Bước đến thôn Đông Khê, thay vì những bức tranh ‘sáng bừng trên giấy điệp’, những ông phỗng đất rực rỡ sắc màu, chỉ còn những cốt ngựa bằng tre phơi đầy khắp đường đi. Ngôi làng ngày nào giờ chuyển mình thành ‘đại công xưởng’ vàng mã của cả nước.

Ông Phùng Đình Giáp.
Ông Phùng Đình Giáp.

Lọt thỏm giữa một làng làm vàng mã, trong căn nhà nhỏ, có một đôi vợ chồng già đang cần mẫn nặn từng cục đất để giữ gìn thứ đồ chơi dân gian truyền thống.

Đó là vợ chồng ông Phùng Đình Giáp – người nghệ nhân cuối cùng ở xứ Kinh Bắc còn theo nghề nặn phỗng đất.

Gửi gắm những bài học

Làm phỗng đất từ năm 8 tuổi, nhưng chính ông Giáp cũng không biết nó bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, như một lẽ tự nhiên, “ông tôi làm, cha tôi làm, và tôi cũng tiếp tục làm”. Trước kia, không chỉ nhà ông, mà cả một làng nhỏ cùng nhau làm phỗng đất. Cứ đến rằm tháng 8 cả làng quẩy gánh ra chợ bán, cung cấp cho vùng Hà Bắc cũ (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh). Bên bờ sông Đuống, chợ Hồ tấp nập kẻ bán người mua, những ông phỗng nhỏ sặc sỡ sắc màu trên chiếc mẹt tre đã cũ.

Trong ký ức của ông Giáp, mâm cỗ Trung thu ngày xưa, phải có mâm ngũ quả, đĩa bánh đúc, gói kẹo con, đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, và không thể thiếu bộ phỗng đất. Mâm cỗ này sẽ được bày giữa sân dưới ánh trăng sáng, trong khi đám trẻ con rước đèn ông sao khắp các ngõ ngách trong làng. Đến khoảng chín giờ đêm, các cháu trở về quây quần bên mâm cỗ trông trăng để nghe ông bà cha mẹ giảng giải về ý nghĩa bộ phỗng này.

Bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình tượng: em bé ôm bông hoa, ông sư, ông phỗng đứng, chim bồ câu, chú rùa.
Bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình tượng: em bé ôm bông hoa, ông sư, ông phỗng đứng, chim bồ câu, chú rùa.

Bộ phỗng gồm năm hình tượng: “em bé ôm bông hoa” tượng trưng cho con cháu; “ông phỗng đứng”, đại diện cho thế hệ lớn tuổi; ở giữa hai bức phỗng là ông sư – tượng trưng cho lương tâm, đạo đức. Đứng hai bên là chú chim câu, bộc lộ khát vọng hòa bình tự do, và chú rùa – tượng trưng cho sức sống mãnh liệt giữa biển lớn. Rùa còn là loài vật thiêng liêng được thần thánh hóa trong truyền thuyết của người Việt.

Ý nghĩa đặc biệt của bộ phỗng, theo ông Phùng Đình Giáp, là vị trí của nhân vật ông sư. “Nhân vật ông sư đứng ở vị trí trung tâm, nối liền hai thế hệ già và trẻ không chỉ tượng trưng cho dòng chảy thời gian, mà còn là lời nhắc nhở về sự nối tiếp truyền thống, “những cụ già rồi sẽ mất đi, nhưng cùng giờ cùng phút cũng có những em bé sinh ra, và thế là sự nối tiếp ấy vẫn luôn được nối dài.” Hằng năm, cứ đến gần Trung thu, trẻ con lại khóc đòi mẹ mua bằng được bộ phỗng, còn anh chị lớn thì háo hức ra chợ tìm mua để về dạy lại cho đứa em mình. Giá trị truyền đạt ấy cứ liên tục được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ sau – đó là cách mà bộ phỗng đã tồn tại trong tâm thức người dân nơi này.

Nhưng giờ đây, mỗi dịp Trung thu đến, gánh phỗng đất của nhà ông bỗng trở thành lạc lõng, trơ trọi giữa chợ quê. Những đứa trẻ thích thú với thứ đồ chơi hiện đại, bắt mắt hơn là bộ phỗng cổ truyền. Những người dân cũng không còn theo nghề được nữa, họ chuyển hẳn sang làm hàng mã. Dường như phỗng đất không còn chỗ đứng ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra nó. “Tôi không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất” – ông Giáp chia sẻ, “phỗng đất là một phần văn hóa quê hương.”

