Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng bàn phím và các thiết bị điện tử để ghi chép và học tập ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hoạt động viết tay giúp chúng ta học tập và ghi nhớ thông tin tốt hơn nhiều so với đánh máy.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Lần gần đây nhất bạn viết một thứ gì đó bằng tay là khi nào? Đối với nhiều người trong số chúng ta, viết tay có thể đã trở thành một thói quen không thường xuyên, nếu không muốn nói là bị lãng quên. Việc ghi chú trên điện thoại hoặc gõ các ý tưởng bằng bàn phím nhìn chung nhanh hơn và dễ dàng hơn, nhưng liệu viết tay trong bối cảnh hiện tại có còn quan trọng hay không, khi mà các phương pháp ghi chú kỹ thuật số dần chiếm ưu thế?

Nhiều nhà văn chuyên nghiệp đã nhận ra lợi ích của thói quen viết tay trong việc thúc đẩy học tập và tư duy. Bất chấp sự chuyển đổi kỹ thuật số, một số tác giả như Jennifer Egan và Neil Gaiman vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp viết tay như một cách để khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo. Giới khoa học đang khám phá những lợi ích tiềm ẩn của hoạt động này, và các kết quả họ thu được khá thú vị.

Lấy học sinh làm ví dụ. Sự bùng nổ của công nghệ số khiến nhiều trường học thay đổi phương pháp giáo dục, chú trọng hơn vào kỹ năng sử dụng công nghệ và ít quan tâm hơn đến khả năng dùng bút. Thậm chí, một số học sinh đã thành thạo đánh máy trước khi biết viết.

Trong một nghiên cứu về sự phát triển của trẻ mầm non, các nhà khoa học tại Đại học Provence, Marseille (Pháp) phát hiện những đứa trẻ học bảng chữ cái A, B, C,...bằng cách tô nét chữ thông qua phương pháp viết tay có khả năng nhận diện và nhớ các chữ cái tốt hơn và lâu hơn so với những đứa trẻ học bằng cách gõ phím. Kết quả của họ được công bố trên tạp chí Acta Psychologica vào năm 2005.

“Khi trẻ em tập viết chữ a bằng tay, mỗi lần viết lặp lại sẽ có sự khác biệt nhỏ, và sự khác biệt này góp phần củng cố sự hiểu biết của chúng về khái niệm chữ cái A. Các chữ cái khác cũng tương tự như vậy”, Sophia Vinci-Booher, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), nhận định. Những đứa trẻ học bằng cách chạm vào máy tính bảng kỹ thuật số thường gặp khó khăn trong việc phân biệt các chữ cái trông rất giống nhau hoặc là hình ảnh phản chiếu của nhau, chẳng hạn như chữ b và d.

Ở người lớn, thói quen ghi chép bằng điện thoại và laptop ngày càng trở nên phổ biến nhưng dường như nó kém hiệu quả về mặt ghi nhớ hơn so với việc ghi chép bằng tay. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science vào năm 2014, các nhà khoa học tại Đại học Princeton và Đại học California, Los Angeles (Mỹ) nhận thấy những sinh viên ghi chép bài giảng và buổi thảo luận bằng cách đánh máy thường có kết quả kém hơn khi làm các bài kiểm tra lý thuyết so với những sinh viên ghi chép bằng tay.


Phương pháp viết tay hoặc đánh máy đều liên quan đến việc di chuyển bàn tay và ngón tay để tạo ra các từ trên một trang giấy hoặc màn hình. Nhưng chữ viết tay đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng nhiều hơn giữa các vùng não bộ liên quan đến vận động, thị giác và nhận thức, từ đó giúp chúng ta học tập hiệu quả và ghi nhớ tốt hơn.


