“Nam biều ký” là một du ký hiếm hoi của người Nhật Bản viết về Việt Nam nói chung, xứ sở Đàng Trong nói riêng trong thế kỷ XVIII.

Chúng ta cần nhớ lại, nửa đầu thế kỷ XVII là thời kỳ huy hoàng của mối quan hệ giữa xứ Đàng Trong nói riêng, Đại Việt nói chung với Nhật Bản thông qua hoạt động thương mại châu ấn thuyền (Shuinsen -loại thuyền buồm thương mại của Nhật Bản có trang bị vũ trang). Trong giai đoạn này, trên cơ sở của sự khuếch trương ngoại thương bởi các chính quyền phong kiến ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, trao đổi thư tín chính trị-ngoại giao giữa Thăng Long hay Phú Xuân với Nagasaki trở nên thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, khi Shogun Tokugawa Iemitsu ban bố chế độ Sakoku (Toả quốc, 1639), nghiêm cấm đến mức tối đa các thuyền buôn ra nước ngoài, hạn chế thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán - trừ thuyền buôn Trung Hoa, Triều Tiên và Hà Lan; những liên hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam dần đứt quãng và biến mất. Hội An, một trong những thương cảng thịnh vượng nhất của Đàng Trong mà sự tồn tại gắn liền với thương nhân Nhật Bản, nhanh chóng suy vi. Trong hai thế kỷ tiếp theo (1639-1853), chỉ còn ba trường hợp tàu Nhật được ghi nhận đã đến Việt Nam, trong đó có đoàn thuyền viên ghi chép lại Nam biều ký.

Nam biều ký do Nhã Nam và Nxb Dân trí ấn hành vào năm 2022. Nguồn: INT

Cuốn du ký viết về hành trình của đoàn thuyền viên con tàu chở gạo Daijoumaru do Seizo làm thuyền trưởng, bị dính bão trôi dạt đến địa phận Đàng Trong năm 1794, rồi trở lại Nhật Bản vào năm sau. Tên cuốn sách Nam biều ký sử dụng cách chơi chữ, với từ “biều” (quả bầu) thay cho từ đồng âm “phiêu” (trôi nổi). Một cuốn ký sự về vụ đắm thuyền ở phía nam, đồng thời gắn với tích truyện về “vị đạo sĩ giắt trái bầu phiêu lưu ở vùng biển phía nam”.

Ghi chép về Việt Nam bởi những người ngoại quốc trong quá khứ không phải hiếm, đặc biệt trong thế kỷ XVII-XVIII - giai đoạn bùng nổ những giao lưu và tương tác liên khu vực, liên thế giới đã góp phần đưa Việt Nam gia nhập mạng lưới giao thương quốc tế. Tuy nhiên, điểm độc đáo của Nam biều ký nằm ở chỗ cuốn sách tái dựng phần nào bức tranh xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII, vốn được xem là những năm tháng khủng hoảng và hỗn loạn về chính trị, sụt giảm về kinh tế và văn hóa. Điển hình như việc đoàn thuyền viên kể về các giao tranh giữa thế lực Đàng Trong của chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn vào năm 1794, khi quân chúa Nguyễn huy động nhiều binh thuyền tấn công và rút lui theo hoạt động của gió mùa.

Không chỉ thế, cuốn du ký dường như được ghi chép bởi các viên chức chính quyền Tokugawa theo lời kể của các thuyền viên, cho thấy một sự khác biệt so với nhiều cuốn du ký khác về Việt Nam. Thông thường, các mảng màu văn hóa, chính trị, lịch sử, kinh tế của Việt Nam được quan sát và ghi chép bởi những người thuộc tầng lớp cao, có địa vị và tri thức như các giáo sĩ (Alexandre de Rhodes, Cristoforo Borri,...), thương nhân (Pierre Poivre, William Dampier, Samuel Baron,...), nho sĩ (Chu Thuấn Thủy), hay các thiền sư (Thích Đại Sán). Tuy nhiên, với Nam biều ký, những người quan sát và sau đó truyền đạt lại là những người thuộc tầng lớp bình dân, ít học thức và ở địa vị thấp trong xã hội. Điều đó cho phép chúng ta có được cách tiếp cận bình dị và gần gũi hơn với những vấn đề thực trạng xã hội Đàng Trong, điều vốn bị những người có học thức xem nhẹ.

Thay vì những tường thuật tận tường về chính trị, quân sự hay ngoại giao - đáng lý ra sẽ được mô tả chi tiết bởi không gian bối cảnh thời đại, chúng ta sẽ thấy những thông tin về đời sống thường nhật và văn hóa đại chúng. Tường thuật của các thuyền viên thậm chí còn cho thấy một sự bình yên và trật tự nhất định tại khu vực Vương thành của Đàng Trong (khả năng là thành Gia Định), nơi cuộc sống dường như vẫn diễn ra bình thường, bất chấp các bão táp chính trị-quân sự những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII, khi cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn đang trong giai đoạn khốc liệt nhất. Bởi lẽ đó, chúng ta có thể nhận thấy ngôn từ trong tác phẩm dân dã, đan xen triết luận ngắn đậm chất Phật giáo bình dân, thậm chí nhiều lúc còn mơ hồ, không chính xác, hoặc còn tỏ ra bất lực, phải dùng đến hình vẽ để diễn đạt. Đó quả thật là một trong những giá trị to lớn mà cuốn du ký mang lại.