Thổi hồn vào đất

Người nghệ nhân tạo hình các ông phỗng, rồi đem phơi khô khoảng 2 đến 3 nắng. Ảnh: Phỗng Đất làng Hồ.
Người nghệ nhân tạo hình các ông phỗng, rồi đem phơi khô khoảng 2 đến 3 nắng. Ảnh: Phỗng Đất làng Hồ.

Dù vậy, ông Phùng Đình Giáp cũng thừa nhận rằng nghề làm phỗng rất khó để tồn tại, khi mà rất nhiều nguyên liệu tạo ra nó giờ đây không dễ dàng tìm được như trước kia, thêm vào đó công đoạn làm rất tốn công, trong khi số tiền thu được thì không đáng kể.

Để làm được bộ phỗng, bắt buộc phải sử dụng đất thó. “Đất thó phải được đào ở độ sâu từ 2,5 đến 3m, và chỉ lấy khoảng 20 đến 30cm để có độ mịn, sạch. Đất này sau đó đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, có màu xám nhạt là được” – bà Nguyễn Thị Điều, vợ ông Giáp giải thích. Trước kia, cả dân làng thường đào giếng khơi to bằng một sào ruộng, “mình tranh thủ lấy đất thó ở dưới lòng đất, phơi khô rồi mang cất đi, dự trữ cho cả năm sau, năm sau nữa”. Những năm gần đây, dân làng chỉ đào giếng khơi có đường kính tầm 1m nên số đất thó xin được cũng ít hẳn. Vì vậy ông Giáp phải tranh thủ đào đất thó từ đồng ruộng hoặc ao, hồ sen vào mùa cạn nước. “Không phải đất thó thì không được”, ông Giáp cho biết. “Ngay từ nhỏ, khi bắt đầu phụ gia đình làm phỗng đất, các cụ đã dạy rằng đất thó này có chất kết dính rất tốt, một đặc điểm mà đất thịt không thể nào sánh được.”

Một nguyên liệu đặc biệt khác được dùng đó là bột giấy. Giấy bản được ngâm sẵn trong nước 7 ngày đến khi mủn hoàn toàn. Ngày trước, nhà ông thường dùng giấy bản, giấy dó ở thôn Đống Cao, nhưng “giờ thì mình chỉ mua lề giấy cho rẻ. Hoặc có lúc thì chỉ dùng giấy báo thôi, miễn sao có độ xơ là được”. Giấy sau khi đã ngâm mủn ra thì sẽ được trộn với bột đất thó. Vừa trộn tay, vừa dùng chày đập như trộn bánh dầy cho đến khi hỗn hợp này quyện lại tới độ dẻo, mịn, dùng tay vê thử mà không dính thì đạt yêu cầu.

Trước khi vẽ màu, phỗng được quét một lớp hồ điệp để tạo nền trắng. Ảnh: Phỗng Đất làng Hồ.
Trước khi vẽ màu, phỗng được quét một lớp hồ điệp để tạo nền trắng. Ảnh: Phỗng Đất làng Hồ.

Hỗn hợp đất này sau đó sẽ được ông Giáp mang ra nặn. Nặn phỗng không đòi hỏi tinh xảo, nhiều hoa văn hay cầu kỳ phức tạp, “cốt yếu là phải giữ được dáng vẻ thân thuộc, dân dã của nó”. Dưới bàn tay của người nghệ nhân già, những ông phỗng dần thành hình. Ông Giáp nắn, vuốt thật tỉ mỉ để tạo hình phỗng không bị góc cạnh, mà phải mềm mại và tự nhiên. Phỗng được phơi khô dưới nắng cho se lại và hoàn toàn tránh nước, sau đó được phủ lên một lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn – lọc qua khăn cho đến khi thật mịn rồi mang đi vẽ màu.

Điều đặc biệt nhất, đó là trong số những công đoạn ấy, không có bước nung đất. Bởi chỉ cần phơi khô dưới nắng, phỗng đất đã cứng lại và có độ bền nhất định – nếu không bị ngâm trong nước thì sẽ chơi được lâu. Vì được làm thủ công nên mỗi bộ phỗng lại có những nét riêng, có bộ thì “em bé ôm bông hoa” mang nét cười nhí nhảnh hơn, có bộ thì cánh chim bồ câu nhiều nét phác hơn… Nhưng dù là bộ phỗng nào thì nó cũng mang trong mình bản sắc làng Hồ, đều được tạo nên bởi đất thó lấy từ chính quê hương đã sản sinh ra nó, phủ lên chất điệp – chất liệu nổi tiếng góp phần tạo nên giá trị tranh Đông Hồ, và được nhào nặn dưới bàn tay của người con vùng Kinh Bắc, người đã lớn lên bằng những câu chuyện về phỗng đất dưới mỗi đêm Trung thu bên mâm cỗ trông trăng.

