Những cuốn sách thuộc các series giáo dục thường thức dành cho trẻ em của NXB Kim Đồng luôn làm tôi thích thú. Tôi ao ước vào độ tuổi của các độc giả mà những cuốn sách này hướng tới, tôi đã được đọc chúng. Bởi vậy, tôi sốt sắng giới thiệu đến các phụ huynh và bạn đọc nhỏ một cuốn sách mới làm tôi mê tít.

Đó là cuốn sách khoa học xã hội “Bất bình đẳng” của nhiều tác giả Pháp.

Trong vòng tay bố mẹ, dò ngón tay trên từng trang sách, các độc giả nhỏ tuổi sẽ thoải mái tìm hiểu nhiều khái niệm chính trị, xã hội mà mình có thể đã loáng thoáng nghe thấy trên báo đài, hay trong những câu chuyện của người lớn. Cuốn sách kết hợp hài hòa những khái niệm, định nghĩa ngắn gọn, rõ ràng mà đầy đủ với hình minh họa sinh động, hóm hỉnh, giúp độc giả từ lứa tuổi bắt đầu biết đọc tiếp cận thông tin về các khía cạnh của sự bất bình đẳng một cách khách quan, dễ hiểu, và qua đó bồi đắp lòng trắc ẩn. Trong mối liên hệ giữa bổn phận cá nhân và chính sách của các tổ chức, thiết chế của các quốc gia, mỗi công dân sẽ tự nhận thấy trách nhiệm của bản thân nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng giữa người với người.

Cuốn sách bao quát theo dòng thời gian ba vấn đề bất bình đẳng lớn nhất, đó là bất bình đẳng giữa các dân tộc, bất bình đẳng kinh tế, và bất bình đẳng giới.

“Bất bình đẳng” nằm trong bộ sách Nhịp sống Đương đại của NXB Kim Đồng cùng với bốn cuốn sách khác – “Khủng bố”, “Kinh tế”, “Thế giới số”, và “Tin giả” - đề cập những đề tài hiện diện thường trực trong đời sống. Ảnh: INT
“Bất bình đẳng” nằm trong bộ sách Nhịp sống Đương đại của NXB Kim Đồng cùng với bốn cuốn sách khác – “Khủng bố”, “Kinh tế”, “Thế giới số”, và “Tin giả” - đề cập những đề tài hiện diện thường trực trong đời sống. Ảnh: INT

Chẳng hạn, ở chương viết về bất bình đẳng giữa các dân tộc - một vấn đề phức tạp, đa chiều tồn tại ở nhiều quốc gia và đặc biệt bộc lộ rõ mỗi khi xảy ra tình hình chính trị bất ổn hay chiến tranh, xung đột - có thể lần đầu các em được cắt nghĩa một cách cặn kẽ về các khái niệm người nhập cư, người tị nạn, phân biệt chủng tộc và những học thuyết về phân biệt chủng tộc đã phát sinh ra chế độ nô lệ, nạn diệt chủng người da đỏ ở châu Mỹ, chế độ Apartheid ở Nam Phi, nạn bài Do Thái ở châu Âu...

Còn ở chương đề cập bất bình đẳng kinh tế, các em được vén màn về sự tương phản giữa đời sống của giới siêu giàu và những người ở ngưỡng nghèo đói; sự khác biệt về ngưỡng nghèo của các nước; tình trạng đói nghèo trầm trọng do khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp và các nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp; và cuối cùng là vì sao chúng ta phải đóng thuế, vì sao có những vùng đất được gọi là thiên đường thuế…

Ở chương về bất bình đẳng giới, các em được tìm hiểu về lịch sử hạn chế quyền hạn của nữ giới và có thể nhận biết những ứng xử hằng ngày nào đang đóng khung bé gái và bé trai vào những vai trò nhất định… Ngày nay, hầu như ở tất cả các nước trên thế giới, phụ nữ đã có mọi quyền tương tự nam giới, vậy bất bình đẳng giới có còn tồn tại không? Và liệu có phải sự bất công luôn nằm ở phía phụ nữ? Có bao giờ bạn thấy cha bạn khóc một mình chưa? Tất cả những trò chuyện mở rộng giữa bố mẹ và con cái khi đọc sách có thể giúp cả hai cùng hiểu hơn về những gánh nặng trên vai người đàn ông trong gia đình: phải thành công, phải chu tất tài chính hay phải thể hiện ra bên ngoài là người lý trí và mạnh mẽ như khuôn mẫu được gán cho họ...

Cuốn sách dành chương cuối để cho các độc giả nhỏ tuổi biết rằng, suốt chiều dài lịch sử, luôn có những người dám đứng lên chống lại những điều bất bình đẳng. Họ được gọi là “những người tranh đấu” - họ đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ như Louise Michel, đấu tranh cho những người da đen như Martin Luther King hay Edward Snowden dám chống lại luật lệ quốc gia vì lợi ích nhân loại… Tất cả họ đều thật dũng cảm!

Mặc dù đề cập hiện thực “bất công luôn tồn tại song hành với cuộc sống", cuốn sách vẫn giữ được sắc thái tươi sáng. Cứ nghĩ xem, khi được biết các định nghĩa, các tình huống kinh điển về sự phân biệt đối xử, hay xa hơn là chủ nghĩa đế quốc, độc tài, diệt chủng, khủng hoảng tài chính, bọn trẻ sẽ quay lại ứng xử với thế giới của chúng thế nào. Nếu những lý thuyết giúp các học giả tư duy, thì những khái niệm cơ bản, những phân tích sâu sắc, những ví dụ cụ thể sẽ giúp các bạn nhỏ từ tò mò mà nhìn ra nhiều điều hay, tạo dựng nền tảng cho những hành động đúng, đẹp ở các em.