Những thông tin trong Nam biều ký không chỉ củng cố những quan điểm và nhận định truyền thống về văn hóa, xã hội Việt Nam mà còn chứa đựng nhiều điều cần phải khảo cứu và đánh giá lại.

Cuộn tranh "Giao dịch thuyền đồ quyển" thế kỷ XVIII mô tả hành trình của thương nhân Chaya Shinroku đi buôn bán ở Hội An trong hệ thống thương mại Châu Ấn thuyền (Shuinsen) thời kỳ Edo, Nhật Bản. Nguồn: Bảo tàng Quốc lập Kyushu
Trích đoạn cuộn tranh "Giao dịch thuyền đồ quyển" thế kỷ XVIII mô tả hành trình của thương nhân Chaya Shinroku đi buôn bán ở Hội An trong hệ thống thương mại châu ấn thuyền (Shuinsen) thời kỳ Edo, Nhật Bản. Nguồn: Bảo tàng Quốc lập Kyushu

Một chi tiết đắt giá về tình trạng thương mại ở Đàng Trong đã được các thuyền viên người Nhật quan sát, đó chính là sự thiếu vắng của nam giới trong hoạt động buôn bán bởi lẽ dường như đó là vai trò của phụ nữ nhiều hơn. Họ ngạc nhiên trước việc phụ nữ Việt cần mẫn, tảo tần, quán xuyến chuyện buôn bán trong khi đàn ông thì chủ yếu đàn ca sáo nhị. Dường như những gì vốn được các thương nhân phương Tây ghi nhận vào thế kỷ XVII đã tái diễn vào cuối thế kỷ XVIII, khi thương mại nhỏ lẻ manh mún và nằm trong tay phụ nữ. Thậm chí, điều này vẫn có thể quan sát được ngay cả trong thời kỳ hiện tại. Song song với đó, người Nhật còn cho thấy sự kinh ngạc và đôi khi ghê sợ trước một số hành động của người Đàng Trong thời bấy giờ, nhất là khi chứng kiến việc một con heo bị cắt tiết và máu của nó được sử dụng như món ăn thông thường. Đó là lúc mà người Nhật cảm thấy người Đàng Trong bạo lực, mạnh bạo, bất chấp đức tính thân thiện và thật lòng hằng ngày.

Việc người Đàng Trong được quan sát không dùng đũa để ăn cơm cũng là một điều cần được quan tâm. Mặc dù các nghiên cứu khoa học và các cuốn du ký cũng như quan niệm truyền thống cho rằng người Việt sử dụng đũa khi dùng bữa thì trái lại, Nam biều ký nói rằng tầng lớp trung lưu trở lên sử dụng muỗng để ăn cơm còn đa số dân chúng dùng tay không. Điều này khiến cho người Nhật phải tự tạo ra những đôi đũa của riêng mình để dùng bữa. Khác với Nam biều ký, Cristoforo Borri ngay từ năm 1621 đã ghi lại rằng người Đàng Trong dùng đũa để ăn cơm. Phải chăng một tập quán nào đó đã khiến người Gia Định không dùng đũa vào thời điểm đó, hay thậm chí, tình cảnh mà người Nhật quan sát thấy đôi khi chỉ là những trường hợp hy hữu.

Nhiều thuật ngữ và thông tin trong cuốn du ký cơ bản bị thay đổi để tránh các giám sát của những quan chức chính quyền Bakufu (Mạc phủ) vốn có lệnh cho bất cứ thuyền viên nào bị trôi giạt ở nước ngoài phải giao nộp mọi tài liệu mà họ có được khi ở bên ngoài Nhật Bản. Cuối cùng, sự che đậy này đã bị phát hiện. Cuốn du ký bị tịch thu và đình bản, bản khắc bị phá hủy. Tuy nhiên, điều đó còn cho thấy một thực tế rằng trong suốt thời kỳ Tỏa quốc, khi giao lưu giữa Nhật Bản với thế giới bên ngoài hoàn toàn dựa vào thương điếm Nagasaki - nơi chỉ một số ít tàu buôn Trung Hoa và hai tàu Hà Lan được phép cập cảng mỗi năm - cùng với một số hoạt động phi quan phương được tổ chức bởi các Han (phiên) Tây Nam như Satsuma và Choshu, những ghi chép được thuật lại bởi các thuyền viên bị nạn trên biển đã trở thành một nguồn thông tin về ngoại quốc, dù không được toàn vẹn, dành cho người Nhật.

Có thể nói, Nam biều ký là một cuốn du ký đầy giá trị đối với lịch sử Việt Nam, lịch sử Đàng Trong, và cả đối với lịch sử quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII, trước khi những thách thức mà cả hai sẽ sớm phải đối mặt trước một phương Tây đang dần hiện rõ.