Vào thời điểm mà phần lớn thế giới vẫn đang phải chiến đấu với đại dịch chết người thì ngày 11 tháng 7, tỷ phú người Anh Richard Branson đã bay vào rìa không gian trong “chiếc tàu du lịch vũ trụ” do chính công ty Virgin Galactic của ông chế tạo.
Chuyến bay của Branson đánh dấu một thời điểm quan trọng: du hành vũ trụ trở nên dễ hơn bao giờ hết — mặc dù hiện nay nó vẫn chỉ là sân chơi dành cho những người giàu nhất thế giới.
Tỷ phú Richard Branson và các thành viên phi hành đoàn lơ lửng trong tình trạng không trọng lực trên máy bay tên lửa Unity. Ảnh: Reuters.
Vào ngày 22/5, Virgin Galactic đã đưa hai người đến rìa không gian cận quỹ đạo. Đó là lần đầu tiên Virgin Galactic lên vũ trụ kể từ tháng 2/2019, khi họ đưa ba người bay vào rìa không gian. Tháng 2/2019 cũng là lần đầu tiên Virgin Galactic chở hành khách vào không gian, nhưng trong nhiệm vụ đó tàu đã gặp một số hỏng hóc, và Virgin Galactic phải xem xét và cải thiện an toàn hệ thống.
Vào 11/7, chiếc máy bay VMS Eve (được đặt theo tên người mẹ quá cố của Branson) cất cánh từ sân bay Spaceport America ở sa mạc New Mexico, chở theo tàu VSS Unity của Virgin Galactic. Tàu VSS Unity được máy bay VMS Eve đưa lên độ cao hơn 14 km sau sau đó tách khỏi máy bay, khởi động động cơ tên lửa và đưa phi hành đoàn gồm sáu người, bao gồm cả Branson bay vào không gian. Đây là chuyến bay đầu tiên trong kế hoạch bốn chuyến của Virgin Galactic trong năm nay.
Khoảng hơn một phút sau, di chuyển với tốc độ Mach 3, VSS Unity đạt đến độ cao tối đa - 86 km. Phi hành đoàn được tận hưởng vài phút trong môi trường không trọng lượng và trải nghiệm tầm nhìn toàn cảnh Trái đất trước khi trở về, với tổng thời gian bay khoảng 90 phút.
“Gửi tất cả các em nhỏ ở dưới, tôi đã từng là một đứa trẻ với ước mơ nhìn lên các vì sao”, Branson nói trong chuyến bay. “Bây giờ tôi đã là một người trưởng thành trong một con tàu vũ trụ đang nhìn xuống Trái đất tuyệt đẹp của chúng ta. Nếu chúng tôi có thể làm được điều này, hãy tưởng tượng sau này các em có thể làm được những gì”.
Branson ban đầu có kế hoạch trở thành một trong những hành khách dân sự đầu tiên của Virgin Galactic trong chuyến bay cuối năm nay (dự kiến mỗi khách phải trả 250.000 USD cho mỗi vé bay vào rìa vũ trụ). Nhưng sau đó ông đã rời lịch bay sớm hơn để có thể vào không gian trước tỷ phú đồng hương Jeff Bezos. Jeff Bezos sẽ tự mình bay lên vũ trụ bằng tên lửa New Shepard của công ty Blue Origin của chính ông, vào tuần tới.
Sự thay đổi thời gian biểu đột ngột của Branson đã gây ra một cuộc tranh cãi nhỏ. Blue Origin châm biếm trên mạng rằng các chuyến bay của Virgin Galactic về mặt kỹ thuật chưa đạt đủ độ cao để được coi là vào không gian, vì ranh giới được quốc tế công nhận cho không gian là ở độ cao 100 km, Đường Karman và cho biết các chuyến bay của Blue Origin sẽ vượt qua ranh giới này.
Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi xung quanh cuộc đua vũ trụ giữa hai tỷ phú, chuyến bay vẫn là một cột mốc rất quan trọng đối với ngành du lịch vũ trụ. Còn dịch vụ bay vào không gian của Virgin Galactic dự kiến sẽ bắt đầu sau chuyến bay thành công của Branson, một phần để cạnh tranh chiếm khách hàng của các đối thủ. Nhà phân tích ngành công nghiệp vũ trụ Caleb Williams cho biết: “Sự cạnh tranh giữa các tỷ phú trong cuộc đua không gian này đúng là một sự phân tâm đáng tiếc. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đang dân sự hóa việc bay vào không gian [trước cột mốc này, chỉ có các chính phủ mới có khả năng thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ – ND). Đây là một khoảnh khắc của thời đại”.
Đến thời điểm hiện nay, Virgin Galactic đã nhận được đăng ký bay vào không gian của 650 người, trong đó có những người nổi tiếng như ca sĩ Justin Bieber và nam diễn viên Leonardo DiCaprio. Mặc dù hiện tại chỉ những người giàu và nổi tiếng mới có thể tiếp cận được với dịch vụ này, nhưng hy vọng trong tương lai, cùng với tiến bộ công nghệ thì các chuyến bay vào vũ trụ như vậy có thể trở nên dần hợp túi tiền hơn đối với công chúng.
Những chuyến bay này cũng không đơn giản là mục đích du lịch. Các chuyến bay trong quỹ đạo Trái đất như vậy cũng cho phép thực hiện các công việc khoa học quan trọng. Laura Forczyk, ở công ty tư vấn vũ trụ Astralytical cho biết, chuyến bay đầu tiên này cũng giúp thực hiện một thí nghiệm của Đại học Florida để xem cách thực vật phản ứng với vi trọng lực như thế nào. Các chuyến bay trong tương lai sẽ nghiên cứu cách hoạt động của bụi trên các tiểu hành tinh và thực hành các kỹ thuật thực hiện phẫu thuật trong không gian.
Và quan trọng là các nhà nghiên cứu có thể vào không gian để trực tiếp tiến hành các nghiên cứu của họ, thay vì chỉ có thể dựa vào các hệ thống từ xa hoặc thông qua phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Chẳng hạn, Alan Stern, ở Viện Nghiên cứu Tây Nam ở Texas và là người dẫn đầu sứ mệnh Chân trời mới của NASA tới sao Diêm Vương, trong các chuyến bay tới sẽ thử nghiệm một hệ thống chụp ảnh thiên văn quan sát Hệ Mặt trời.
Với riêng Virgin Galactic, năm 2021 sẽ là năm bản lề để chiếm lĩnh thị trường này. Công ty này được tỷ phú Richard Branson thành lập vào năm 2004 với hy vọng biến du lịch vũ trụ thành hiện thực, nhưng đã liên tục chậm trễ trong việc phát triển công nghệ, và thậm chí từng vấp phải một số thất bại lớn (đơn cử như vụ tai nạn vào tháng 10/2014 của tàu SpaceShipTwo, dẫn đến cái chết của một phi công) khiến giới quan sát phải bàn luận nhiều.
Để chứng minh khả năng bay vào không gian nhanh chóng, ổn định và an toàn, Virgin Galactic có kế hoạch bay vào không gian hai lần nữa trong năm nay. Chuyến bay cuối cùng trong năm sẽ là chuyến đầu tiên Virgin Galactic đưa khách hàng vào không gian và dự kiến mang về doanh thu 2 triệu USD. Theo kế hoạch, công ty này bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm sau.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Virgin Galactic trong trường du lịch vũ trụ, Blue Origin, có kế hoạch đưa một phi hành đoàn vào không gian dưới quỹ đạo lần đầu tiên vào ngày 20/7 trên tàu New Shepard.
Nguồn: Technologyreview.com