Vào ngày 25/7/1978, Louise Joy Brown trở thành em bé đầu tiên trên thế giới ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Mặc dù IVF là thành tựu đột phá trong lĩnh vực y học và khoa học, nhưng công nghệ này cũng khiến nhiều người lo lắng về khả năng sử nó dụng nó vào mục đích xấu.
Mỗi năm, hàng triệu cặp vợ chồng cố gắng thụ thai để sinh con, nhưng đáng tiếc là nhiều người trong số họ không thể thành công. Việc tìm hiểu nguyên nhân khiến họ vô sinh thường gặp khó khăn. Trước khi Louise chào đời, các bác sĩ phát hiện khoảng 20% phụ nữ vô sinh bị tắc ống dẫn trứng, khiến họ không còn hy vọng mang thai.
Quá trình thụ thai xảy ra khi một tế bào trứng trong cơ thể người phụ nữ giải phóng khỏi buồng trứng, đi qua ống dẫn trứng và được thụ tinh bởi tinh trùng của người đàn ông. Trứng đã thụ tinh tiếp tục di chuyển và trải qua nhiều lần phân chia tế bào. Sau đó, nó nằm trong tử cung để phát triển.
Kể từ năm 1966, Patrick Steptoe, bác sĩ phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Oldham và Robert Edwards, nhà sinh lý học tại Đại học Cambridge (Anh) đã tích cực nghiên cứu, tìm kiếm một giải pháp thay thế cho việc thụ thai tự nhiên. Mặc dù Steptoe và Edwards thụ tinh thành công trứng ở bên ngoài cơ thể phụ nữ, nhưng họ vẫn gặp nhiều vấn đề sau khi đặt trứng đã thụ tinh trở lại tử cung của người mẹ.
Tính đến năm 1977, đa số các bào thai được tạo ra nhờ phương pháp của họ [khoảng 80 bào thai] chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Lesley, mẹ của Louise, là trường hợp đặc biệt khi đứa con cô mang trong bụng vẫn sống sót sau những tuần đầu tiên của thai kỳ.
Lesley và John – cặp vợ chồng trẻ sống tại Bristol (Anh) – kết hôn đã chín năm nhưng chưa có con. Nguyên nhân là do Lesley bị tắc ống dẫn trứng. Sau khi thăm khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả, Lesley đến gặp bác sĩ Steptoe vào năm 1976 để xin giúp đỡ. Ngày 10 tháng 11 năm 1977, Lesley trải qua quy trình thụ tinh trong ống nghiệm [khi đó vẫn ở trong giai đoạn thử nghiệm], dù tỷ lệ thành công rất thấp.
Áp dụng phương pháp nội soi, bác sĩ Steptoe dùng một đầu dò dài, mảnh, tách một quả trứng từ buồng trứng của Lesley. Tiếp theo, tiến sĩ Edwards trộn lẫn trứng của Lesley với tinh trùng của John. Sau khi trứng được thụ tinh, Edwards đặt nó vào trong một dung dịch đặc biệt. Dung dịch này có tác dụng nuôi dưỡng trứng khi nó bắt đầu phân chia.
Trước đó, Steptoe và Edwards đợi cho trứng phân chia thành 64 tế bào [mất khoảng từ 4 đến 5 ngày], sau đó mới cấy vào tử cung của người mẹ. Nhưng lần này họ quyết định đặt trứng đã thụ tinh trở lại tử cung của Lesley chỉ sau hai ngày rưỡi. Trong quá trình theo dõi, các bác sĩ nhận thấy trứng thụ tinh bám rất chắc vào thành tử cung của Lesley.
Không giống những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm khác, đứa con trong bụng của Lesley tiếp tục sống sót sau nhiều tháng mà không xuất hiện bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Trong suốt thai kỳ của Lesley, cô được các bác sĩ theo dõi rất chặt chẽ thông qua nhiều biện pháp, chẳng hạn như siêu âm và chọc ối.
Ngay lập tức, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới bắt đầu bàn tán xôn xao về phương pháp IVF. Công nghệ này cũng làm dấy lên hy vọng cho hàng trăm nghìn cặp vợ chồng không thể thụ thai theo cách thông thường. Mặc dù nhiều người cảm thấy vui mừng và ủng hộ bước đột phá y tế mới, nhưng họ vẫn có một chút lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra. Câu hỏi quan trọng nhất là em bé sinh ra có khỏe mạnh không? Trứng thụ tinh bên ngoài cơ thể có bị tổn hại hay không? Nếu em bé sinh ra không bình thường, liệu người ta có đổ lỗi cho phương pháp IVF là thủ phạm?
Vào lúc bấy giờ, một số người thậm chí đã lên án phương pháp IVF do nó liên quan đến một số vấn đề đạo đức. Họ nói rằng, làm như vậy là trái với quy luật tự nhiên. Nếu sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai, liệu các bác sĩ có được coi là giết chết một “con người tiềm năng” khi loại bỏ một số trứng đã thụ tinh trước khi cấy vào tử cung người mẹ?
Bất chấp những ý kiến tranh luận trái chiều, Lesley đã sinh ra bé gái Louise nặng 2,6 kg tại Bệnh viện Đa khoa Oldham vào ngày 25 tháng 7 năm 1978. Chín ngày trước khi sinh, Lesley xuất hiện tình trạng huyết áp cao bất thường. Do đó, bác sĩ Steptoe quyết định mổ đẻ cho Lesley.
Lúc mới chào đời, Louise có đôi mắt xanh, mái tóc vàng và hoàn toàn khỏe mạnh. Louise lớn lên mà không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Hai nhà khoa học Edwards và Steptoe nhận Louise làm cháu nuôi. Họ còn đề nghị vợ chồng Lesley dùng từ Joy (niềm vui) làm tên đệm cho “em bé ống nghiệm”, bởi vì họ tin rằng sự ra đời của Louise mang tới niềm vui cho cả thế giới.
Vài năm sau đó, gia đình Lesley tiếp tục có một cô con gái thứ hai, Natalie, cũng ra đời nhờ phương pháp IVF.
Tháng 05/1999, Natalie trở thành người sinh ra từ IVF đầu tiên sinh con. Việc thụ thai của Natalie hoàn toàn tự nhiên. Điều này đã giúp xóa bỏ một số lo ngại rằng các bé gái IVF không thể mang thai theo cách thông thường. Tháng 12/2006, Louise sinh ra một bé trai mang tên Cameron John Mullinder. Em bé này cũng là kết quả của quá trình thụ thai hoàn toàn tự nhiên.
Sự ra đời của Louise từng được coi là một phép màu, nhưng hiện tại cô có một cuộc sống bình thường bên cạnh chồng con. Ở tuổi ngoài 40, người phụ nữ này luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn. “Có một lần tôi đang đi mua sắm ở siêu thị cùng gia đình thì một phụ nữ tiến về phía tôi. Người này đi cùng hai con, một bé bốn tuổi còn một bé nằm trong xe đẩy. Cô ấy nói muốn cảm ơn mẹ tôi và tôi vì nếu không có chúng tôi, cô ấy sẽ không bao giờ sinh ra hai đứa bé ấy bằng phương pháp IVF. Câu chuyện khiến tôi không kìm nổi nước mắt”, Louise chia sẻ.
Ngày nay, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi bởi các cặp vợ chồng hiếm muộn trên toàn thế giới. Nó đã giúp hơn 6,5 triệu em bé ra đời và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tỷ lệ thành công của phương pháp IVF khoảng 40%, tùy thuộc vào độ tuổi của cặp vợ chồng hiếm muộn và nguyên nhân hiếm muộn.