Kiệu là một loài cây thuộc họ hành. Củ và thân có màu trắng, hình trái xoan thuôn. Lá mọc ở gốc, hình dải hẹp, nửa hình trụ, dài 15 - 60cm, rộng 1,5 - 4mm. Cụm hoa hình tán kép trên một cuống hoa dài 15 - 60cm, mang 6 - 30 tán hoa màu hồng hoặc tím.
Củ kiệu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như tiểu toán (tỏi nhỏ), tiểu căn toán, dã toán, đại đầu thái tử, hỏa thông...
Cả củ kiệu và lá kiệu đều có thể được dùng trong chế biến món ăn. Đây cũng là loại cây gia vị được sử dụng rất sớm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Củ kiệu thường được dùng để muối dưa chua, dùng ăn kèm với thịt mỡ hoặc tước nhỏ trộn với bắp cải, thịt gà. Còn lá kiệu dùng để quấn, ướp thịt để làm món thịt nướng, ăn sống hoặc cho vào nồi lẩu như một loại rau thơm.
Kiệu có vị cay, đắng, tính ôn, thông hoạt lợi, thông dương, tán kết, hành khí, giảm đau, an thai, bổ trung, lợi thủy, sinh cơ. Vì vậy, ngoài được dùng để làm thức ăn củ kiệu còn dùng làm thuốc phòng chữa nhiều bệnh.
Củ kiệu có thể được sử dụng để chữa một số bệnh như chữa tức ngực khó thở, trị chứng hay bị nôn khan, chữa bỏng nhẹ (không trợt da), phụ nữ có thai bị lạnh đau bụng, bổ khí, điều hòa nội tạng tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh.
Mặc dù có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng những người nhiều khí hư, người hay bị nóng trong cần lưu ý không nên ăn nhiều củ kiệu vì có thể gây hư tổn khí huyết, nóng gan.