Nhưng tại sao viết tay lại tốt hơn cho quá trình học tập? Câu trả lời dường như liên quan đến mức độ phức tạp của hành động viết tay khi so sánh với đánh máy. Viết tay đòi hỏi nhiều chuyển động hơn, sử dụng nhiều kỹ năng và sự phối hợp hơn, đồng thời cần sự tập trung cao độ của mắt. Nhờ đó, viết tay kích thích các vùng não bộ khác nhau hoạt động cùng lúc để biến những hình ảnh trong đầu của chúng ta thành chữ viết trên giấy.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, bạn hãy tưởng tượng đang hướng dẫn cho một người khác tập viết. Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Làm sao để truyền đạt tất cả những chi tiết nhỏ như cầm bút thế nào, di chuyển ngón tay ra sao để tạo ra từng chữ cái cụ thể? Người viết cần tác động bao nhiêu lực lên cây bút hoặc trang giấy, và lực này thay đổi như thế nào khi cây bút di chuyển?

Tiếp theo là đến hệ thống thị giác. Đôi mắt tiếp nhận thông tin về những gì bạn đang viết và chuyển nó đến não để kiểm tra xem những nét nguệch ngoạc trên giấy có trùng khớp với chữ viết mà bạn đang cố gắng tạo ra hay không. Nếu xuất hiện lỗi hoặc sai sót, bộ não sẽ gửi tín hiệu điều chỉnh chuyển động tay để sửa lại hình dạng chữ.

Thật khó để nghĩ về toàn bộ quá trình phức tạp ẩn đằng sau hành động viết tay chứ đừng nói đến việc giải thích nó cho người khác, vậy mà bộ não của chúng ta đã thực hiện tất cả những điều này một cách tự nhiên mỗi khi chúng ta cầm bút lên viết.

“Viết tay có lẽ là một trong những kỹ năng vận động phức tạp nhất mà bộ não con người có thể thực hiện được”, Marieke Longcamp, nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Aix-Marseille (Pháp), nhận định.

Trong khi đó, hoạt động đánh máy có vẻ đơn giản hơn nhiều. Bạn chỉ cần tìm phím mong muốn, nhấn vào nó và kiểm tra xem ký tự hiển thị trên màn hình có đúng không. Bạn không cần thực hiện bất kỳ hành động nào quá phức tạp.

Trong một cuộc họp hoặc bài giảng, tốc độ đánh máy có thể giúp bạn gõ lại chính xác từng chữ những gì bạn đang nghe. “Nhưng điều này thường dẫn đến việc bạn không thực sự xử lý thông tin đó. Bạn chỉ đang gõ một cách vô thức”, Audrey van der Meer, nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết.

Ngược lại, phương pháp ghi chép bằng tay buộc chúng ta phải chậm lại. Bạn không thể viết ra tất cả mọi thứ nên bạn phải tập trung chọn lọc các thông tin quan trọng, ghi lại các từ khóa hoặc cụm từ then chốt và sử dụng hình vẽ hoặc mũi tên để diễn đạt ý tưởng. “Bạn biến thông tin thành của riêng mình. Điều này giúp nó lưu lại lâu hơn trong não”, Meer nói.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology vào tháng 1/2024, Meer và các cộng sự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy phát hiện việc dùng bút cảm ứng (stylus) để viết trên màn hình cũng mang lại hiệu quả tương tự so với viết tay. Bởi vì những chuyển động của tay khi viết mới là yếu tố quan trọng, thay vì phương tiện ghi chép trên giấy hoặc màn hình.

Mặc dù viết tay dường như hữu ích hơn cho việc ghi nhớ và học tập, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cần loại bỏ các công cụ kỹ thuật số của mình. Trong nhiều trường hợp, thiết bị kỹ thuật số giúp nâng cao năng suất lao động.

“Khi viết một bài luận văn hoặc báo cáo dài, rõ ràng việc bạn gõ bằng bàn phím sẽ nhanh hơn nhiều so với viết tay”, Meer nhận định.

Trong xã hội hiện đại, tin nhắn văn bản và Email gần như đã thay thế hoàn toàn những bức thư viết tay do tốc độ gửi nhanh chóng và thuận tiện hơn. Các phần mềm ghi chú trên các thiết bị kỹ thuật số cho phép bạn dễ dàng chỉnh sửa, sắp xếp và tổ chức thông tin, giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức. Do đó, thay vì loại bỏ hoàn toàn một trong hai phương pháp, việc kết hợp hiệu quả cả hai sẽ giúp bạn tối ưu hóa năng suất và đạt được mục tiêu.

Theo iflscience, NPR