Từ xa xưa, vàng đã là thứ hấp dẫn con người nhưng việc khai thác nó thường không hề dễ dàng.

Mỏ vàng Kupol (mang nghĩa vòm trời trong tiếng Nga) nằm trên vùng đất xa nhất về phía Đông Bắc (gần vùng Cực Bắc)1 và cũng là phần lãnh thổ duy nhất của Nga tại Tây bán cầu. Mỏ được phát hiện từ cuối thập niên 1930 (thời Liên Xô) và các kết quả thăm dò cho thấy nó sở hữu một trữ lượng vàng khổng lồ – 4500 tấn. Tuy nhiên, do quá xa xôi (cách thị trấn gần nhất 220 km) và điều kiện khí hậu khắc nghiệt – Kupol bị băng tuyết bao phủ quanh năm (ngay cả trong mùa hè) và nhiệt độ thậm chí có lúc còn xuống tới –50oC, nên hầu như mọi nỗ lực khai thác đều không thành công2. Việc đến được Kupol đã khó nhưng ở lại còn khó hơn nữa, khiến nơi này trông hoang vắng không khác gì “một khu căn cứ trên Mặt trăng” – một nhiếp ảnh gia ví von.

Mặc dù có trữ lượng vàng rất lớn nhưng Kupol lại nằm quá gần Bắc Cực nên có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, khiến dân đào vàng buộc phải chùn chân. Trong ảnh: Cơ sở khai thác vàng tại Kupol của Kinross nhìn từ trên cao.
Công nhân đang khai thác vàng dưới mỏ sâu.

Ngày nay, nhờ vào những tiến bộ khoa học công nghệ và sự cải thiện năng lực hậu cần, nhiệm vụ khai thác vàng tại Kupol đã không còn là chuyện bất khả thi nữa (mặc dù vẫn rất khó nhọc). Người tìm vàng có thể đến được đây bằng hai cách: qua đường hàng không (sân bay Kupol nằm cách khu mỏ khoảng 12 km về phía Bắc) và đường bộ – có một tuyến đường dài gần 360 km nối Kupol với thị trấn cảng Pevek, nhưng chỉ sử dụng được từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm (mùa hè, để tránh nhiệt độ quá thấp). Năm 2008, con đường “tạm thời” này đã phục vụ tổng cộng 1.944 chuyến xe, vận chuyển gần 3.000 container chứa 60.000 tấn vật tư thiết bị và 25.000 tấn dầu diesel (cần 2 năm để tích trữ trước khi tập kết tại cảng Pevek). Còn lại, tại những thời điểm khác trong năm, phương tiện duy nhất để tới được Kupol là máy bay (cánh quạt hoặc trực thăng).

Hoạt động khai thác vàng tại Kupol bắt đầu rục rịch từ năm 2005 với dự án trị giá 425 triệu USD của công ty Bema Gold Corporation (trụ sở tại British Columbia, Canada) – chủ yếu bằng nguồn tài trợ và vốn vay từ các đối tác quốc tế. Năm 2007, tập đoàn Kinross (trụ sở tại Toronto, Canada) đã mua lại 75% cổ phần và sau đó sáp nhập Bema Gold để trở thành đơn vị độc quyền khai thác khu mỏ. Hoạt động sản xuất cho đến nay đã đi vào ổn định với sản lượng hằng năm đạt khoảng 21 tấn – phần lớn (trên 60%) ở dạng bán tinh chế (doré bars, cần đưa qua thiết bị lọc để xử lý tiếp).

Nhân viên giám sát hoạt động khu mỏ.
Nhân lực tìm vàng tại Kupol được cung cấp điều kiện ăn ở, giải trí rất tốt.

Kupol được đánh giá là một cơ sở khai thác vàng tiên tiến bậc nhất thế giới với cơ sở hạ tầng và điều kiện làm việc rất tốt, nơi người lao động được hưởng mức lương cao hơn 25% so với toàn ngành. Công nhân được ở trong một khu nhà đầy đủ tiện nghi, có cả phòng gym, phòng chơi nhạc, thư viện, nơi cầu nguyện,... Hằng ngày, họ thường di chuyển qua một đường hầm kín gió (dài gần 900m) – còn được gọi bằng cái tên Hành lang Bắc Cực (Arctic Corridor) – giữa nơi ở và công trường để tránh những đợt gió lạnh “xuyên thấu da thịt”. Theo lịch trình đã được hoạch định sẵn, gần 1.200 nhân sự của Kupol thường sẽ làm việc liên tục trong bốn tuần, nghỉ bốn tuần và cứ thế lặp đi lặp lại. Tại những khu vực nguy hiểm nơi có độ sâu lớn, máy đào chuyên dụng được ưu tiên sử dụng để đảm bảo an toàn lao động,... Theo báo cáo, chi phí để duy trì hoạt động hàng năm của nơi này lên tới gần 40 triệu USD.

Kể từ giữa năm 2022, do tình hình chính trị bất ổn – xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine dẫn đến việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, tập đoàn Kinross đã đánh tiếng rao bán toàn bộ cổ phần tại Kupol với giá hơn 650 triệu USD.

Vàng là kim loại quý hiếm với đặc tính ưu việt, có thể khắc phục hầu hết mọi khiếm khuyết của các nguyên tố khác trên Trái đất như vô cùng tinh khiết, không bị phá hủy bởi oxy, nhiệt độ, độ ẩm, oxy hay các hóa chất khác, bên cạnh độ dẻo cao, dễ uốn (làm thành trang sức,...) và có giá trị gần như vĩnh cửu. Chính vì thế mà vàng đã đóng vai trò là tiền tệ trong suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay, mặc dù không còn phù hợp với vai trò tiền tệ nữa nhưng vàng vẫn được tin dùng làm phương tiện cất giữ (lưu trữ) giá trị, và sự biến động giá vàng thường gây ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường tiền tệ và ngoại hối. Lấy ví dụ: Việt Nam, mặc dù không được xếp hạng cao về trữ lượng vàng tự nhiên lớn song người dân Việt Nam hiện đang tích trữ khoảng 500 – 1000 tấn vàng (đứng top 10 thế giới) – theo số liệu của Hiệp hội Khai thác vàng Anh Quốc (GFMS).

Do bị khai thác ồ ạt mà trữ lượng vàng của thế giới đang ngày càng ít đi, khiến giá thành cũng leo thang theo. Các quốc gia khai thác vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Úc, Nga, Mỹ, Canada, Peru, Indonesia, Nam Phi, Mexico, Ghana,...

Chú thích:
1. Vùng Cực Bắc (Arctic) bao gồm Bắc Băng Dương, các vùng biển lân cận và một phần của Alaska (Hoa Kỳ), Bắc Canada, Greenland, Đan Mạch, Nga, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, thường được xem là hoang mạc lớn thứ hai thế giới (về diện tích) sau châu Nam Cực (Antarctica).
2. Ngay từ thời Soviet, chính quyền Stalin (giai đoạn 1922 – 1952) đã từng cố gắng đưa hàng ngàn tù nhân, chủ yếu là tù chính trị (gulag), tới Kupol để khai thác vàng nhưng phải từ bỏ tham vọng vì thời tiết quá khắc nghiệt và thiếu thốn phương tiện.

Theo Mining News North