Bạn đã bao giờ nhìn thấy cây bắp cải nào nặng 30kg, củ cải trắng 20 kg hay cây đậu tương cao 2,5m hoặc củ hành tây to như quả bóng đá? Nghe thật khó tin nhưng đó lại là những nông sản thường được thu hoạch từ thung lũng Matanuska–Susitna thuộc tiểu bang Alaska - Mỹ1.

Có rất nhiều yếu tố quyết định kích thước rau củ, bao gồm giống, dinh dưỡng, thổ nhưỡng, ánh sáng, nhiệt độ, kỹ thuật canh tác,... Nhưng Matanuska–Susitna lại là nơi duy nhất trên thế giới mà người nông dân có thể trồng ra những loại rau củ đạt kích thước bất thường theo cách hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, nơi này còn được gọi bằng cái tên “Thung lũng rau củ khổng lồ”. Tại sao lại có hiện tượng trên? Đó là điều bí ẩn từ lâu đã thu hút trí tò mò của các nhà khoa học. Dưới đây là một vài giả thuyết.

Hội chợ Nông nghiệp thường niên của tiểu bang Alaska được tổ chức tại thành phố Palmer, cách thủ phủ Anchorage 68 km về phía Đông Bắc, nơi các nông dân đến từ Matanuska–Susitna có thể tự hào trưng ra những loại rau, củ khổng lồ mà họ trồng.

Thứ nhất, một số nhà thực vật học cho rằng các giống rau củ trồng tại Matanuska–Susitna là loại đột biến nhờ được chiếu xạ tự nhiên. Tuy nhiên, kết quả phân tích lại cho thấy chúng chỉ là những giống thông thường. Ngoài ra, các nhà khoa học còn thử mang hạt giống từ những nơi khác đến đây trồng, đồng thời đem giống của Matanuska–Susitna tới nơi khác trồng để so sánh kết quả sinh trưởng. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ sau một vài thế hệ, các giống rau củ bình thường được mang đến Matanuska–Susitna đã phát triển tới kích cỡ ngoại hạng; ngược lại, giống của nơi này khi được trồng tại những khu vực khác sẽ bị thu nhỏ về kích thước bình thường.

Có rất nhiều yếu tố khiến rau củ tại Matanuska–Susitna phát triển to bất thường.
Rau củ ở Matanuska–Susitna được trồng hoàn toàn theo cách tự nhiên, không hề sử dụng giống đột biến.
Kích thước khó tin của cây tỏi tây.

Thứ hai, vị trí, cụ thể là vĩ độ có thể liên quan tới kích thước bất thường của rau củ tại Matanuska–Susitna. Vào mùa hè, nơi này thường được chiếu sáng tới 19 tiếng mỗi ngày khiến rau củ có thời gian quang hợp lâu và phát triển tốt hơn. Nhưng tại sao các khu vực khác trên thế giới cũng ở cùng vĩ độ lại không thể trồng được rau củ khổng lồ? Mặc dù vậy, việc được tăng cường quang hợp chắc chắn đã giúp rau củ trở nên ngọt (giàu hàm lượng đường) hơn. Chẳng hạn, giống cà-rốt Alaska trồng tại đây thường dành tới 3/4 thời gian trong ngày có nắng để tạo đường, và chỉ 1/4 thời gian để chuyển hóa đường thành tinh bột. Tất cả các loại rau củ khác như cải bắp, hoa lơ, cải brussel, củ cải, khoai tây, củ cải đường, rau chân vịt, xà lách,... đều phát triển rất tốt.

Thứ ba, có thể sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa ngày và đêm tại Matanuska–Susitna đã làm rau củ ở đây to bất thường do bị rối loạn hệ thống sinh trưởng thực vật. Tuy nhiên, đó cũng lại là một sự phỏng đoán đầy mâu thuẫn bởi trên hành tinh này còn có rất nhiều khu vực khác thường xuyên ghi nhận sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn nhưng không hề trồng được rau củ khổng lồ.

Thứ tư, nếu giống và khí hậu không phải là nguyên nhân thì rất có thể thành phần đặc biệt nào đó trong đất (thổ nhưỡng) đã làm rau củ ở đây phát triển khác thường. Thế nhưng kết quả phân tích đã chỉ ra đất ở Matanuska–Susitna cũng là loại hết sức bình thường, không hề chứa bất cứ chất hiếm nào mà nơi khác không có.

Cuối cùng, sau rất nhiều tranh luận, chưa ai có thể hoàn toàn làm sáng tỏ bí ẩn của “Thung lũng rau củ khổng lồ”.

Thung lũng Matanuska–Susitna trở thành vùng chuyên canh nông nghiệp sau một cuộc thử nghiệm trong thập niên 1930, ngay sau Đại khủng hoảng (Great Depression). Hơn 240.000 mẫu đất (96.000 ha) được quy hoạch để phục vụ canh tác và thu hút các di dân đến từ Minnesota, Wisconsin, Michigan,... Tuy nhiên, việc thiếu vắng cơ sở hạ tầng và một số nguồn cung cấp nguyên vật liệu đã khiến rất nhiều người chùn bước; đến thập niên 1940, khoảng một nửa đã rời đi và tới năm 1965 chỉ còn lại đúng 20 nông trại. Mặc dù đề án quy hoạch đã không thành công nhưng nguồn cung cấp sữa và nông sản vẫn được cải thiện đáng kể, biến Matanuska–Susitna trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chính của tiểu bang Alaska.

Chú thích:

1. Alaska là tiểu bang thứ 49 của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ (chính thức được trao quy chế từ ngày 3/1/1959). Alaska có diện tích rất rộng lớn (1,7 triệu km2, là tiểu bang lớn nhất) nhưng vô cùng thưa dân (736.000), cực kỳ giàu tài nguyên (dầu mỏ, khí đốt, ngư nghiệp, ...) và đạt thu nhập bình quân hộ gia đình lên tới 77.800 USD/năm. Đặc biệt, chỉ riêng đường bờ biển của Alaska đã dài tới 54.720 km, lớn hơn tổng chiều dài bờ biển của tất cả các tiểu bang khác trên khắp Hoa Kỳ. Điều thú vị rằng Alaska đã từng là lãnh thổ của Đế quốc Nga (1721 – 1917), sau được bán cho Hoa Kỳ (ngày 30/03/1867) thời Nga hoàng Aleksandr II (1818 – 1881) với giá chỉ 7,2 triệu USD (tương đương 125 triệu USD theo thời giá hiện nay, quá rẻ so với mức độ giàu có và tiềm năng kinh tế của nó). Trên thực tế, Nga hoàng đã ký lệnh bán Alaska vì khu vực này khi ấy luôn bị Đế quốc Anh nhòm ngó và muốn sáp nhập vào Canada, còn Nga thì đang bận rộn với các chiến dịch quân sự trên lục địa châu Âu; cho nên họ thà bán cho Hoa Kỳ thay vì để Anh chiếm được. Tại Nga hôm nay đang tồn tại một số luồng dư luận muốn chính quyền nước này đòi Mỹ trả lại Alaska hoặc thu hồi bằng sức mạnh quân sự.

Theo Amusing Planet, Earthly Mission