Những chú chó đá ngộ nghĩnh. Ảnh: Công Đạt
Những chú chó đá ngộ nghĩnh. Ảnh: Công Đạt

Gia đình chuột. Ảnh: Hoà Thanh
Gia đình chuột. Ảnh: Hoà Thanh

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Vài năm trở lại đây, được sự tư vấn của một nhóm họa sĩ từ Hà Nội, ngoài những nhân vật phỗng truyền thống, vợ chồng ông Giáp còn làm thêm nhiều loại con giống và vật dụng bằng đất thó như 12 con giáp, quần thể chuột đựng nghiên bút, gạt tàn chuột… để đáp ứng thị hiếu của mọi người. Nhờ vậy mà sản phẩm của ông bán được quanh năm, không còn chỉ mỗi dịp Trung thu nữa.

“Sau nhiều năm, tôi rút ra được một kinh nghiệm, phải liên tục sáng tác mẫu mới. Với mỗi mẫu thì tôi chỉ làm vài bản để bán, sau đó lại nghĩ tiếp mẫu khác” – ông Phùng Đình Giáp chia sẻ. Nhờ việc liên tục ra thêm mẫu mới như vậy, những sản phẩm từ đất thó của ông mang tính độc bản cao, đồng thời mang đậm sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Hướng đi này đã thổi vào món đồ chơi phỗng đất dân gian một luồng sống mới. Nhờ sự sáng tạo đó, sản phẩm của ông được mọi người biết đến nhiều hơn. Tết vừa rồi, ông được mời ra Hà Nội để giới thiệu về làng nghề ở các triển lãm, hội chợ, phố cổ... Những ngày trong năm, sân nhà ông ngập tràn trong tiếng cười của các em học sinh từ những tỉnh thành khác về trải nghiệm nặn đồ chơi bằng đất thó. Các đoàn khách cũng ghé chơi để xem bộ sưu tập đất thó của ông, có khi họ gửi mẫu để nhờ ông nặn theo. Ngoài ra, bộ phỗng đất 12 con giáp của ông không được sơn màu, mà sử dụng cật tre để đánh bóng, mang màu sắc mới lạ và dân dã – nhận được sự yêu thích của các du khách nước ngoài.

Gian trưng bày ông phỗng tại phố Bích họa Phùng Hưng. Ảnh: An ninh thủ đô.
Gian trưng bày ông phỗng tại phố Bích họa Phùng Hưng. Ảnh: An ninh thủ đô.

Ông Phùng Đình Giáp đã nhận ra nhiều điều cần phải thay đổi để có thể tiếp tục duy trì bộ phỗng, đó là sự linh hoạt trong việc tìm kiếm chất liệu tạo ra, là sự sáng tạo trong tạo hình phỗng. Tất cả những cố gắng đó, theo ông, “suy cho cùng cũng là để mọi người nhớ đến bộ phỗng cổ truyền kia, bởi đó mới chính là linh hồn của thứ đồ chơi mà lâu nay tôi vẫn gìn giữ.” Và điều hạnh phúc nhất với ông đó là những năm gần đây, các gia đình trong thôn xóm mỗi Trung thu đều tìm đến nhà ông để đặt một bộ phỗng cho con mình. “Họ vẫn nhớ những điều mà cha mẹ họ đã từng dạy, giờ họ muốn con mình cũng sẽ nối tiếp truyền thống đó.”

Với gia đình ông, phỗng đất tồn tại không chỉ là món đồ chơi của trẻ con ngày xưa, mà nó còn gửi gắm những giá trị văn hóa truyền thống, cùng sự đầm ấm, quây quần đầy thân thuộc. Nhưng chính ông cũng không biết nét đẹp này sẽ còn lưu giữ được đến bao giờ. “Vợ chồng tôi già rồi thì làm vui, mỗi ngày kiếm được một trăm nghìn mua rau dưa là đủ, nhưng con cháu mình thì ngày thường còn phải làm hàng mã và làm ruộng thì mới trang trải cuộc sống được chứ” – ông Giáp chia sẻ. “Mình còn sống thì mình duy trì được văn hóa, nhưng con cháu mình về sau mà không mưu sinh cuộc sống được nữa thì nó cũng bỏ.”