Thập niên 1950 là một thời kỳ thú vị với rất nhiều sự say mê và triển vọng lạc quan được dành cho năng lượng hạt nhân.

Không ít người khi ấy tin rằng: năng lượng sẽ rẻ và dồi dào tới mức những điều tưởng chừng bất khả thi về mặt thực tiễn và kinh tế trước kia, chẳng hạn tưới tiêu trên sa mạc hay du hành liên sao, sẽ trở thành sự thật. Cũng vào buổi bình minh của Thời đại Nguyên tử (1), trong lúc nhiều người lo ngại nguy cơ mất kiểm soát các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, số khác lại tin: sự sẵn có và tiếp cận dễ dàng đối với nguồn năng lượng gần như vô tận này sẽ giúp nhân loại chấm dứt động lực chiến tranh.

Bộ đồ chơi Phòng Thí nghiệm Nguyên tử Gilbert U-238.
Ảnh: Oak Ridge Associated Universities.

Để thúc đẩy tầm nhìn “không tưởng” ấy, Hoa Kỳ đã phát động chương trình Nguyên tử vì hòa bình (Atoms for Peace) để khai sáng cho công chúng, về những rủi ro cùng niềm hy vọng cho một tương lai hạt nhân. Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ (AEC), Lewis Strauss, thậm chí còn nhận định: điện trong tương lai sẽ “quá rẻ để sử dụng”. Nhiều nhà sản xuất phương tiện di chuyển hàng đầu như Ford Motor,… còn đưa ra những mẫu concept về loại xe chạy bằng năng lượng hạt nhân hay chiếc máy bay được trang bị lò phản ứng. Không chịu đứng ngoài trào lưu, nhà sản xuất đồ chơi Alfred Carlton Gilbert cũng cho ra mắt một bộ đồ chơi nhằm giúp trẻ em kích thích sự sáng tạo khi mày mò thực hiện các phản ứng hóa học và hạt nhân – bằng vật liệu phóng xạ thật.

Tài liệu hướng dẫn đi kèm bộ kit. Ảnh: www.orau.org.

Phòng Thí nghiệm Nguyên tử Gilbert U-238 là một bộ kit hóa học được thiết kế công phu nhất trên thị trường, gồm có: bốn quặng nhôm pf và ba nguồn phát xạ cường độ thấp – một nguồn phân rã tia beta-alpha (Pb-210), một nguồn phân rã beta tinh khiết (có thể là Ru-106) và một nguồn phân rã gamma (Zn-65), bên cạnh một loạt thiết bị khác như buồng sương (thiết bị chứa hơi nước ngưng đọng, giúp nhận diện các hạt tích điện, tia X, tia gamma, ..) với nguồn phân rã tia alpha riêng (Po210) – tồn tại trong thời gian ngắn ngủi (để quan sát hạt alpha lướt qua phân tử khí), một máy đếm Geiger, một kính nhấp nháy (để quan sát nguyên tử phân rã), một tĩnh điện kế, vài “quả cầu hạt nhân” để tạo mô hình hạt alpha, một cuốn tài liệu hướng dẫn dài 60 trang do AEC và Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) viết chung.

Bộ kit còn tặng kèm cuốn truyện tranh Learn How Dagwood Splits the Atom (Học cách Dagwood phân chia nguyên tử) với những nhân vật nổi tiếng một thời như Blondie và Dagwood Bumstead. Trong chuyện, gia đình Bumstead sẽ tìm cách chia nhỏ nguyên tử Uranium-235 dưới sự giám sát và giải thích của nhà ảo thuật Mandrake. Hướng dẫn trong sách được viết khá chi tiết và vui nhộn. “Bạn hãy nhờ ai đó trong gia đình cất giấu nguồn phát xạ gamma khi đang ở một căn phòng khác, sau đó sử dụng máy đếm Geiger để truy tìm. Căn cứ vào số lượt nhấp nháy và tiếng click, bạn có thể xác định được vị trí đặt nguồn phát xạ”, sách gợi ý. Nguyên liệu được cất giữ bên trong một lớp kính có dán nhãn; người dùng được khuyến cáo không lấy chúng ra ngoài vì nguy cơ vương vãi phóng xạ do quặng dễ bong tróc và vỡ vụn.

Thiết bị buồng sương trong bộ kit Gilbert U-238.
Ảnh: Viện Lịch sử khoa học/Gregory Tobias.

Phụ huynh thời nay có lẽ sẽ hoảng hồn khi biết sản phẩm đồ chơi cho trẻ em có chứa chất phóng xạ. Nhưng tại thời điểm những năm 1950, có rất ít quy định quản lý mức độ an toàn của đồ chơi được nhà chức trách ban hành, bên cạnh sự năng nổ của các hãng đồ chơi – liên tục tìm cách nắm bắt và thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng thời hậu chiến. Gilbert đặc biệt tự hào rằng sản phẩm của ông mang rất nhiều ý nghĩa giáo dục và đã góp phần định hình “cá tính Mỹ” một cách vững chắc. Trong số những món đồ chơi phổ biến của ông khi ấy còn có bộ dụng cụ xây dựng ERECTOR với đầy đủ chi tiết kim loại, dầm, đai ốc, bu lông, …

“Đã có quá nhiều thông tin sai lệch về hiện tượng phóng xạ, cho nên chúng tôi phải tạm dừng ở đây để khẳng định với các bạn cùng phụ huynh của các bạn, rằng nguồn phát xạ được cung cấp trong bộ dụng cụ này hoàn toàn không thể gây nguy hiểm. Chúng đã được thiết kế cẩn thận bởi những nhà khoa học hàng đầu của đất nước để đảm bảo mang tính hướng dẫn và vô hại cho việc tiếp xúc hằng ngày,” Gilbert đã viết như vậy trong tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm bộ thí nghiệm. Mặc dù các ấn phẩm sau này thường có xu hướng nghiêm trọng hóa vấn đề, gọi bộ kit là “món đồ chơi nguy hiểm nhất thế giới”, nhưng việc sử dụng nó trên thực tế có lẽ chẳng thể gây hại hơn bức xạ tử ngoại trong ánh nắng mặt trời hằng ngày.

Bộ thí nghiệm nguyên tử Gilbert U-238 khi ấy được bán với giá 50 USD (tương đương 500 USD ngày nay), khá đắt tại thời điểm đó. Để so sánh, hai sản phẩm cạnh tranh khác của Công ty Hóa chất Porter, cũng chứa vật liệu uranium, có giá lần lượt là 10 và 25 USD. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Gilbert U-238 chỉ đạt doanh số rất kém – dưới 5000 bộ được sản xuất và bán trên thị trường trong vỏn vẹn hai năm.

Theo Amusing Planet

Chú thích:
1) Sau Thế chiến II, trước nguy cơ chạy đua phát triển vũ khí nguyên tử, các cường quốc đề xuất việc nghiên cứu công nghệ lò phản ứng cần phải được đặt dưới sự kiểm soát và phân loại chặt chẽ của chính phủ, đồng thời khuyến khích nỗ lực ứng dụng công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực dân sự. Ngày 20/12/1951, lò phản ứng thực nghiệm EBR-I đặt tại Arco, Idaho (Mỹ) đã sản xuất điện thành công với công suất ban đầu đạt khoảng 100 kW. Tháng 12/1953, tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng “năng lượng nguyên tử vì hòa bình”. Ngày 27/6/1954, Obninsk của Liên Xô trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sản xuất điện và hòa lưới với công suất không tải khoảng 5 MW. Vì thế, thập niên 1950 còn được gọi là Buổi Bình minh của Điện hạt nhân.