Thông qua muôn vàn câu chuyện xoay quanh loài cừu, tác giả Sally Coulthard cung cấp những khám phá thú vị, bất ngờ về vị trí của loài cừu và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển văn minh loài người.

Nhà văn – nhà viết tiểu luận Umberto Eco từng đề cập trong cuốn tiểu thuyết Con lắc Foucault rằng chỉ cần ta có “điểm treo cố định” thì cả lịch sử nhân loại sẽ luôn dao động xung quanh điểm ấy. Sally Coulthard (1974) là một minh chứng cho nhận định trên. Là tác giả của 25 cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau, từ ong bản địa, nhím, vườn tược… cho đến văn hóa dân gian và các tòa nhà nông thôn…, bà đã bộc lộ niềm cảm hứng với vùng thôn quê, đời sống tự nhiên và các nghề thiết kế, từ đó móc nối những “điểm treo” trên với lịch sử dài của cả nhân loại. Tốt nghiệp ngành Khảo cổ và Nhân chủng học tại Đại học Oxford, bà hiện là nhà báo phụ trách chuyên mục A Good Life của tạp chí Country Living nổi tiếng.

Tác giả. Nguồn: Walk 100 miles
Tác giả Sally Coulthard. Nguồn: Walk 1000 Miles

Trong Lược sử thế giới trên lưng cừu, bằng các điển tích, câu chuyện dân gian, thần thoại, tác phẩm văn chương ở nhiều thời kỳ cũng như kết quả của nhiều khai quật trên khắp thế giới, Coulthard đưa ra những phân tích sắc bén về mối tương quan giữa người và cừu để cho thấy rằng “Loài cừu đã thay đổi chúng ta cũng nhiều như ta đã thay đổi chúng.” (tr. 343)

Mở đầu, cuốn sách khám phá sự xuất hiện của cừu và thời điểm mà sinh vật này bắt đầu được con người thuần hóa. Tác giả người Anh dẫn ra các dữ liệu khai quật, cho biết hơn 11.000 năm trước, con người bắt đầu chuyển từ săn bắt – hái lượm sang trồng trọt – chăn nuôi. Cũng vào lúc này, cừu từ vùng “Lưỡi liềm màu mỡ” trải dài khu vực Trung Đông từ Ai Cập đến vịnh Ba Tư, lan dần ra khắp châu Á, châu Âu và vùng Bắc Phi thông qua trao đổi buôn bán, di cư và các cuộc tiếp xúc văn hóa.

Bất ngờ là, khi cừu chưa được thuần hóa thì lông của chúng vốn được đánh giá là tương đối bở, khó nhuộm và quá lởm chởm. Thêm vào đó, giống loài này khi đó có cơ chế tự rụng lông, rất khó thu gom để phục vụ cho mục đích khác. Vì vậy thoạt đầu cừu chỉ được dùng để lấy thịt và sữa. Dấu tích cổ nhất về phô-mai làm từ sữa cừu đã được tìm thấy cách đây 5.300 năm, trong một mảnh gốm vỡ được phát hiện tại Croatia, góp phần cho thấy sự xuất hiện từ sớm của cừu trong cuộc sống con người.

Qua rất nhiều thế hệ, con người dần dần thuần hóa cừu và chúng trở thành giống loài hệt như hiện nay. Dựa trên sáu đặc tính mà nhà sinh lý học tiến hóa Jared Diamond nêu trong cuốn Súng, vi trùng, và thép, Coulthard chỉ ra cừu thuộc về số ít sinh vật thỏa mãn tất cả các yếu tố của một loài được thuần hóa - từ không kén ăn; lớn nhanh; có khả năng thích nghi trong tình trạng nuôi nhốt đến bản tính dễ sai bảo; không “quá yếu bóng vía” như hươu và linh dương, thường lăn ra chết vì sốc khi bị bắt; và là sinh vật có cấu trúc xã hội nghiêng theo một con làm chủ.

Từ đó chúng ngày càng quan trọng hơn với cuộc sống con người. Chuyện làm thế nào con người tạo ra được những giống cừu có bộ lông dày, mềm mại cũng như từ lúc nào họ biết dệt lông cừu đến nay vẫn còn là bí ẩn. Nhưng từ kết quả khai quật có thể khẳng định đó là một quá trình chậm chạp thông qua hàng loạt thử nghiệm và đột biến ngẫu nhiên. Di chỉ khảo cổ cho biết, hơn 5.000 năm trước, ở ốc đảo Shar-i-Sokhta (thuộc Iran, gần biên giới Afghanistan hiện nay) đã tồn tại những chiếc dọi dùng để xe sợi, cũng như các mảnh vải dệt từ len lông cừu gồm ít nhất 8 loại lông khác nhau.

Với các đặc tính như bền, chống nước, dễ nhuộm, cách nhiệt…, lông cừu đã được dùng trong nhiều nền văn minh. Khai quật ở Siberia về người Scyth du mục tiết lộ họ biết dệt từ sớm với nhiều loại lông khác nhau. Thuốc nhuộm từ Địa Trung Hải và các chất liệu vải vóc khác như lụa từ Ấn Độ, vải dệt từ len lông cừu ở Ba Tư và Armenia cổ đại cũng được tìm thấy tại đây, dẫn đến phỏng đoán đã có sự trao đổi về ý tưởng, tay nghề và hàng hóa xuyên lục địa từ hơn 2.500 năm trước.

Trong thời Hy Lạp, La Mã vươn đến thịnh vượng, lông cừu cũng được dùng để làm yên ngựa, áo choàng, áo giáp, mũ lót lông cừu hay phủ ngoài các tấm khiên…, nói cách khác, những người cổ đại vốn ưa chất liệu vải được đánh giá là mẫn cán này. Điều đó phần nào giải thích vì sao thần thoại của người La Mã và Hy Lạp thường nhắc đến cừu.

Một câu chuyện tương đối nổi tiếng chính là hành trình lấy được bộ lông cừu vàng của Jason. Quanh thần thoại này, Coulthard cung cấp thêm một giả thuyết về việc vì sao lông cừu không được mô tả có màu trắng hay màu nào khác, mà lại là màu vàng. Đó có thể là do thời xa xưa, lông cừu được dùng để đãi vàng trên các con suối - mỡ nhờn từ lông cừu sẽ giữ lại bất cứ hạt cám vàng nào đang trôi nổi, và sau khi phơi khô, người ta giũ những tấm da để thu về những bụi vàng óng ánh.

Ảnh: ĐTA
Ảnh: ĐTA

Cừu và những sản phẩm của nó còn góp phần vào việc định hình lại thế giới. Lông cừu chính là “nguyên liệu” để dệt nên những chiếc lều du mục đứng sau sự bành trướng quyền lực của Thành Cát Tư Hãn ra toàn cầu, hay trong thời gian mở rộng bờ cõi của người Viking, khi họ dùng thịt cừu để ướp muối, lông thô làm dây thừng, len lông cừu làm cánh buồm… trên các con thuyền knarr. Ở thời Trung cổ, nó cũng chính là nguồn cơn cho “cái chết đen” - khi các căn bệnh lan truyền từ những con thuyền chở cừu, khiến cho phong trào giải phóng chống lại chế độ tư hữu đối với ruộng đất bắt đầu nổ ra.

Theo đó, khi nhận thấy tiềm năng lớn của lông cừu, vua chúa và giới tư sản Anh suốt nhiều thế kỷ đã tiến hành một loạt chính sách rào quây đất đai cũng như tham tàn bóc lột, dẫn đến tình hình đói khổ trên khắp chính quốc và các miền thuộc địa. Một trong số đó là việc kiểm soát và độc quyền len cừu, ngăn cản xuất khẩu, khơi mào cho cuộc nổi loạn ở các thuộc địa, mà ví dụ điển hình nhất là cuộc Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ từ năm 1775-1783.

Đến cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, cũng chính vì nguồn lợi này mà cuộc Thanh trừ mang tính thế kỷ bắt đầu, đuổi nhiều người Scotland khỏi vùng cao nguyên nơi họ đã sinh sống nhiều đời, để lấy không gian chăn nuôi đàn cừu không ngừng phình ra. Bởi toàn bộ cộng đồng của vùng cao nguyên Scotland chỉ mang về cho lãnh chúa sở tại khoảng 300 bảng tiền thuê đất hằng năm, trong khi thuê người quản lý một bầy 8.000 con cừu có thể kiếm tới 900 bảng.

Kết quả cuối cùng là một hòn đảo bừng bừng lửa cháy tứ bề như Coulthard trích dẫn cuốn The Highland Clearances (tạm dịch: Cuộc thanh trừ cao địa, 1963) của John Prebble, thu thập lời kể của những người dân địa phương rằng “khi rời khỏi mảnh đất tổ tiên của mình, John McMaister, một người chăn cừu ở Rhum, nhớ lại, những tiếng gào thét dữ dội của những người đàn ông, những tiếng than khóc nhói lòng của phụ nữ và trẻ em vang vọng khắp bờ biển núi non” (tr.263).

Cừu cũng gắn liền với những sự kiện tàn bạo, như việc sử dụng nguồn lao động dễ tổn thương nhất trong xã hội - trẻ mồ côi và trẻ em nghèo khó – để mang vào các nhà máy xe sợi và đồn điền. Chúng thường được gọi là “những nô lệ da trắng”. Coulthard thuật lại tình trạng này qua văn chương của những tác giả đương thời nổi tiếng, như Charles Dickens với Oliver Twist hay Elizabeth Gaskell với Bắc và Nam

Nhìn chung, cuốn sách của Coulthard mang đến một hình dung sắc nét về việc bằng cách nào cừu đã xâm lấn thế giới quá nhanh, từ đó tạo ra những diễn biến và kết cục không thể lường trước... Với lối viết hài hước, hấp dẫn trong việc đưa cừu trở thành trọng tâm để phác họa bối cảnh chính trị - xã hội - kinh tế thế giới qua nhiều thời kỳ, Coulthard đã đan dệt những dữ liệu, giai thoại, sự kiện ấn tượng thành một tấm thảm rực rỡ và sống động.