Bên cạnh Fidel Castro và Che Guevara, nhà sử học quá cố Eusebio Leal Spengler cũng được người dân Cuba xem là anh hùng vì đã có công gìn giữ và phát huy những giá trị di sản của La Habana.
Trong khi gương mặt Guevara vẫn là hình ảnh chủ đạo trên hàng ngàn chiếc áo phông và Castro (1926 – 2016) thì hiện diện trên vô số biển quảng cáo, di sản của Leal lại tinh tế hơn rất nhiều. Tại Cuba, ông rất được tôn trọng; còn ở nước ngoài, không nhiều người biết đến Eusebio Leal Spengler. Nhưng trong suốt năm thập kỷ qua, nhà hàn lâm hết mực khiêm nhường này đã hồi sinh La Habana từ đống ổ chuột đổ nát thành một thành phố “hấp dẫn” nhất châu Mỹ.
Leal vĩ đại không chỉ ở những gì ông làm mà còn bởi cách ông thực hiện chúng. Có rất nhiều chuyện để kể về sự biến đổi thần kỳ của La Habana, từ một nơi đang dần bị lãng quên đến Di sản Thế giới do UNESCO công nhận. Leal đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tu bổ La Habana Vieja (Old Havana hay Havana Cổ trong tiếng Anh) – khu vực đô thị lõi từ thời thực dân Tây Ban Nha ở La Habana – nhằm bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc tuyệt đẹp của thành phố, khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng và thúc đẩy du lịch phát triển. Điều này lại càng đặc biệt phi thường trong bối cảnh Cuba gặp rất nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ.
Hiếm có con phố hay quảng trường nào tại La Habana Vieja hôm nay lại không mang dấu ấn của Leal, từ những nhà thờ mang phong cách Baroque cho đến Tu viện Belén đang xuống cấp được cải tạo thành khu nghỉ dưỡng và bảo tàng khí tượng.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học La Habana vào giữa thập niên 1960, Leal làm việc tại văn phòng nghiên cứu lịch sử thành phố trong vai trò giống với một công nhân xây dựng thực thụ hơn là người viết biên niên sử về quá khứ của La Habana. Với nguồn cảm hứng từ những trải nghiệm thời thơ ấu tại một La Habana Vieja sôi động và đầy sắc màu, ông luôn muốn phá vỡ sự trì trệ của thập niên 1960 và khơi gợi lại nét kỳ diệu của các thời đại trước, dù cho đó là phong cách Baroque, Tân cổ điển hay Art Deco.
Ông đã khởi đầu không thật sự suôn sẻ. Leal mất hẳn một thập kỷ để chuyển đổi một cung điện từ thế kỷ XVIII ở La Habana’s Plaza de Armas thành bảo tàng lớn của thành phố trong một dự án vô cùng ì ạch. Năm 1961, Cuba bị chính quyền Kennedy áp đặt lệnh cấm vận thương mại và chính phủ hậu cách mạng do Castro lãnh đạo quan tâm đến sự tồn vong hơn là xét lại quá khứ sơ sài của La Habana. Nhưng Leal đã may mắn tìm thấy đồng minh. Công việc của ông đã được Celia Sánchez – một nhà lưu trữ lịch sử có mối liên hệ thân thiết với các quan chức cấp cao nhất của chế độ mới. Nhờ sự giúp đỡ của Sánchez, La Habana Vieja đã được đưa vào danh mục Di sản Thế giới của UNESCO năm 1982. Mặc dù vẫn bị cô lập kinh tế, các di tích thuộc địa thì xơ xác, xập xệ, song ít nhất chúng sẽ được bảo tồn để không bị hủy hoại.
Nhà sử học Eusebio Leal Spengler
(1942 – 2020). Ảnh: Wikipedia.
