Kính râm đã xuất hiện từ thời tiền sử.Kính râm bắt đầu như một vật dụng cần thiết đối với người Inuit sống ở vùng cực Bắc xa xôi. Do tuyết [màu trắng] phản xạ tốt ánh sáng nên người Inuit luôn cảm thấy ánh nắng Mặt trời rất chói mắt. Tuy nhiên, phiên bản kính râm của họ không được thiết kế như hiện nay. Thay vì sử dụng các thấu kính rộng với nhiều màu sắc khác nhau, người Inuit chạm khắc kính râm của họ từ ngà của con hải mã, hoặc gạc tuần lộc. Hai mắt kính có dạng hình tròn, gắn liền với nhau thông qua một phần gọng kính đặt trên mũi. Ngà hải mã ngăn chặn gần như toàn bộ ánh nắng chiếu vào mắt của người đeo, ngoại trừ ánh sáng lọt qua hai khe nhỏ, hẹp. Cường độ ánh sáng không thay đổi, nhưng lượng ánh sáng Mặt trời tiếp xúc trực tiếp với mắt đã giảm đi.
Ngoài ra, kính râm là vật dụng thiết yếu của các phòng xử án ở Trung Quốc vào thế kỷ 13. Trong các phiên tòa, thẩm phán thường đeo kính râm làm từ chất liệu thạch anh để ngăn không cho người khởi kiện, bị cáo và các nhân chứng đọc được biểu cảm của họ thông qua ánh mắt. Điều này có thể mang lại cảm giác công bằng hơn.
Cách đó nửa vòng Trái đất, những người thợ thổi thủy tinh đương thời ở Venice (Ý) đã tạo ra kính lúp cầm tay hoặc kính thủy tinh một bên mắt để hỗ trợ những người có thị lực kém đọc sách.
Trong tác phẩm Lịch sử tự nhiên, tác giả Pliny the Elder viết rằng Hoàng đế La Mã Nero đã nhìn qua những viên ngọc lục bảo được đánh bóng để xem trận chiến của các đấu sĩ.Điều này giúp ông giảm bớt ánh sáng chói tác động đến mắt khi quan sát tại các đấu trường ngoài trời. Đây có thể là dạng kính râm “đắt nhất trong lịch sử”.
Thấu kính có màuĐến thời kỳ cận đại, người ta đã nghiên cứu việc sử dụng màu sắc và tính năng làm tối của thấu kính để hỗ trợ những người gặp phải các vấn đề về thị lực. Vào thế kỷ 18, một bác sĩ nhãn khoa người Anh tên là James Ayscough đã cố gắng khắc phục một số khiếm khuyết thị giác của các bệnh nhân thông qua việc sử dụng kính mắt màu xanh lam hoặc xanh lục. Ayscough cũng được biết đến là một nhà phát minh tài ba với nhiều sáng chế công cụ khoa học hữu ích. Ông là học trò của James Mann, một trong những chuyên gia trong việc chế tạo kính hiển vi thời bấy giờ.
Kính hiển vi và kính mắt kê theo đơn của bác sĩ có những đặc điểm khá giống nhau, do cả hai đều cho phép phóng to văn bản và hình ảnh. Vì vậy, việc Ayscough chuyển sang sử dụng thấu kính màu không phải là một bước tiến quá lớn. Tuy nhiên, sáng kiến của ông đã giúp khắc phục một số vấn đề của mắt như chứng mù màu hoặc rối loạn về nhận thức chiều sâu trong không gian ba chiều. Các bác sĩ cũng thường kê đơn sử dụng kính mắt màu vàng hổ phách và nâu cho những người mắc bệnh giang mai kể từ thế kỷ 19, bởi vì một trong những triệu chứng của căn bệnh này là nhạy cảm với ánh sáng.
Vào thập niên 1930, tạp chí Life đã ca ngợi chiếc kính mắt của Ayscough là tiền thân của chiếc “kính râm thời trang” ngày nay.
Ngoài kính lúp và kính có gọng, đôi khi người ta cũng gắn trực tiếp thấu kính vào dây da hoặc dây kim loại, sau đó quấn dây quanh đầu để cố định vị trí của kính trên khuôn mặt. Khi nhiều loại kính mắt được sản xuất hơn, tay nghề thủ công của các thợ làm kính cũng dần cải thiện. Các thấu kính và gọng kính ngày càng mỏng hơn, nhẹ hơn và thoải mái hơn theo thời gian.
Thời trang cho đôi mắtMãi đến giữa thế kỷ 20, kính râm mới thực sự nổi lên như một phụ kiện thời trang được nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Hollywood ưa chuộng. Họ đeo kính râm để bảo vệ mắt, tránh khỏi tác động của ánh đèn sân khấu trong phim trường. Kính râm cũng giúp họ ngụy trang trước sự theo dõi của phóng viên và các tay săn ảnh. Và theo lẽ tự nhiên, khi những người nổi tiếng đeo sản phẩm này ở nơi công cộng, công chúng và người hâm mộ cũng bắt chước theo.
Năm 1929, Sam Foster là người đầu tiên sản xuất hàng loạt kính râm và bán chúng tại Mỹ.Anh ấy đã bán những chiếc kính râm với tên gọi “Foster Grant” cho những người đi biển ởthành phố Atlantic, bang New Jersey. Chẳng mấy chốc, các loại kính mắt có màu trở nên phổ biến trên thị trường với thông điệp quảng cáo là giúp cho người đeo trở nên “ngầu” và “bí ẩn” hơn.
Khi kính mắt bắt đầu có những cải tiến về mặt thiết kế để gập lại một cách dễ dàng, người sử dụng có thể mang theo kính trong túi nếu họ không muốn đeo chúng mọi lúc. Sự ra đời của nhiều loại máy móc đã giúp con người sản xuất hàng loạt gọng kính và tròng kính, từ đó kính mắt trở nên dễ tiếp cận đối với cả những người dân lao động bình thường.
Các phi công làm việc cho quân đội cũng bắt đầu sử dụng kính râm trong những chuyến bay. Vào thập niên 1930, nhiều phi công của lực lượng không quân Mỹ báo cáo rằng ánh sáng chói từ Mặt trời khiến họ đau đầu và say độ cao.Năm 1936, thương hiệu kính Ray Ban đã chế tạo thành công kính phi công chống lóa, sử dụng công nghệ tương tự như máy ảnh Polaroid với thấu kính phân cực có khả năng lọc các tia cực tím (UV) gây hại cho mắt. Nguyên bản đầu tiên của loại kính này mang tên“Anti-Glare”, với thiết kế gọng kính nhựa và thấu kính màu xanh lá cây có thể loại bỏ ánh sáng chói mà không che khuất tầm nhìn. Năm 1938, các nhà sản xuất đã bổ sung tính năng chống va đập cho tròng kính và thay thế gọng kính nhựa bằng gọng kính kim loại.
Cũng trong năm 1938, Tạp chí Life đã đưa tin rằng kính râm là một “mốt thời trang mới để đeo trên đường phố, một vật dụng yêu thích của hàng nghìn phụ nữ trên khắp nước Mỹ”.
Ngày nay, chỉ cần lướt qua một bãi biển đông đúc hoặc trung tâm mua sắm ngoài trời, chúng ta sẽ thấy rằng trào lưu đeo kính râm chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí các loại kính đang ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng.