Với gần 2,4 tỷ tín đồ và hơn 45.000 giáo phái, Đạo Thiên chúa chính là tôn giáo lớn nhất hành tinh.

Chỉ riêng tại Mỹ đã có khoảng 200 giáo hội, trong đó phổ biến nhất là Ngũ tuần (Pentecostal), Trưởng lão (Presbyterian), Lutheran, Baptist, Tông đồ (Apostolic), Giám lý (Methodist),… Sự đa dạng này là do khác biệt niềm tin, tranh giành quyền lực, ảnh hưởng,… và đôi khi còn có cả tham nhũng nữa. Nhưng ở mức độ nào đó thì sự khác biệt và đa dạng đã là những dấu ấn của Thiên chúa giáo ngay từ thuở ban đầu. Theo giáo sư Diarmaid MacCulloch chuyên về lịch sử giáo hội tại Đại học Oxford: “Thiên chúa giáo chưa bao giờ là một thể thống nhất”.

Một buổi lễ bên trong nhà thờ. Ảnh: FrankyDeMeyer/Getty Images.

Chính yếu tố địa lý đã tạo nên sự đa dạng của giáo hội đầu tiên – khởi nguồn từ các sứ vụ của Chúa Jesus trong khoảng những năm 27 – 325 SCN. Như GS. Bruce Gordon tại Trường Thần học Yale nhận định: thực hành tín ngưỡng và cách lý giải lời dạy của Chúa thay đổi theo văn hóa lẫn phong tục vùng miền. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều sự khác biệt về thần học Thiên chúa giáo. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh cãi của người Arian vào đầu thế kỷ IV về mối quan hệ giữa Chúa Jesus với Đức Chúa Trời – thứ đã chia rẽ giáo hội. Linh mục Arius đến từ Alexandria (Ai Cập) tin rằng: Vì Chúa Jesus là con của Đức Chúa Trời, cho nên Ngài ở ngôi (thần tính) thấp hơn. Trong khi Athanasius, nhà thần học người Alexandria, lại khẳng định Chúa Jesus chính là do Đức Chúa Trời hóa thân. Điều này, theo Christopher West – nghiên cứu sinh tiến sỹ về giáo hội thời cổ và trung đại tại Yale, “đã gây nên biến động lớn cho Đế chế La Mã, chia đôi cộng đồng Thiên chúa giáo ở đây”. Cộng đồng Nicaea I, một nhóm các học giả và nhà thần học do Hoàng đế Constantine I tập hợp năm 325 SCN, đã nghiêng về phía Arius. Nhưng bất chấp quan điểm chính thức từ nhà thờ, các Kitô hữu vẫn tiếp tục bị chia rẽ bởi chủ đề này suốt hơn một thế kỷ.

Đến năm 1054, Chính thống giáo phương Đông (Eastern Orthodox Christians) đã tách khỏi Giáo hội La Mã trong sự kiện Đại ly giáo (Great Schism) do bất đồng về thực tiễn thực hiện các bí tích thánh thể. Ngoài ra, các Kitô hữu Orthodox cũng không đồng tình với quan điểm của người La Mã rằng linh mục nên sống độc thân, và Giáo hoàng tại Roma có quyền lực chi phối cả lãnh đạo giáo hội phương Đông.

Nhà thần học Martin Luther (1483 – 1546).
Tranh: Lucas Cranach.
Nền đạo đức Tin lành và Tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản (Max Webber), tác phẩm kinh điển lý giải sự phát triển của phương Tây.

