Sudan có từ 200-255 kim tự tháp so với con số 138 của Ai Cập. Quan trọng hơn, các công trình đó không phải do người Ai Cập di cư làm ra mà được xây bởi Vương quốc Kush - nền văn minh cổ đại thống trị khu vực dọc sông Nile từ năm 1070 trước công nguyên đến năm 350 công nguyên.
Các kim tự tháp tại thành phố cổ Meroe ở Sudan. Ảnh: Aljazeera
Vương quốc Kush bắt đầu xây kim tự tháp khoảng 500 năm sau Ai Cập. Cả hai nền văn hóa đều dùng nó làm lăng mộ. Nhà khoa học Fiona MacDonald cho biết: “Cũng như người Ai Cập, người Kushite đặt quan tài của các thành viên hoàng gia trong kim tự tháp. Có lẽ họ cho rằng điều đó giúp linh hồn dễ lên trời hơn. Về cấu trúc, kim tự tháp Nubian dốc hơn và hẹp hơn, không có bề mặt trơn tru, nhẵn như các kim tự tháp rộng lớn ở Ai Cập”.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa kim tự tháp Ai Cập và Sudan là kích thước. Kim tự tháp của người Kushite cao trung bình 6-30m, còn kim tự tháp Ai Cập cao trung bình 138m.
Kim tự tháp của Sudan tập trung chủ yếu ở thành phố cổ Meroe với khoảng 200 trong tổng số 255 kim tự tháp của đất nước này.
Dù các nhà khoa học đã tốn nhiều công nghiên cứu nhưng đến nay, nhiều bí ẩn của kim tự tháp Sudan vẫn chưa được lý giải như: Liệu người Kushite có sử dụng cùng phương pháp làm kim tự tháp của người Ai Cập? Mất bao lâu để xây một kim tự tháp như vậy? Điều gì đã xảy ra với nền văn hóa của người Kushite?
Ngoài chuyện số lượng, Ai Cập cũng không phải là quán quân về “chất lượng” kim tự tháp. Kim tự tháp lớn nhất thế giới là Cholula, tại Mexico.