Trong Chết cho tư tưởng, Costica Bradatan kể cho chúng ta nghe hiều câu chuyện kịch tính, hấp dẫn về cuộc đụng độ của các triết gia với tử thần.
Nổi bật nhất là chuyện của năm “case study” - Socrates, Hypatia, Thomas More, Giordano Bruno và Jan Patočka - khơi gợi nhiều suy ngẫm về đời sống, cái chết, triết học và cơ hội siêu việt trong trải nghiệm làm người.
Những cái chết như là hành động triết học
Socrates là triết gia người Hy Lạp cổ đại, được coi như một trong những người sáng lập ra nền triết học phương Tây. Việc theo đuổi đến cùng lẽ phải và đức hạnh của ông đã mâu thuẫn với chiều hướng chính trị và xã hội đương thời ở Athens. Socrates bị khép vào tội làm hư hỏng thanh niên Athens và bị kết án tử hình bằng việc uống một loại độc dược bào chế từ cây độc cần. Nữ triết gia Hy Lạp Hypatia bị sát hại tập thể bởi những động cơ chính trị và tôn giáo. Thomas More, tác giả cuốn sách Utopia, bị vua Henry VIII xét vào tội phản quốc và bị tử hình vì bảo vệ đức tin của mình. Quan điểm dị giáo của triết gia Giordano Bruno đã đẩy ông đến giàn hỏa thiêu tại Roma năm 1600. Triết gia người Czech Jan Patočka (một trong những triết gia quan trọng nhất thế kỷ XX) bị bức tử vì những lý do chính trị và tư tưởng tiến bộ của ông.
Hầu hết các triết gia sẽ chết trên giường bệnh, nhưng đó không phải là điều đã xảy ra với các nhân vật trong cuốn sách của Bradatan. Các triết gia của ông đã chủ động, ở những mức độ khác nhau, tìm đến cái chết, khi vấp phải những đối kháng và nghịch cảnh.
Đối với họ, triết học không phải một thứ gì đó trừu tượng, xa rời đời sống thế tục. Triết học của Socrates phải là thứ có thể mở rộng đời sống, đưa đời sống lên một mức độ cao hơn, là “một thái độ cụ thể và một phong cách sống được xác định”. Nó phải là một cái gì đó “can dự vào toàn bộ đời sống hiện sinh. Nó không phải chỉ là cái gì đó mà bạn đọc hay viết hay nói về mà là một phương thức tồn tại trong thế giới.”
Nếu triết học được xem là hiện thân của một thế giới quan nhất định và sự thực hành thế giới quan ấy thì việc triết gia chết cho tư tưởng là một sự kiện giàu ý nghĩa triết học. Chúng ta có thể “đọc” cái chết của họ như đọc một luận văn triết học hùng hồn và sắc sảo. Họ đã cầm bút viết ra cái kết của đời mình, như một tuyên ngôn gửi lại hậu thế, hay ít nhất, gửi lại cho những khán giả chứng kiến màn trình diễn bi tráng của họ. Đời sau sẽ không thể nào quên và không ngừng suy tưởng từ những gì được kể lại về cái chết của nữ triết gia Hypatia. Bà bị kéo lê qua những con đường bẩn thỉu của thành phố, bị lột trần và xẻ thịt. Bà không khóc cũng không thốt một lời nào. Mặc dù không tác phẩm nào của Hypatia còn tồn tại, bà thường được coi là nhà nữ quyền đầu tiên, sự phản kháng thầm lặng của bà trong hoàn cảnh bị sát hại dã man đưa ra một lập luận mạnh mẽ nhất. Cái chết trên giàn hỏa thiêu của Bruno cũng trở thành một cuộc tranh luận mạnh mẽ hơn nhiều so với bất cứ điều gì triết gia này thực sự đã viết.
Triết học kinh viện và triết học dấn thân
Bradatan không quên đặt ra một sự phân định rạch ròi giữa triết học ở “văn phòng”, và triết học dấn thân, đòi hỏi sự hiện hình trong đời sống xã hội.
“Ngày nay, triết học là một nghề, triết gia cũng chỉ là một chuyên gia khác mà thôi. Khi họ đọc xong những thứ họ cần phải đọc trong ngày, họ không mang theo triết học về nhà mình, mà để nó lại ở văn phòng, sau những cánh cửa khóa chặt. Các công trình của họ, dù có thể xuất sắc như thế nào, cũng không phải là thứ để thay đổi cuộc đời họ.”
Nơi triết học dấn thân như triết học Socrates, những suy tưởng, từ ngữ, văn bản chỉ là một phần của buổi diễn tập. Triết học được tìm thấy trong hành động và vượt ra ngoài ngôn ngữ xây dựng nó, và cuộc đời triết gia trở thành nơi thử nghiệm cuối cùng.
Tác giả cuốn sách cũng không quên gợi nhắc ta phân biệt giữa chết cho tư tưởng và giết cho tư tưởng. Những kẻ ôm bom cảm tử vì đức tin của mình luôn đáng bị lên án dù đức tin của họ có cao đến đâu. Ông cũng phân biệt sự khác nhau giữa hành động chết cho tư tưởng của các triết gia với những kẻ tử đạo trong truyền thống tôn giáo, nằm ở chính động cơ: Kẻ tử đạo tôn giáo chết vì một thực thể siêu nghiệm, y nhắm mắt trong mộng tưởng về sự cứu rỗi, ôm ghì lấy lời hứa hẹn về nước thiên đàng; trong khi đó triết gia tử đạo không mong đợi phần thưởng cho hành động của mình ở một đời sống hay cõi giới nào khác. “Thật vĩ đại khi chết cho Thượng đế, nhưng có thể còn vĩ đại hơn nếu chết không vì một Thượng đế nào.”
Giờ đây, khi các triết gia thiên về coi triết học là một hệ thống nguyên lý, mang nội dung tri thức đơn thuần thay vì là một nghệ thuật sống, Bradatan vẫn muốn đặt ra một giả định rằng, để “đánh giá” sự vĩ đại của một triết gia, chúng ta cần xác định không chỉ tính hợp lý của các lập luận của họ mà cần coi xét cuộc đời họ như một tổng thể hữu cơ, xem cuộc sống của họ có hài hòa và nhất quán với triết lý mà họ theo đuổi hay không.
Đối với các triết gia như Bradatan, triết học không phải là một môn học khó nhằn của những giáo sư khoa triết, không đơn thuần là lãnh địa của tam đoạn luận, mà là thứ gì đó chuẩn bị cho chúng ta sẵn sàng với hành trình tìm hiểu thế nào là một cuộc đời đáng sống.