Năm 1991, nền kinh tế Cuba lâm vào trạng thái rơi tự do sau khi Liên Xô tan rã, khiến người dân phải vật lộn mưu sinh. Nhưng thật trớ trêu, đó lại là biến cố mang đến cho Leal cơ hội không thể tốt hơn. Để vực dậy nền kinh tế trì trệ, chính phủ buộc phải trông chờ vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Trong lúc các bãi biển phía Bắc Cuba được quy hoạch để phát triển ngành khách sạn, Leal, thông qua Sánchez đã thuyết phục được Castro rằng những di sản lịch sử độc đáo tại La Habana, sau hai cuộc chiến giành độc lập và một cuộc cách mạng, phần lớn vẫn còn nguyên vẹn và hoàn toàn có tiềm năng thu hút rất nhiều du khách. Ông cam đoan với Castro rằng mình sẽ thiết kế lại thành phố như một không gian “đáng sống” và mang lại lợi ích đích thực cho hơn 65.000 cư dân.
Năm 1994, Leal thành lập Habaguanex – một trong số ít các doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động ở Cuba tại thời điểm đó. Với khoản tài trợ 1 triệu USD từ chính phủ, công ty gánh trên mình sứ mệnh thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Leal bắt đầu cho cải tạo hàng loạt tòa nhà trong tình trạng bán đổ nát tại La Habana Vieja thành khách sạn và bảo tàng, nhưng trong sự cẩn trọng và trung thành với thiết kế ban đầu. Tiền do du khách mang tới sẽ được đầu tư ngược lại cho thành phố, trong sự cân đối giữa nhiệm vụ bảo tồn di sản và làm mới đô thị.
La Habana được xem là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tại Tây Bán Cầu. Ảnh: Wikimedia.
Khi Habaguanex đạt được sự tự chủ tài chính, Leal lại phác thảo một bản kế hoạch tổng thể hơn – chia La Habana Vieja thành những khu được đánh dấu theo màu sắc và ưu tiên bảo tồn các tòa nhà dựa trên tình trạng, tuổi đời và ý nghĩa lịch sử. Trong số này phải kể tới khách sạn Ambos Mundos – nơi từng ám ảnh tâm trí Ernest Hemingway, cùng nhiều nhà hàng, rạp hát, tiệm đồ cổ, bảo tàng, pháo đài,… khác.
Khung cảnh bên trong một quán rượu tại La Habana.
Ảnh: Wikimedia.
Năm 2011, Cuba thu hút được gần 3 triệu du khách và công ty khởi nghiệp Habaguanex ban đầu đã đạt doanh thu khoảng 119 triệu USD. Quá trình này, tất nhiên cũng gặp phải không ít khó khăn. Bên cạnh tiến độ chậm chạp còn là những ý kiến hoài nghi về tương lai của một bộ phận dân số La Habana. Tuy nhiên, trái ngọt là một diện mạo mới, giàu sức sống hơn và đầy triển vọng. Một chuyến dạo quanh La Habana Vieja cũng chính là một cuộc hành trình về quá khứ, ở nơi mà những con người thực vẫn đang sống, học tập, làm việc, … hay chơi bóng chày trên đường phố.
Nhờ thành quả ấy, Leal đã được trao huân chương Orders of Merit cao quý của Cuba và bằng cấp danh dự của nhiều nước. Năm 2012, La Habana được bầu chọn là một trong số 25 Di sản Thế giới được bảo tồn tốt nhất. Thế nhưng Leal vẫn là một nhân vật bí ẩn sống cuộc đời khiêm nhường, và một tín đồ Công giáo nhiệt thành trong một nhà nước cộng sản. Ông rất thích đi dạo trên các con đường ở La Habana để ngắm nhìn những sự đổi thay đang diễn ra.
Sau khi Leal qua đời năm 2020, chủ tịch Miguel Díaz-Canel của Cuba đã gọi ông là “người phục hưng La Habana”. Không có gì để phải tranh cãi, Leal là vị sứ giả đã hoạt động không ngừng nghỉ vì thành phố của mình, một nhà cách mạng trầm lặng chọn đứng ngoài những cuộc luận chiến chính trị. Ông đã làm việc như một nhà phục chế tranh nghệ thuật vô cùng tỉ mỉ, tìm cách để xóa sạch các vết bẩn trên một kiệt tác cũ.
Theo History Today