Tại nghĩa trang nhà thờ trên cao nguyên Boho ở West Fermanagh Scarplands (Bắc Ireland)1 có một loại đất được cho là sở hữu khả năng chữa bách bệnh.

Năm 1815, thi hài Đức Giám mục James McGirr – người khi còn sống vẫn hay chữa bệnh cho những tín hữu bằng đức tin – được an táng tại đây. Trước khi mất, Ngài nói trên giường bệnh: “Lớp đất bao phủ Cha sẽ chữa bệnh cho các con như khi Cha còn sống.” Kể từ đó, tại địa phương đã hình thành một phong tục. Bất cứ ai bị ốm chỉ cần quỳ xuống cầu nguyện bên cạnh mộ cha McGirr và xúc một thìa đất đầy bụi bẩn vào chiếc túi bông, sau đó mang nó về nhà đặt dưới gối ngủ. Sáng hôm sau, bệnh tật sẽ thuyên giảm và dần khỏi hẳn. Người dân nơi đây được cho là đã lấy đất lấy từ mộ cha McGirr để điều trị rất nhiều loại bệnh như đau răng, viêm họng, sưng tấy hay vết thương hở,... Tuy nhiên, họ phải mang đất trả lại nghĩa trang sau khi khỏi bệnh nếu không muốn gặp vận xui.

Một thìa đất từ nghĩa trang nhà thờ Boho.
Ảnh: J_R Images/Shutterstock.com

Truyền thuyết kiểu như vậy chắc chắn sẽ gây ra phản ứng rất khác nhau đối với những nhóm khác nhau. Ai tin thì cho đó là phép màu của Chúa và lưu truyền qua nhiều thế hệ; người hoài nghi thì xem nó như câu chuyện phiếm của các bà nội trợ; duy chỉ những ai có đủ tâm trí tò mò mới luôn cố gắng làm rõ ngọn nguồn của vấn đề bí ẩn, như nhà vi sinh vật Gerry Quinn – người sinh trưởng tại vùng này.

Mộ phần của Đức Giám mục James McGirr. Ảnh: Simon Watson

“Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên trước phương thuốc dân gian nhuốm đầy màu sắc huyền thoại và sự thêu dệt. Nhưng tôi tin đằng sau tập quán đã được áp dụng lâu đời chắc chắn phải tồn tại một cơ chế nào đó,” TS. Quinn nói với BBC. Năm 2018, ông và các đồng nghiệp từ Trường Y khoa thuộc Đại học Swansea (Anh) đã thu thập các mẫu đất từ nghĩa trang nhà thờ Boho để phân tích trong phòng thí nghiệm. Kết quả sau đó cho thấy: phép màu hóa ra không phải do bàn tay của Chúa mà là bởi các vi sinh vật cực nhỏ chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi. Quinn tìm thấy trong mẫu đất một chủng Streptomyces hiếm – có khả năng sản sinh ra nhiều hoạt chất kháng sinh giúp ức chế hoặc tiêu diệt những loại vi khuẩn “nhờn thuốc”.


Thư của một vị linh mục quản lý nhà thờ nói rằng các mẫu đất cần được trả lại nghĩa trang trong vòng 4 ngày. Ảnh: Simon Watson

Đất ở Boho được cấu thành từ sự lắng đọng trên nền đá vôi vào cuối thế Canh Tân (Pleistocen)2 nên có tính kiềm rất cao. Trong khi môi trường kiềm được xem là nguồn sản xuất chất kháng sinh dồi dào. Trước xu hướng ngày càng nhiều loại mầm bệnh trở nên “nhờn thuốc”, giới y học và vi sinh vật đã tìm đến các môi trường khắc nghiệt như sa mạc, lỗ thoát nhiệt,… hay có độ kiềm cao hòng phát hiện những loại vi khuẩn lạ có khả năng sản xuất chất kháng sinh mạnh mẽ hơn.

“Cơ chế khiến Streptomyces sản xuất kháng sinh mạnh là do cơ thể chúng kém vận động, khác với hầu hết các chủng vi khuẩn được biết tới, cho nên không thể tránh khỏi những mầm bệnh đang di chuyển lại gần. Và vì vậy, cơ thể chúng buộc phải tiết ra các chất kháng sinh mạnh để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh,” nhà vi sinh vật Paul Dyson lý giải. Trong khi đó, đất từ nghĩa trang nhà thờ Boho không chỉ chứa một mà là tới tám chủng Streptomyces khác nhau, mỗi chủng như vậy lại có khả năng sản sinh ra từ mười đến hai mươi loại chất kháng sinh, tổng cộng lên đến hàng trăm.

“Điều quan trọng là chúng ta cần xác định được thành phần của những loại kháng sinh này và sau đó tiến hành các thử nghiệm lâm sàng,” Quinn nói.

Theo Amusing Planet