ThS Nguyễn Linh Chi, đại diện nhóm biên soạn công trình “Giáo dục và Khoa học mở: Cẩm nang dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu”, lý giải vì sao các nội dung xoay quanh giáo dục và khoa học mở có thể trở thành một môn học hoặc một học phần kỹ năng phù hợp với rất nhiều lĩnh vực đào tạo đại học.

Chị có thể chia sẻ vì sao nhóm biên soạn cho rằng các giảng viên và nhà nghiên cứu cần có một cuốn cẩm nang về giáo dục và khoa học mở?

“Mở” (open) nói chung về tri thức, hay cụ thể là khoa học mở, giáo dục mở đã trở thành một cụm từ phổ biến mà những người làm trong ngành giáo dục hay khoa học đều đã liên tục nghe tới trong những năm gần đây. Với mong muốn đem tri thức tới mọi đối tượng có thể hưởng lợi từ nó một cách nhanh chóng nhất, dễ dàng nhất, rộng rãi nhất, các ý tưởng và phong trào khoa học mở giáo dục mở sớm nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức lớn. Chẳng hạn, UNESCO đã liên tục đưa ra các bộ hướng dẫn thực hành giáo dục mở, khoa học mở ở cả cấp độ cá nhân (cho các nhà nghiên cứu, giảng viên) lẫn ở quy mô quốc gia, quốc tế (các khung hướng dẫn chính sách). Hay những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm xuất bản hẳn đều biết tới những sáng kiến như Kế hoạch S (Plan S) – một sáng kiến tập hợp các quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học lớn nhất, trong đó yêu cầu các nhà khoa học nhận được tài trợ từ các quỹ này phải công bố công trình của mình trên tạp chí mở.

Mặc dù truy cập “miễn phí” thường là lợi ích lớn nhất và dễ thấy nhất của các tài nguyên khoa học và giáo dục mở, còn một khía cạnh khác của tri thức “mở” mà tôi nhận thấy còn chưa được nói tới nhiều bằng, đó là tính “phổ cập” và “dễ dàng” tiếp cận. Các tài nguyên và công cụ miễn phí sẽ không tới được những cá nhân cần sử dụng nó nhất nếu như chúng ta không chú trọng những khía cạnh đó. Nói cách khác, cần tạo ra những con đường để người ta có thể tiếp cận nó dễ dàng, biết cách tìm tới những tài liệu chất lượng, biết cách tối đa hóa các giá trị của chúng. Đây cũng là vấn đề tương tự với hầu hết các sản phẩm khác sinh ra trong thời đại Internet. Khi Internet san phẳng các cơ hội tiếp cận và chia sẻ thông tin, nó cũng dẫn tới nhiều vấn đề như quá tải thông tin, tin giả, đòi hỏi người sử dụng lại phải phát triển các kỹ năng gạn lọc và điều hướng giữa bể thông tin đó.

Vì vậy, với nhóm tác giả, việc có các nội dung miễn phí công khai là chưa đủ. Để các kết quả của khoa học, giáo dục mở đạt được sự lan tỏa và hữu ích tối đa, những người tiếp nhận nó – tức bất kỳ ai – đều cần được trang bị những chỉ dẫn để tận dụng nó một cách phù hợp nhất. Trong thời kỳ các thông tin và tri thức mở được sản xuất không ngừng như hiện tại, chúng tôi mong cuốn sách sẽ đóng vai trò như một bộ công cụ giúp người đọc có thể tự mình điều hướng - vừa có thể tối ưu hóa các tài nguyên có sẵn và vừa có thể trở thành các tác giả của những tài nguyên mở chất lượng cho cộng đồng.

Cuốn sách được NXB ĐH Quốc gia Hà Nội ấn hành vào cuối năm 2023. Ảnh: IPER
Cuốn sách được NXB ĐH Quốc gia Hà Nội ấn hành vào cuối năm 2023. Ảnh: IPER

Chúng tôi cũng hy vọng các nội dung trong sách có thể đóng vai trò như một thủ thư trong câu nói nổi tiếng của tiểu thuyết gia Neil Gaiman, “Google can bring you back 100,000 answers. A librarian can bring you back the right one.” (tạm dịch: Google có thể đem lại cho bạn 100.000 kết quả. Một thủ thư có thể đem tới cho bạn kết quả đúng/phù hợp.)

Theo chị, việc hiểu biết tường tận về những khái niệm xoay quanh giáo dục và khoa học mở có thể đem lại những lợi ích gì cho giảng viên, nhà khoa học và cả người đọc phổ thông?

Đối với giảng viên, nhà khoa học, việc hiểu biết về các khái niệm xoay quanh giáo dục mở, khoa học mở sẽ giúp họ vận hành tốt hai vai trò: một là người tận dụng tri thức mở và hai là tác giả kiến tạo tri thức mở.

Với vai trò là người ứng dụng các tài nguyên mở, nắm được các hướng dẫn trong sách sẽ giúp nhà nghiên cứu và giảng viên gạn lọc được những nguồn tài nguyên chất lượng và những công cụ hữu ích phù hợp cho mục đích của mình, biết cách vận dụng các công cụ để tối ưu nguồn lực sẵn có.

Còn ở trong vai trò là tác giả, hiểu về các khái niệm và công cụ thực hành sẽ giúp các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục mở rộng phạm vi lan tỏa các sản phẩm của mình, mở rộng các khả năng mà mình có thể tham gia đóng góp, thiết lập cơ chế pháp lý để việc sử dụng và phân phối lại các sản phẩm của họ được thuận tiện và rõ ràng.

