Tác giả người Pháp Sarah Cohen – Scali gây tiếng vang và giành nhiều giải thưởng với cuốn tiểu thuyết tái hiện một trong những chiến dịch tàn bạo của Đức Quốc Xã nhằm tạo ra chủng người thượng đẳng Aryan.
“Max – bi kịch của chủng tộc thượng đẳng” lấy bối cảnh từ chương trình Lebensborn nhằm tạo ra thế hệ trẻ lí tưởng phụng sự cho sứ mệnh phục hưng nước Đức và sau đó là châu Âu nằm dưới sự chiếm đóng của Đế chế. Do đích thân Thống chế Himmler khởi xướng và theo sát, chương trình nhân giống từ các đối tượng đã được chọn lọc kỹ cũng như “Đức hóa” trẻ em từ các lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Hàng nghìn trẻ em Ba Lan đã bị bắt cóc rồi đưa về các gia đình người Đức nhận nuôi hoặc gửi đến các trại cải giáo trong chương trình này.
Mượn góc nhìn hư cấu từ nhân vật Max, đứa trẻ đầu tiên ra đời trong chương trình Lebensborn, tác giả tái hiện bi kịch thảm thương của những người phụ nữ được chọn làm người phối giống và số phận của những đứa trẻ được sinh ra từ sự cưỡng ép.
Mẹ của Max đã phải trải qua hàng loạt các cuộc kiểm tra khắt khe từ màu da, tóc, mắt, gia phả... Có tổ tiên là người Đức từ những năm 1750 và được đánh giá là có tố chất hoàn hảo, cô gái ấy được cho gặp một sĩ quan SS cũng có tố chất hoàn hảo để kết hợp “phối giống”. Khi sinh ra, dù đúng ngày sinh của Quốc trưởng, Max vẫn phải trải qua một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng gắt gao xem cậu có đạt chuẩn hay không thì mới được công nhận là “trẻ em của Đế chế Thứ ba, đứa con đầu lòng của chủng Aryan”. Một đứa trẻ có mái tóc vàng, đôi mắt xanh, cao lớn, nhanh nhẹn với các chỉ số hoàn hảo được hình thành không có tình yêu, không Chúa Trời, không luật pháp, không gì khác ngoài “sức mạnh và sự vĩ cuồng”. Được nuôi bằng dòng sữa mẹ nhưng cậu chỉ biết tới người cha tinh thần là Himmler và được chính Himmler đặt cho cái tên Konrad von Kebnersol, một đứa bé có tố chất Draufgangertum (táo bạo liều lĩnh)
Konrad – Max đôi khi mơ hồ nhớ tới bộ ngực mềm mại ấm áp của mẹ, nhưng cậu lại khá lạnh lùng, khi bị dứt ra khỏi mẹ để được đào tạo, huấn luyện cấp tốc và nhập ngũ năm 18 tuổi. Đó sẽ là lứa thanh niên “khiến bất cứ ai cũng phải run sợ trước họ, một lứa những người trẻ tuổi kiêu hãnh, gan góc, không khoan nhượng, biết cách chịu đau đớn, không được mềm yếu nhu nhược và phải có sức mạnh và vẻ đẹp của một con mãnh thú.” Những thanh niên này sẽ được học tất cả các môn thể thao và không phải chịu “sự giáo dục trí tuệ” bởi Himmler quan niệm, “tri thức” chỉ tổ làm biến chất các thanh niên của tôi mà thôi”.
Max lớn lên và chấp nhận mình trở thành một “con mồi” đi bẫy những đứa trẻ khác theo mình trong các phi vụ bắt cóc trẻ em, thậm chí làm chỉ điểm, luôn “Heil Hitler” và thuộc lòng bản lý lịch lý tưởng: “Cháu tên là Konrad, cháu sinh ngày 20/4/1936. Cháu không có cha mẹ nào khác ngoài Quốc trưởng là cha, người khai tâm, và nước Đức, mẹ Tổ quốc”. Nhờ thế mà Max đã vượt qua được những kỳ huấn luyện khắc nghiệt mà chỉ sơ sểnh là sẽ phải trả giá bằng một phát đạn vào đầu.
Dù được tạo ra như một sản phẩm, nhưng trí não của Max chưa hẳn đã bị thanh tẩy hoàn toàn. Khi gặp Lukas - cậu trai Do Thái bị bắt cóc, một người theo tư tưởng phản kháng, sẵn sàng chết chứ không phủ nhận nòi giống Do Thái của mình, không muốn cải thành người Đức theo mong muốn của người khác, trái tim Max đã bị chinh phục và cậu thầm bảo vệ Lukas cho dù cả hai đã “tẩn” nhau một trận nảy lửa.
Cuộc phiêu lưu của Max - hạt giống đỏ chủng Aryan - ngày càng ly kỳ hấp dẫn qua nghệ thuật dựng truyện và các tình tiết đầy ắp sử liệu. Hình ảnh Max và Lukas lang thang trong thành phố Berlin đổ nát trong chiến tranh với và cuộc gặp lại người mẹ, chứng kiến cảnh mẹ bị hãm hiếp tới chết và chỉ nhận ra mẹ nhờ bức ảnh bà bế con khi gặp Quốc trưởng như một thảm kịch xót xa mà Max phải đón nhận. Và lần đầu tiên Max – đứa trẻ có cuộc đời bị đánh cắp bỗng nhiên biết khóc. “Phải chăng điều đó khiến cho tôi trở thành một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác?”
Tuy là tác phẩm hư cấu, tác giả đã xử lý và đưa vào đó rất nhiều dữ liệu lịch sử, mang lại sự chân thật cho từng tình tiết, câu chuyện hay nhân vật. Theo tác giả, nhiều nhân vật đã thực sự tồn tại, có người chỉ được nhắc tên, có người đóng vai trò quan trọng trong tiểu thuyết, như Max Sollmann, giám đốc điều hành chương trình Lebensborn; Gregor Ebner, tướng quân y trong lực lượng SS, người quản lý nhiều nhà trẻ và là người tuyển chọn và Đức hóa những trẻ em bị bắt cóc; Johanna Sander, nữ hiệu trưởng trường nội trú Kalish… Năm 1947, một vài nhân vật kể trên đã bị bắt đem xét xử nhưng sau đó được phóng thích.
Đề cập một sự kiện lịch sử đau lòng, không thể chối bỏ, nhưng tác giả hết sức tránh lồng các bài học mang tính giáo huấn hay rao giảng đạo đức. Song khép cuốn sách lại, hẳn hết thảy người đọc đều thấm thía một điều, cuộc sống được lên kế hoạch sẵn, được điều chỉnh dựa trên các thông số cụ thể đã thiết lập từ trước chính là cuộc sống được nuôi dưỡng bởi sự chết chóc.
“Max – bi kịch của chủng tộc thượng đẳng” kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2016 đã mang lại cho tác giả hơn một chục giải thưởng danh giá - trong đó có Prix Sorcieres (Pháp), English PEN Translated Award (Anh) - và được dịch sang nhiều thứ tiếng.