Hai cuộc thi Bay vào vũ trụ và STEM Robot được triển khai toàn quốc, trước khi ngày hội chính diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng Chín.
Ngày 30/5, tại trụ sở Bộ KH&CN đã diễn ra lễ phát động Ngày hội STEM Quốc gia lần thứ 9 với chủ đề “Việt Nam, bứt phá tầm cao”. Thay vì chỉ là một ngày duy nhất như trước, ngày hội STEM năm nay bao gồm một chuỗi hoạt động trên phạm vi toàn quốc kéo dài từ tháng 5 đến tháng Chín, sau đó kết thúc bằng một ngày hội chính quy tụ đại diện của các địa phương, đơn vị khắp ba miền tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động, học sinh được tham gia hai cuộc thi STEM lớn.
Cuộc thi
“Bay vào vũ trụ” nhắm đến việc truyền cảm hứng cho học sinh trong việc phát triển ngành hàng không vũ trụ và công nghệ vệ tinh. Học sinh sẽ được trải nghiệm thiết kế tên lửa và các mô hình vệ tinh với sự đồng hành của các chuyên gia.
Có 3 bảng đấu A, B, C lần lượt dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với mức độ khó khác nhau.
Ở Bảng A, học sinh được yêu cầu tạo mô hình tên lửa nước có thể bay được với bệ phóng đã được BTC chuẩn bị và chuẩn hóa về áp suất.
Ở bảng B, mô hình tên lửa phải bay lên được và hạ cánh an toàn, đồng thời có thể mang theo một vệ tinh mô phỏng do Ban tổ chức cung cấp để ghi lại các chỉ số (nhiệt độ, độ cao, áp suất...). Học sinh cần học cách sử dụng điều khiển và đọc chỉ số của vệ tinh này.
Ở bảng C, các đội không chỉ tạo mô hình tên lửa hoạt động được mà còn phải chế tạo mô hình vệ tinh có đầy đủ các khối chức năng như một vệ tinh thông thường. Dữ liệu hoạt động, dữ liệu nhiệm vụ của vệ tinh trong suốt quá trình phóng và tiếp đất phải được lưu trữ trong bộ nhớ của vệ tinh. Sau khi tiếp đất, các đội cần trích xuất các dữ liệu này, sau đó tiến hành phân tích, thuyết minh về các kết quả thu được.
Các đội thi theo nhóm 5 người và có 1 người hướng dẫn, đăng ký dự thi trước 18/07 và gửi bài dự thi từ 01/08 đến 31/08/2023.
Mỗi tỉnh sẽ tổ chức vòng cơ sở để tuyển chọn tối đa 5 đội thi cho vòng chung kết.
Trong khi đó, cuộc thi
STEM Robot Competition hướng tới việc giao lưu văn hóa, khuyến khích sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và phát triển các kỹ năng lập trình cho học sinh. Có hai bảng đấu trong cuộc thi.
Bảng thi lập trình robot ảo với chủ đề "Robot giải mã mê cung" dành cho học sinh tất cả các cấp. Học sinh tham gia theo đội 2-3 người, lập trình để robot ảo vượt qua mê cung trong thời gian ngắn nhất. Ban tổ chức sẽ sử dụng phần mềm VEX VR để tạo ra mê cung ngẫu nhiên làm môi trường hoạt động cho robot ảo. Các đội thi cần quan sát, phân tích mê cung và áp dụng thuật toán phù hợp để lập trình cho robot giải mã và vượt mê cung.
Bảng thi sáng tạo STEM robot với chủ đề "Robot ném Còn" dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các đội được tự chọn linh kiện điện tử, cảm biến, vật liệu khác nhau để thiết kế và lập trình robot, sao cho robot có thể lấy bóng và ném bóng vào các mục tiêu ở khu vực xác định. Robot sẽ thi đấu trên sa bàn thực có kích thước 2,5 x 3,5 x 0,05 mét gồm 2 khu vực là khu vực robot lấy, bắn bóng và khu vực ghi điểm.
Mỗi địa phương sẽ tổ chức vòng cơ sở để tuyển chọn đội thi cho vòng chung kết. Cuộc thi bắt đầu từ nay đến 31/07/2023.
Ngoài hai cuộc thi STEM quốc gia, các hoạt động lan tỏa tinh thần STEM và chia sẻ phương pháp giáo dục STEM như hội thảo, diễn đàn, triển lãm và trải nghiệm STEM cũng sẽ là những điểm nhấn quan trọng để hướng đến ngày hội chính vào tháng Chín.
Phát biểu tại lễ công bố Ngày hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhận xét, trong bối cảnh chuyển đổi số, phương pháp tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM có thể coi là một cách tiếp cận phù hợp để nâng cao các kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho người trẻ, và cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Ngày hội STEM Quốc gia (Vietnam STEM Festival) được tổ chức lần đầu vào năm 2015 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng (một ấn phẩm thuộc Báo Khoa học và Phát triển) và Liên minh STEM, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cho đến nay, Ngày hội STEM quốc gia đã liên tục được tổ chức trong 8 năm. Ngay cả trong hai năm 2020 và 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ngày hội STEM quốc gia vẫn được triển khai một cách sáng tạo, linh hoạt bằng cách kết hợp online và offline.
|