Theo chính trị gia Uehara Etsujirō, sự ra đời chính thể lập hiến Nhật Bản bước đầu xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân, từ một bộ phận quốc dân hay toàn thể quốc dân nỗ lực phấn đấu giành được chứ không phải nhờ chính phủ hay một cá nhân riêng lẻ nào.
Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản được xuất bản lần đầu vào năm 1961. Tác giả Uehara Etsujirō (1877 - 1962) tốt nghiệp Đại học Bang Washington năm 1907 và nhận bằng tiến sĩ Kinh tế chính trị năm 1910. Sau khi về nước ông trở thành giáo sư, giảng dạy tại ĐH Meiji, ĐH Rikkyo. Từ năm 1932 đến năm 1936, ông đảm nhận chức vụ Phó Nghị trưởng Chúng nghị viện. Năm 1946 ông gia nhập Nội các trong vai trò Quốc vụ Đại thần của Nội các Yoshida lần thứ nhất. Ảnh: NV
Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản (日本民權發達史), được chính trị gia Uehara Etsujirō (1877-1962) biên soạn xong vào năm Đại Chính thứ 5 (1916), trình bày một đoạn sử khá dài về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển dân quyền ở Nhật Bản đến năm 1914. Cuốn sách mở đầu bằng các thông tin súc tích mang tính dẫn nhập về tổ chức chính trị của Bakufu (Mạc phủ), nguyên nhân dẫn đến cuộc chính biến Duy tân Minh Trị năm 1868, việc thành lập tân chính phủ và tư tưởng chính trị trong năm đầu thời Minh Trị.
Cần biết rằng, nước Nhật sau chính biến 1868 không có hiến pháp (pháp quy tối cao quan trọng nhất của đất nước), quốc hội, đảng phái, bầu cử phổ thông hay quyền con người cơ bản của quốc dân. Chính quyền Minh Trị non trẻ ra đời và bắt đầu công cuộc canh tân đất nước, cùng với đó là sự bùng nổ các cuộc đấu tranh dân quyền đòi hỏi những thứ mà nước Nhật đang không có.
Những chia rẽ xảy ra ngay sau đó trong nội bộ chính phủ Minh Trị, điều không thể tránh khỏi, đã dẫn đến sự ra đời của phong trào dân quyền. Và hệ quả tất yếu là: xung đột giữa quan lại và dân chúng dẫn đến những bước nhảy vọt của phong trào này; các chính đảng trỗi dậy dẫn đến cuộc luận chiến và xung đột giữa các đảng phái trong xã hội và chính đảng; những sửa đổi bổ sung điều lệ tập hội, điều lệ báo chí, xuất bản… dẫn đến các sự kiện bạo động, hỗn loạn nối tiếp hỗn loạn, nội loạn cũng như những cuộc khởi nghĩa gây xôn xao dư luận Nhật Bản lúc bấy giờ.
Những nội dung quan trọng khác như sự ra đời của nền chính trị quan liêu Nhật Bản sau chuyến khảo sát chế độ hiến pháp thế giới của Itō Hirobumi năm 1883; sự kiện ban bố hiến pháp năm 1889 (mãi đến năm 1947 nước Nhật mới có hiến pháp thay thế, do chính quốc dân tạo ra lấy tư duy dân chủ làm nền tảng) do Thiên hoàng tạo ra được quốc dân nhiệt liệt hoan nghênh; phương châm của chính phủ sau khi hiến pháp được ban bố; việc can thiệp vào việc bầu cử; bùng phát xu thế bàn về quốc quyền; hoàn thành việc sửa đổi điều ước và phát triển dân quyền; sự ra đời của Đảng Hiến chính năm 1898, phong trào lật đổ nội các của Hoshi Tōru và sự kiện diễn thuyết về chế độ cộng hòa của Ozaki Yukio; sự tái sinh của chính phủ phiên phiệt; sự ra đời và thất bại của chính đảng Itō Hirobumi… đều được Uehara Etsujirō đề cập và phân tích chi tiết qua 17 chương của cuốn sách.
Theo Uehara Etsujirō, tư tưởng dân quyền tự nhiên ở Nhật Bản được hoài thai trong bối cảnh đất nước này bị liệt cường phương Tây áp bức, ép phải ký các hiệp ước bất bình đẳng; được kiện toàn dần trong quá trình quốc dân đả phá chế độ giai cấp đặc quyền trong nước, nỗ lực xóa bỏ áp bức để rộng đường tự do. Ông cũng cho rằng, sự ra đời chính thể lập hiến Nhật Bản bước đầu xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân, từ một bộ phận quốc dân hay toàn thể quốc dân nỗ lực phấn đấu giành được chứ không phải nhờ chính phủ hay một cá nhân riêng lẻ nào.
Ở Nhật Bản lúc đó, giai cấp đặc quyền muốn tiếp tục duy trì địa vị và quyền thế, trong khi đa số quốc dân lại muốn khuếch trương tự do, và sự xung đột khiến quốc dân phải trả giá nhiều thứ. Qua cuốn sách, Uehara Etsujirō cho thấy, vì quyết tâm kiến lập chính thể lập hiến mà không ít người yêu nước hay những chính khách nhiệt tâm Nhật Bản phải phá sản hoặc vong thân, vợ con ngủ vệ đường, thân quyến bị khốn cùng, thậm chí ngâm nga trong nhà tù, máu chảy nơi chợ hoang. Cũng không thiếu những vụ ám sát, như nhân vật đương cục Ōkubo Toshimichi của chính phủ bị ám sát qua đời, khiến tham nghị dậy sóng…
Có thể nói, sự phát triển dân quyền của Nhật Bản, hay nói khác đi là sự ra đời của chính thể lập hiến Nhật Bản, là một dấu son rực rỡ thời Minh Trị nhưng cũng để lại những vết nhơ lớn trong lịch sử hiến chính nước này.
Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản, dù tương đối cũ, vẫn giúp bổ khuyết nhiều thông tin lịch sử liên quan đến thời Duy tân Minh Trị, cung cấp thêm cho đại chúng những góc nhìn khác về cuộc Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản mà lâu nay chúng ta chỉ biết đến ở khía cạnh tích cực, màu hồng. Và rằng, Nhật Bản Minh Trị đâu chỉ có Fukuzawa Yukichi và Khuyến học như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.