Các tác phẩm nghệ thuật tiết lộ rằng hạt cacao có thể từng được sử dụng như một dạng tiền tệ quý giá của người Maya.

Người Maya cổ đại chưa bao giờ sử dụng tiền xu. Các nhà khoa học cho rằng Maya, giống như những nền văn minh sớm nhất, chủ yếu trao đổi hàng hóa, với các mặt hàng như thuốc lá, ngô và quần áo. Sổ sách kế toán ở các thuộc địa của Tây Ban Nha từ thế kỷ 16 chỉ ra rằng người châu Âu thậm chí còn sử dụng hạt cacao - nguyên liệu làm sôcôla - để trả lương cho công nhân, nhưng không rõ liệu nó có được sử dụng như tiền tệ trước khi người Tây Ban Nha đến đây hay không.

Để tìm hiểu, Joanne Baron, nhà khảo cổ học thuộc Bard Early College Network, New Jersey, đã phân tích các tác phẩm nghệ thuật của người Maya. Baron tập trung vào các tác phẩm trong thời kỳ Maya Cổ điển từ khoảng năm 250 đến khoảng năm 900 ở vùng đất ngày nay là Mexico và Trung Mỹ, cũng như các nghiên cứu đã có về thời kỳ này. Các đồ vật - gồm tranh tường, tranh gốm và chạm khắc - mô tả các hoạt động trao đổi điển hình và các khoản cống nạp cho các vị vua Maya.

Một miếng sôcôla hiện đại được tạo hình gợi liên tưởng đến các ký tự của người Maya.

Baron nhận thấy, người Maya thường dùng cacao dưới dạng thức uống nóng, đựng trong một chiếc cốc bằng đất sét. Một trong những mô tả sớm nhất về cacao trong trao đổi có từ giữa thế kỷ 7. Trong một bức tranh vẽ kim tự tháp, xung quanh có thể là một khu chợ trung tâm gần biên giới Guatemala ngày nay, một người phụ nữ đưa một chiếc bát trông giống như sôcôla nóng sủi bọt cho một người đàn ông để đổi lấy bột làm tamales, một loại bánh truyền thống của Mexico. Mô tả sớm này cho thấy mặc dù cacao đã được trao đổi, nó chưa phải một hình thức tiền tệ, Baron nói.

Nhưng bằng chứng muộn hơn cho thấy hạt cacao khô lên men dần trở nên giống tiền hơn. Baron đã ghi nhận khoảng 180 cảnh khác nhau trên gốm sứ và tranh tường từ khoảng năm 691 đến năm 900 cho thấy mặt hàng này được giao cho các thủ lĩnhMaya dưới dạng cống nạp hoặc một loại thuế. Những vật phẩm xuất hiện nhiều nhất trong những cảnh cống nạp là các túi có dán nhãn số lượng hạt cacao khô bên trong, và những mảnh vải dệt, theo nghiên cứu đăng trên Economic Anthropology.

Baron tin rằng việc các vị vua Maya thu cacao và vải dệt để làm thuế cho thấy cả hai mặt hàng đều đã trở thành một loại tiền tệ vào thời điểm này. “Họ thu nạp nhiều cacao hơn so với lượng tiêu thụ thực sự của cung điện”, cô nói, cho biết thêm rằng số thặng dư đó có thể được dùng để trả lương cho những người làm trong cung điện hoặc dùng để mua vật phẩm khác ở chợ.

Tác phẩm từ giữa thế kỷ 16 mô tả một người Mexico bản địa chuẩn bị sôcôla.

Một số học giả tin rằng hạn hán đã dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ điển. Baron suy đoán do hạn hán, nguồn cung cacao bị gián đoạn, có thể góp phần dẫn đến sự sụp đổ kinh tế.

David Freidel, nhà nhân chủng học và chuyên gia về văn minh Maya tại Đại học Washington, St. Louis, Missouri, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết cacao gần như được mọi người Maya yêu thích, và được cho là quý giá hơn nhiều so với các loại cây trồng như ngô vì cây cacao dễ bị mất mùa và không phát triển tốt gần các thành phố của người Maya. Nhưng việc cacao được mô tả nhiều trong các tác phẩm nghệ thuậtkhông nhất thiết cho thấy nó có vai trò tiền tệ mà có thể chỉ do vào thời kỳ Maya Cổ điển, ngày càng có nhiều người vẽ tranh tường hoặc vẽ lên gốm, theo Freidel.

Nhà nghiên cứu này cũng nghi ngờ giả thuyết cho rằng thiếu hụt cacao đã góp phần vào sự sụp đổ của nền văn minh Maya. Freidel lưu ý, hạt ca cao không phải là loại tiền tệ duy nhất - vải dệt và các hàng hóa khác như hạt ngô hoặc một số loại đá xanh cũng có thể được sử dụng làm tiền. "Tôi đoán là một mặt hàng gặp sự cố sẽ không khiến cả hệ thống sụp đổ được", Freidel nói.

Nguồn: