Vùng Ruhr thuộc bang Nordrhein-Westfalen từng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất nước Đức – chuyên sản xuất than và thép.

Than đã được khai thác ở đây từ hàng trăm năm trước, chủ yếu tại các mỏ lộ thiên dọc sông Ruhr. Trước nhu cầu than và thép tăng trưởng mạnh trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp thế kỷ XIX, người ta dần tìm cách đào xuống những vỉa than nằm sâu bên dưới. Chỉ trong vài thập kỷ, sản lượng than ở Ruhr đã tăng đột biến – từ 2 triệu tấn năm 1850 lên hơn 100 triệu tấn vào cuối thế kỷ 19. Cùng giai đoạn đó, sản lượng thép cũng tăng từ 11.500 tấn tới 8 triệu tấn/năm.

Quang cảnh vùng Ruhr nhìn từ Mottbruchhalde ở Gladbeck, nước Đức. Ảnh: Berndbrueggemann/Dreamstime.com
Halde Haniel, một nơi thi đấu thể thao, diễn thuyết ngoài trời trên một ‘halde’ cũ ở Bottrop, có độ cao lên tới 159 m. Ảnh: Rab Lawrence/Flickr

Đi kèm tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng là hiện tượng đô thị hóa ồ ạt. Ngày càng nhiều người dân trên khắp nước Đức đổ xô tới Nordrhein-Westfalen và vùng phụ cận để kiếm việc trong các khu mỏ, xưởng sắt,… Những thị trấn nhỏ với quy mô chỉ khoảng 2000 – 5000 dân hồi đầu thế kỷ 19 bỗng chốc biến thành các đô thị hàng trăm ngàn dân.

Nhưng ngành công nghiệp than tại Ruhr bắt đầu lụi tàn từ giữa thế kỷ XIX. Đến thập niên 1970, trữ lượng than thuộc loại dễ khai thác của Đức cạn kiệt, và hoạt động sản xuất tại Ruhr không còn duy trì được lợi thế cạnh tranh. Ngành công nghiệp thép cũng bước vào giai đoạn suy trầm khi giá thép sụt giảm mạnh trước sự nổi lên của những trung tâm công nghiệp mới như Nhật Bản – nơi có chi phí rẻ hơn Đức. Ngày nay, Ruhr vẫn đóng vai trò là một trung tâm công nghiệp quan trọng, nhưng với nền kinh tế đa dạng hơn – chuyển dịch sự ưu tiên sang nhiều lĩnh vực: y tế, công nghệ thông tin, vận tải, logistics,…

Mặc dù Ruhr không còn sản xuất than nữa nhưng hoạt động khai thác kéo dài hàng thế kỷ đã để lại cho nơi này nhiều vết sẹo khó phai mờ. Đó là những đống đất, đá,… khổng lồ nằm rải rác khắp vùng (được gọi bằng từ ‘halde’ trong tiếng Đức). Sau này, phần lớn chúng đều được cải tạo thành các thảm thực vật và cảnh quan như công viên, đài quan sát, …; số khác biến thành địa điểm trưng bày nghệ thuật hay tổ chức sự kiện cho công chúng. Nhưng nghiêm trọng hơn, việc đào bới đã làm mặt đất ở nhiều nơi trong vùng lún sâu – thậm chí thấp hơn mực nước ngầm tới 20 m. Điều này khiến nước có xu hướng tích tụ lại, và nếu không có 180 chiếc máy bơm được lắp đặt và thay nhau hoạt động hết công suất, toàn bộ vùng Ruhr với gần 5 triệu cư dân sẽ biến thành một khu hồ.

Mỗi năm, các máy bơm do Emschergenossenschaft – cơ quan thủy lợi lâu đời nhất nước Đức – vận hành phải di chuyển hơn một tỷ mét khối nước ngầm. Ngoài ra, chúng còn bơm nước của cả một con sông Boye, đi 18 m, vào phụ lưu Emscher của sông Rhine – để bảo vệ các khu vực đông đúc khỏi ngập lụt. Theo ước tính, gần một phần năm diện tích toàn vùng sẽ chìm trong nước nếu không có máy bơm, đặc biệt là khu vực trung tâm.

Gần một phần năm diện tích vùng Ruhr sẽ ngập trong nước nếu không có các máy bơm. Ảnh: Helge Hoffmann

Trạm bơm đầu tiên được đưa vào vận hành năm 1914 tại Alte Emscher – phụ lưu sông Rhine ở Duisburg. Ngày nay, mọi thành phố và thị trấn trong các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng ở Ruhr đều được trang bị máy bơm, với kích thước đa dạng – từ nhỏ như chiếc hộp kỹ thuật điện cho đến những kết cấu khổng lồ (công suất hơn 40 ngàn lít nước/giây). Chi phí vận hành chúng lên tới hàng triệu USD/năm, do các công ty khai thác than lâu đời chịu trách nhiệm chi trả.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những máy bơm này ngừng hoạt động? Theo Stefan Hager – chuyên gia phụ trách quy hoạch không gian địa lý tại RAG, tập đoàn khai thác than lớn nhất nước Đức – sự tàn phá sẽ không xảy ra ngay tức thì. Tùy thuộc vào vị trí mà nước ngầm phải mất vài tuần để bắt đầu thấm ra – cho phép các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật có đủ thời gian sửa chữa. Nhưng Hager cũng cảnh báo: “Theo quy luật thì hiện tượng mưa lớn chứ không phải mạch nước ngầm mới gây ra lũ lụt. Mực nước trên sông Rhine thường phải mất nhiều ngày mới dâng lên, còn sông Emst thì chỉ cần vài giờ do khu vực này thiếu chỗ thoát và nước chảy xiết”.

Một số người cho rằng nên tắt hết, hay ít nhất là một phần các máy bơm. Điều này sẽ giúp Ruhr có thêm vài hồ và vùng đất ngập nước, khiến nó trở nên hấp dẫn [du khách] hơn so với hiện trạng của một khu công nghiệp bỏ hoang.

Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã giúp nhiều quốc gia phát triển phương Tây, Nhật Bản và Đông Á (Đài Loan, Hàn Quốc) đạt được năng suất cùng mức sống đáng mơ ước, nhưng đi kèm với đó là những tổn hại môi trường, địa chất, … mà di chứng kéo dài đến tận bây giờ; mặc dù các nước này đã áp dụng không ít giải pháp sáng tạo và nhân văn để khắc phục. Trong quá khứ, ngành công nghiệp sợi bông của Liên Xô cũ đã “bức tử” biển hồ Aral cùng hệ sinh thái đa dạng nơi đây, khiến chính quyền Kazakhstan, Uzbekistan và nhiều quốc gia Trung Á hiện đang hết sức vất vả nhằm làm hồi sinh một vùng đất chết. Những nền kinh tế mới công nghiệp hóa hoặc đang nổi như Việt Nam cần tham khảo và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp để tránh phải trả giá đắt.