Một hộp sọ được bảo quản gần như nguyên vẹn trong hơn 146.000 năm ở Trung Quốc đại diện cho một loài người cổ đại mới có quan hệ họ hàng gần với người hiện đại hơn cả người Neanderthal.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Innovation vào tháng 6/2021, các nhà khoa học cho biết hộp sọ của một người cổ đại được phát hiện ở phía Đông Bắc Trung Quốc có thể thuộc về loài người chưa từng được biết đến trước đây. Họ đặt tên cho loài người mới là Homo longi, hay “Người rồng”.

Mô tả hình dáng của người Homo longi. Ảnh: Chuang Zhao.

Năm 1933, một nam công nhân Trung Quốc làm thuê cho quân đội Nhật Bản đã phát hiện hộp sọ của người Homo longi trong quá trình xây dựng cây cầu bắc qua sông Tùng Hoa, một phần của hệ thống sông Rồng tại thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đã chôn hộp sọ trong một cái giếng bỏ hoang, một phương pháp cất giấu kho báu truyền thống của Trung Quốc. Trước khi qua đời vào năm 2018, ông đã tiết lộ bí mật cho gia đình của mình. Họ đã tìm thấy hóa thạch và tặng lại cho Bảo tàng Khoa học Địa chất của Đại học Hebei GEO.

Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu xác nhận hộp sọ thuộc về một người đàn ông cổ xưa, chết vào lúc khoảng 50 tuổi. Đây là hộp sọ người lớn nhất trong số tất cả các loài thuộc chi người (Homo). “Đầu của anh ấy rất lớn nên có thể chứa một bộ não lớn, trán dài và thấp, lông mày rậm. Khuôn mặt, mũi và hàm của anh ấy rất rộng, đôi mắt to và gò má thanh tú”, Chris Stringer, đồng tác giả nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa Con người thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, cho biết.

Nhóm nghiên cứu phát hiện những chỗ lõm nhẹ trên đỉnh hộp sọ, nhiều khả năng đó là vết thương đã được chữa lành. “Nhưng chúng tôi không có bằng chứng về nguyên nhân gây ra cái chết”, Stringer nói.

Khi nghiên cứu hộp sọ, các nhà khoa học đã xem xét hình dạng của nó một cách chi tiết và phân tích hơn 600 đặc điểm. Sau đó, họ sử dụng một siêu máy tính để xây dựng cây phả hệ của người Homo longi trong mối tương quan với các hóa thạch người cổ xưa khác. “Cây phả hệ chỉ ra rằng người Homo longi có quan hệ họ hàng gần với người hiện đại (Homo sapiens) hơn cả người Neanderthal – những người lâu nay được cho là có quan hệ họ hàng gần nhất với chúng ta”, Stringer nói.

Quá trình xây dựng cây phả hệ cũng tiết lộ một sự thật thú vị khác. Tổ tiên chung của người hiện đại Homo sapiens và người Neanderthal có thể đã sống cách đây hơn một triệu năm, sớm hơn khoảng 400.000 năm so với những gì các nhà khoa học ước tính trước đây.

“Những khám phá mới về hộp sọ ở Cáp Nhĩ Tân có khả năng định hình lại hiểu biết của chúng ta về lịch sử tiến hóa của con người”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Người đàn ông phát hiện ra hộp sọ cho biết đã tìm thấy nó khi đang làm việc trên cầu Đông Giang ở Cáp Nhĩ Tân. Để xác minh tuyên bố này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một loạt các phân tích địa hóa – bao gồm huỳnh quang tia X (XRF), nguyên tố đất hiếm (REE), và đồng vị stronti – để tìm hiểu cấu tạo hóa học của hộp sọ. Kết quả cho thấy, thành phần hóa học hộp sọ của Homo longi tương tự với các hóa thạch của người và những động vật có vú khác được tìm thấy ở khu vực Cáp Nhĩ Tân có niên đại từ thế địa chất Pleistocen đến thế địa chất Holocen. Bụi bẩn bám vào khoang mũi của hộp sọ thậm chí còn có các thành phần đồng vị stronti tương đồng với lõi trầm tích được khoan gần cầu Đông Giang.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định niên đại của hộp sọ bằng cách xem xét địa tầng (các lớp đất đá) của khu vực. Họ kết luận hộp sọ có thể đến từ Hệ tầng Thượng Hoàng Sơn, có niên đại từ 309.000 năm đến 138.000 năm trước. Họ tiếp tục thu hẹp khoảng thời gian này bằng cách lấy các mẫu nhỏ từ hộp sọ để kiểm tra tốc độ phân rã của nguyên tố phóng xạ uranium. Kết quả cho thấy hộp sọ ít nhất 146.000 năm tuổi, có niên đại vào giữa thế địa chất Pleistocen [kéo dài từ 2,5 triệu năm đến 11.700 năm trước].

Với khung thời gian này, người Homo longi có thể đã gặp gỡ và tương tác với người hiện đại Homo sapiens. Vào giữa thế Pleistocen, Cáp Nhĩ Tân là một vùng ngập lụt có rừng. “Giống như người Homo sapiens, họ săn bắt động vật có vú và chim, thu lượm trái cây và rau quả, thậm chí có thể bắt cá”, Xijun Ni, trưởng nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Hebei GEO, cho biết.

Dựa vào kích thước to lớn của người Homo longi, cũng như vị trí phát hiện hộp sọ hóa thạch ở phía Đông Bắc Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho rằng người Homo longi có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt và lạnh giá. Điều này đã giúp họ di cư trên khắp các vùng đất ở châu Á.

Tuy nhiên, kết luận của Xijun Ni và các cộng sự vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học đề xuất giả thuyết khác cho rằng hộp sọ phát hiện ở Cáp Nhĩ Tân có thể thuộc dòng dõi người Denisovan bí ẩn đã tuyệt chủng, được biết tới chủ yếu thông qua DNA và mẫu xương thu thập ở Siberia.

Người Denisovan đã tiến hóa từ nhóm người Homo heidelbergensis/ rhodesiensis di cư từ châu Phi vào lục địa Á-Âu khoảng 600.000 năm trước. “Ở châu Âu, người Homo Heidelbergensis tiến hóa thành người Neanderthal và ở châu Á thành người Denisovan”, Silvana Condemi, chuyên gia tại Đại học Aix-Marseille ở Marseille (Pháp), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.

“Thực tế là người Denisovan đã xuất hiện ở châu Á trong cùng khoảng thời gian với niên đại của hộp sọ ở Cáp Nhĩ Tân. Rất có thể người Homo longi cũng chính là người Denisovan”, Condemi nhận định.

Antonio Rosas, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia Tây Ban Nha, đồng ý rằng hộp sọ có khả năng thuộc về người Denisovan. “Các tác giả của nghiên cứu mới có thể đã quá tập trung vào một số đặc điểm khuôn mặt đã tiến hóa trên hộp sọ phát hiện ở Cáp Nhĩ Tân”, Rosas nói.

Fernando Ramirez Rozzi, giám đốc nghiên cứu về sự tiến hóa của con người tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia ở Paris, cho biết một thử nghiệm 3D bổ sung gọi là phân tích hình thái học có thể làm sáng tỏ danh tính của hộp sọ. Phân tích này cho phép các nhà khoa học so sánh hàng trăm đặc điểm cùng một lúc và xác định đặc điểm nào là quan trọng nhất để phân loại một nhóm người mới.

Theo Live Science