Lợn cũng có cảm xúc bi quan, lạc quan. Ảnh: Norwegianvegan
Các nhà khoa học chia các chú lợn thành hai nhóm: Nhóm lạc quan gồm những con táo bạo và nhóm bi quan gồm những con thận trọng hơn. Chúng được sống trong các môi trường nuôi nhốt khác nhau. Một số con có điều kiện nuôi tốt, chuồng trại có nhiều phòng và lớp rơm thoải mái hơn hẳn những con còn lại.
Sau đó, chúng được dạy làm quen dần với việc kiếm thức ăn ở căn phòng thử nghiệm. Bát đựng chocolate - đồ ngọt mà chúng thích - được để ở một góc; bát đựng càphê - thứ đắng ngắt mà chúng không thích - được đặt ở góc đối diện, tất cả đều được xử lý để chúng không thể đánh hơi thấy. Sau một thời gian, những con lợn quen dần và dễ dàng tìm thấy chocolate để ăn.
Trong giai đoạn hai, các nhà khoa học tráo hai loại bát và cho thêm một số bát khác vào giữa. Kết quả, lợn trong nhóm lạc quan dù sống ở điều kiện nào cũng đến mọi chiếc bát để tìm hiểu; riêng những con được sống trong điều kiện tốt tỏ ra tò mò hơn đối với những chiếc bát không đựng chocolate, kể cả chiếc bát ở góc đối diện thường đựng càphê.
Trong khi đó, những con lợn bi quan sống ở điều kiện kém tỏ ra hờ hững, ít quan tâm đến những chiếc bát không đựng chocolate.
Nghiên cứu này chứng minh lợn cũng chịu tác động của môi trường sống xung quanh. Quan trọng hơn, việc chúng phản ứng thế nào tùy thuộc vào tính cách cũng như tâm trạng của riêng từng con. Điều này có nghĩa lợn có khuynh hướng nhận thức của riêng mình - điều chưa bao giờ được nghiên cứu trên bất kỳ loại động vật nào trước đây.