Mỹ và Anh Quốc là những nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, đồng thời cũng rất hăng hái vận động cho thương mại tự do. Nhưng trong quá khứ, quan điểm của họ đã từng rất khác.

Vào thế kỷ XIV, Anh Quốc đang ở vị thế tương tự như các nước đang phát triển hiện nay. Mỗi năm, nước này sản xuất rất nhiều len từ lông cừu và đó là một sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Len được vận chuyển qua eo biển Manche, sau đó được dệt thành quần áo bởi những người thợ Flemish (từ chỉ cộng đồng nói tiếng Hà Lan sống ở vùng đất thấp Flanders, phía Bắc nước Bỉ ngày nay). Vua Anh khi ấy là Edward muốn độc chiếm thị phần của lĩnh vực kinh doanh béo bở này cho nên đã ra lệnh kiểm soát lượng len xuất khẩu. Vì thế, các nhà sản xuất tại Vùng đất thấp bỗng chốc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Tiếp đó, Edward lại cấm hoàn toàn việc nhập khẩu sản phẩm quần áo từ những nước này.

Các nước thường tìm cách áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ trong giai đoạn đầu phát triển nền công nghiệp trong nước.

Edward chính là vị lãnh đạo quốc gia đầu tiên nhìn thấy lợi ích của việc bảo hộ và tuyên truyền chiến dịch “Người Anh dùng hàng Anh”. Ông và triều thần đã chỉ sử dụng y phục do thương nhân Anh sản xuất. Đại pháp quan (chancellor) của Edward cũng có một chiếc gối làm từ len lông cừu Anh Quốc, sản phẩm ngày nay vẫn rất phổ biến.

Chủ nghĩa bảo hộ tại Anh đã kéo dài suốt năm thế kỷ và chỉ được gỡ bỏ từ năm 1860, khi nền kinh tế nước này đã đứng đầu thế giới. Trong thời kỳ mở rộng thuộc địa, Vua Henry VII và Nữ hoàng Elizabeth I còn phê chuẩn nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo hộ ngành dệt may. Trong đó có Đạo luật Navigation Acts quy định các nước thuộc địa chỉ được giao thương với mẫu quốc; bên cạnh mức thuế rất cao đánh vào hàng nhập khẩu từ thuộc địa. Năm 1820, hơn nửa thế kỷ sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, mức thuế nhập khẩu trung bình được Anh áp dụng là 45-55%, lớn hơn nhiều so với con số 20% của Pháp.

Chủ nghĩa bảo hộ đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp nước Anh duy trì lợi thế của mình. Nó khiến ngành dệt tại Flanders và Ấn Độ mất đi tính cạnh tranh trên thị trường, cũng như kìm hãm sự phát triển công nghiệp tại các thuộc địa Bắc Mỹ – nơi chỉ được xem là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho nền sản xuất mẫu quốc.

Alexander Hamilton, người khai sinh chủ nghĩa bảo hộ Mỹ. Ảnh: Alamy

Năm 1770, Thủ tướng William Pitt (các sử gia hay gọi là William Pitt the Elder để phân biệt với con trai của ông: William Pitt the Young, người sau này cũng trở thành thủ tướng Anh) tuyên bố: “thuộc địa không được phép sản xuất những gì có kích thước lớn hơn cái móng ngựa”. Câu nói trên đã khái quát chính sách bảo hộ của Anh. Sáu năm sau, Adam Smith cũng đưa ra kết luận tương tự trong cuốn Quốc phú luận (The Wealth of Nations) khi cho rằng Mỹ nên tập trung phát triển nông nghiệp, còn các ngành công nghiệp là thế mạnh của mẫu quốc.
Sau khi thoát khỏi sự kìm kẹp bởi các đạo luật của Anh, chính quyền Mỹ non trẻ bắt đầu tìm hướng đi cho mình. Năm 1791, Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ, đã trình bày một bản báo cáo trước Quốc hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trợ cấp cho “các ngành công nghiệp non trẻ ở Mỹ” trước đối thủ nước ngoài.

Không chỉ là người đã khai sinh chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, Hamilton còn tham gia hoạch định chiến lược và đặt nền móng cho nền công nghiệp hiện đại của Mỹ sau này. Nghiên cứu chính sách của Anh Quốc, ông đã cho áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ bằng thuế quan, cấm nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô chiến lược. Không chỉ vậy, ông còn khuyến khích bảo hộ sáng chế cho những phát minh giúp cải thiện năng suất và tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ có nhiều biểu hiện quay lại với chủ nghĩa bảo hộ. Minh hoạ: The Japan Times.

Đến thập niên cuối thế kỷ XVIII, nước Mỹ thật ra vẫn chưa sẵn sàng cho kế hoạch mang tính đột phá này. Hàng rào thuế quan tuy đã được áp dụng song vẫn còn quá thấp để giúp các công ty Mỹ cạnh tranh trên trường quốc tế. Phải gần 100 năm sau, chủ nghĩa bảo hộ Mỹ mới bùng nổ mạnh mẽ. Trong nửa sau của thế kỷ XIX, khi nền công nghiệp Mỹ đã phát triển ở trình độ cao hơn, thuế nhập khẩu được tăng lên 40-50%, cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Giai đoạn tiếp theo là trong thập niên 1930, sắc thuế Smoot-Hawley đã gây ra hiệu ứng dây chuyền trên khắp các nước phát triển. Bị áp mức thuế trung bình 48% cho hàng hóa công nghiệp xuất khẩu vào Mỹ, những quốc gia khác đã tìm cách trả đũa. Mặc dù đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Đại Khủng Hoảng, nhưng chắc chắn nó đã góp phần khiến hệ lụy lan rộng và sâu sắc hơn.

Sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, nước Mỹ khẳng định ngôi vị bá chủ kinh tế của mình – giống như Anh Quốc một thế kỷ trước. Từ đó, chiến lược của Mỹ bắt đầu thay đổi nhiều, quay sang ủng hộ thị trường tự do và thương mại tự do, nhằm giúp các công ty của họ giành được lợi thế trước đối thủ cạnh tranh từ những nước khác.

Hiện nay, sự ủng hộ của Washington với thương mại tự do đang có dấu hiệu lung lay. Xu hướng này bắt đầu từ thập niên 1980, khi sức mạnh công nghiệp Mỹ bị nền sản xuất Nhật Bản đe dọa, và đối thủ hiện nay là Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước này đã cho thấy biểu hiện quay lại với chủ nghĩa bảo hộ. Không rõ Chính phủ Joe Biden sẽ tiếp nối hay điều chỉnh chính sách của người tiềm nhiệm như thế nào?