Một cuộc chia rẽ khác cũng đã xảy ra trong chính nội bộ Giáo hội La Mã vào năm 1378, khi có đến hai và sau đó là ba chức sắc tuyên bố mình mới là người kế vị chính thức của Giáo hoàng. Cuộc tranh giành này kéo dài khoảng 40 năm đến tận 1417, gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của tổng đàn giáo hoàng. Nhưng bất chấp những mâu thuẫn âm ỉ, Giáo hội La Mã vẫn thành công trong việc ngăn chặn nhiều nhánh tu khác ra đời bằng tất cả mọi biện pháp, bao gồm vũ lực dưới sự ủng hộ của những người cai trị kế tục (ông hoàng, lãnh chúa,…). Vô số kẻ bị gán mác “dị giáo” đã chết trên giàn hỏa thiêu hoặc phải lựa chọn từ bỏ niềm tin của mình – MacCulloch cho biết.

Nhưng từ sau cuộc Cải cách Kháng nghị hay Kháng cách (Protestant Reformation) năm 1517, số lượng giáo phái bắt đầu thật sự bùng nổ. Phong trào được thúc đẩy bởi một số diễn biến, đáng chú ý là 95 luận đề của nhà thần học Martin Luther – nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin cá nhân, chống lại truyền thống diễn giải Kinh thánh, loan tin mừng, làm phép xá tội và thực hiện nghi thức gia nhập nước Chúa (Thiên đàng) qua vai trò trung gian của linh mục (như bên Giáo hội Roma). Luther và những người đi theo ông lập luận: Kinh thánh không phải là một hệ thống đặc quyền của nhà thờ và mang thẩm quyền tối cao đối với tất cả, đồng thời họ lên án một số hoạt động của Giáo hội Roma như hành vi biển thủ tiền công quỹ do tín đồ đóng góp. Từ một vài nhóm Kháng cách ban đầu, theo thời gian, ngày càng nhiều nhánh Tin lành được thành lập mới.

Đến thế kỷ XVII, khái niệm “giáo phái” (denomination) bắt đầu được sử dụng để chỉ các nhánh tôn giáo – theo Michelle Sanchez, phó giáo sư thần học tại Harvard Divinity School. Những người theo Tin lành đã viện vào Kinh thánh để chỉ trích Giáo hội La Mã, tuyên bố bất cứ tín đồ nào cũng có quyền đọc Kinh thánh và hiệp thông với Đức Chúa Trời. Nhưng điều này lại đưa tới một cuộc tranh cãi khác: “Cách hiểu Kinh thánh của ai mới đúng?”. Từ đó, thêm nhiều hệ phái ra đời dựa trên sự khác biệt trong cách lý giải Kinh thánh, thực hành nghi lễ và cơ cấu tổ chức. Có thể kể tới Giáo hội Trưởng lão, Hội thánh Mennonite, Baptists, Giáo hữu hội (Quakers),…

Một số nhánh Tin lành khác lại là kết quả của “cuộc chiến quyền lực”, chẳng hạn Anh Giáo (Anglicanism) do Vua Henry VIII sáng lập năm 1534. “Ông ấy muốn khẳng định quyền tự chủ của nước Anh về mặt chính trị khỏi Giáo hội Roma”, West nói. Ngoài ra, Henry VIII còn muốn ly hôn vợ (để lấy người khác và kiếm con trai) – điều không được Giáo hội Roma cho phép.

Mặc dù chia rẽ và khúc mắc là vậy, nhưng điều này không hẳn là không mang lại giá trị tích cực. Theo Sanchez, nó góp phần kiến tạo các cơ chế kiểm soát, chống tham nhũng và trao quyền tự quyết cho người ở địa vị xã hội thấp hơn. Ví dụ, sau phong trào Kháng cách, tầng lớp thị dân bắt đầu biết chất vấn các chức sắc tôn giáo khi nhận thấy những hoạt động của giáo hội có vấn đề.

Trong tương lai, nhiều khả năng sẽ có thêm sự chia tách và hình thành các giáo hội mới. Để giúp tín đồ phân biệt đâu mới là hệ phái đáng đi theo, MacCulloch đưa ra lời khuyên từ chính Đức Chúa Jesus: “Các ngươi nhờ hoa quả mà biết chúng” (trích Kinh thánh), tức hãy tìm hiểu họ “qua hành vi và những gì họ làm”.