Chẳng hạn, chúng ta liên tục nói tới “truy cập mở” – hiểu đơn giản là công bố các công trình khoa học công khai và miễn phí. Nhưng để làm được điều đó là một quy trình không hề đơn giản, khi mỗi tạp chí lại có những chính sách khác nhau và phức tạp về quyền được tự lưu trữ hay công khai bài báo cho các tác giả. Phần nội dung về truy cập mở trong cuốn sách cung cấp các thuật ngữ xoay quanh nó và các công cụ giúp nhà nghiên cứu biết cách “giao tiếp” với nhà xuất bản để đôi bên cùng có lợi trong việc công khai các bài báo khoa học.

Bên cạnh đó, cuốn sách có một số nội dung tổng quát hữu ích với bất cứ ai mong muốn tiếp nhận và tạo ra những tri thức mở. Chẳng hạn, nội dung về các giấy phép và bản quyền mở là một nội dung mà tôi hy vọng nhiều người sẽ quan tâm và nắm rõ. Hiểu về khía cạnh này sẽ giúp chúng ta tránh rơi vào các “vùng xám” khi sử dụng các tài nguyên trên Internet, vừa không vi phạm các luật bản quyền vừa giúp ghi công đúng đắn cho những tác giả sáng tác/thiết kế ra nó.

Vì sao nhóm đề xuất giáo dục và khoa học mở nên được đưa thành một môn học trong chương trình giảng dạy ở đại học? Liệu nó có thể trở thành một môn học hấp dẫn đối với sinh viên không?

Cuối tháng 9/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, mở đường cho bước phát triển ý thức và nhận thức của ngành giáo dục và xã hội nói chung về lĩnh vực này. Ảnh minh họa: INT
Cuối tháng 9/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, mở đường cho bước phát triển ý thức và nhận thức của ngành giáo dục và xã hội nói chung về lĩnh vực này. Ảnh minh họa: INT

Trước mắt, nhóm tác giả tin rằng các nội dung trong sách có thể phát triển thành một môn học trong ngành Thông tin – Thư viện hay Khoa học thông tin. Đây chắc chắn là những kiến thức thiết yếu cho các bạn đang theo đuổi lĩnh vực này.

Nhìn rộng hơn, những nội dung trong cuốn sách có thể trở thành một học phần kỹ năng phù hợp với rất nhiều lĩnh vực đào tạo đại học, đặc biệt trong khối ngành khoa học xã hội và kinh tế. Trong bối cảnh yêu cầu đầu ra của các trường đại học ngày càng tập trung vào các kỹ năng, các nội dung này có thể coi là một phần trong bộ kỹ năng, năng lực về kiến thức số - digital literacy.

Về giảng dạy, ngay chính trong cuốn sách có một phần nội dung về sư phạm mở, tức là các phương pháp sư phạm tạo điều kiện cho các sản phẩm trong quá trình dạy và học đóng góp vào tri thức công cộng. Đặc biệt, các phương pháp này hướng tới việc trao quyền cho sinh viên làm chủ các quá trình đó và có cơ hội trở thành các tác giả của những tài nguyên mở.

Nếu đưa được các gợi ý đó vào giảng dạy nội dung này, tôi tin rằng sẽ tạo ra một môn học vô cùng hứng thú ở sinh viên, và còn gợi mở thêm cho các em việc ứng dụng nó vào bất kỳ môn học nào khác. Việc được tham gia vào tạo ra các tri thức mở sẽ giúp các em hiểu rõ giá trị và sức lan tỏa của những gì mình đang học, chắc chắn sẽ góp phần nuôi dưỡng tinh thần ham mê tri thức của các em.

Cảm ơn chị đã chia sẻ.


Theo Báo cáo Khoa học 2021 của tổ chức UNESCO, giáo dục mở và khoa học mở không chỉ là một trong các xu hướng nổi bật nhất hiện nay, mà còn là xu hướng thiết yếu để đối mặt với một số khủng hoảng toàn cầu. Hiểu được tầm quan trọng của xu hướng này, nhóm tác giả gồm các thành viên trong nhóm nghiên cứu Reduvation, Đại học Thành Đô, đã biên soạn cuốn “Giáo dục và Khoa học mở: Cẩm nang dành cho Giảng viên và Nhà nghiên cứu”.

Cuốn sách gồm hai chương lớn - Giáo dục mở và Khoa học mở, cung cấp bối cảnh tổng quan về hai phong trào này, giới thiệu một số nền tảng mở quan trọng, và các hướng dẫn để giảng viên, nhà nghiên cứu hoặc bất cứ độc giả nào có thể tích hợp các thực hành giáo dục mở, khoa học mở vào quá trình làm việc và học tập. Những hướng dẫn này sẽ giúp người sử dụng vừa biết cách tận dụng những tài nguyên miễn phí có sẵn để nâng cao chất lượng công việc, vừa biết cách tối ưu các sản phẩm của mình theo hướng đóng góp cho tri thức công cộng.

Đánh giá về cuốn cẩm nang, TS Lê Hồng Đức, biên tập viên cao cấp của tạp chí The Lancet viết, “Các tác giả đã dày công tìm tòi, tổng hợp và biên soạn một lượng thông tin khổng lồ thành một giáo trình tổng quát, logic, dễ tra cứu, thích hợp cho nhiều đối tượng độc giả”. Còn ông Dương Trọng Tấn, Giám đốc Viện Phát triển Giáo dục khai phóng Libero gọi đây là “một hướng dẫn chính quy, bài bản về khoa học và giáo dục mở, tiếp tục thúc đẩy một lĩnh vực vô cùng quan trọng nhưng còn rất ít được chú ý ở Việt Nam”.