do các khu rừng ngập nước thường có mật độ dày đặc hơn so với các khu rừng tương đương trên đất liền.
Ngoài ra, chúng còn có một lợi thế khác. Không giống như rừng trên đất liền, các hệ sinh thái carbon xanh không bị cháy. Biến đổi khí hậu đang làm tăng số vụ cháy rừng trên khắp thế giới. Khi rừng cháy, trữ lượng carbon của chúng được giải phóng trở lại bầu khí quyển. Và đám cháy có thể cản trở khả năng thu nhận carbon của rừng ngay cả khi đã tắt. Trong một
nghiên cứu được công bố vào ngày 25/2 trên tạp chí Nature Ecology and Evolution, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã phát hiện, những đám cháy lặp đi lặp lại có lợi cho các loài cây phát triển chậm; những loài này có khả năng sống sót cao hơn trong các vụ cháy, nhưng chúng cũng kém hiệu quả hơn trong việc hấp thụ carbon so với các loài phát triển nhanh.
Rừng ngập nước có thể không bị cháy, nhưng chúng vẫn dễ bị tổn thương bởi các loại thiên tai khác. Tháng 5/2020, cơn bão Amphan đã phá hủy 1.200 km vuông rừng ngập mặn ở biên giới giữa Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ. Một đợt nắng nóng trên biển ở vùng biển Úc vào năm 2010 và 2011 đã làm hư hại khoảng một phần ba đồng cỏ biển lớn nhất thế giới ở Vịnh Shark. Trong ba năm tiếp theo, các nghiên cứu thực địa cho thấy, các cây bị bật gốc trong các hệ sinh thái này đang giải phóng carbon của chúng trở lại bầu khí quyển.
May mắn thay, có thể khôi phục các hệ sinh thái carbon xanh bị hư hại. Trong chiến tranh Việt Nam, bom napalm và một loại thuốc diệt cỏ đã phá hủy hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo một báo cáo do Hiệp hội Quốc tế về Hệ sinh thái Rừng ngập mặn công bố năm 2014, hệ sinh thái này đã được khôi phục nhờ chương trình trồng lại rừng quyết liệt trong hai thập kỷ sau chiến tranh.
Và các hệ sinh thái này còn có nhiều tác dụng khác chứ không chỉ đơn giản là máy hút khí nhà kính. Chúng cũng đóng vai trò như vùng đệm cho các bờ biển dễ bị tổn thương, che chắn khỏi các cơn bão từ biển khơi. Một nghiên cứu ở 59 quốc gia cận nhiệt đới ước tính rằng, bằng cách làm giảm sóng và cung cấp các rào cản tự nhiên đối với nước dâng do bão, rừng ngập mặn giúp ngăn chặn thiệt hại tài sản hơn 65 tỷ USD mỗi năm và bảo vệ nơi trú ẩn cho hơn 15 triệu người.
Nguồn: