Các nghiên cứu đã chứng minh khả năng suy luận thống kê tồn tại ở vượn lớn, khỉ đuôi dài và vẹt Kea. Giờ đây, hươu cao cổ là loài động vật có não nhỏ đầu tiên được thêm vào danh sách trên.

Hằng ngày, chúng ta vẫn thường sử dụng thông tin thống kê để quyết định. Ví dụ, khi chọn một túi kẹo, nếu thích kẹo màu đỏ, bạn sẽ tìm túi có nhiều màu đỏ nhất (và ít màu đen mà bạn không thích).

Vì không thể nhìn thấy mọi viên kẹo, bạn đang sử dụng suy luận thống kê để đưa ra quyết định sáng suốt. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có khả năng này.

Khả năng suy luận thống kê đã được các nghiên cứu chứng minh tồn tại ở cả vượn lớn, khỉ đuôi dài và vẹt Kea.

Giờ đây, một nghiên cứu mới đã thêm hươu cao cổ vào danh sách trên.

Cho tới nay, những loài động vật có não lớn như linh trưởng và chim được cho là có trí thông minh, và vì thế có khả năng suy luận thống kê.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) và Đại học Leipzig, Viện Nhân học Tiến hóa Max Planck (Đức) muốn thử tìm hiểu xem một động vật với bộ não nhỏ so với cơ thể có khả năng này hay không.

Hươu cao cổ là lựa chọn lý tưởng vì chúng từng thể hiện khả năng phân biệt số lượng ít với nhiều. Cấu trúc xã hội cùng chế độ ăn phong phú của chúng cũng liên quan đến việc xuất hiện khả năng nhận thức phức tạp.

Cà rốt là món ăn khoái khẩu của hươu cao cổ, và nó chẳng mặn mà gì với bí ngòi. Từ đây, các nhà khoa học đã làm thí nghiệm để kiểm tra khả năng suy luận thống kê của chúng.

Họ đặt các hộp trong suốt chứa những miếng cà rốt và bí ngòi với tỉ lệ khác nhau trước mặt 4 con hươu cao cổ. Có ba bài thử để chúng đoán xem hộp nào chứa nhiều cà rốt nhất. Mỗi bài thử được lặp lại 20 lần. Nhà nghiên cứu sẽ lấy một miếng từ mỗi hộp ra mà không cho con hươu xem. Con hươu sẽ dùng lưỡi chạm vào bên tay mà nó muốn ăn, chỉ dựa vào thông tin từ chiếc hộp.
Thử nghiệm từ một đến ba từ bên trái qua. Ảnh: Alvaro L. Caicoya
Thử nghiệm từ một đến ba từ bên trái qua. Ảnh: Alvaro L. Caicoya

Trong bài thử thứ nhất, các con hươu cao cổ đã chọn đúng hộp có chứa nhiều cà rốt hơn và ít bí ngòi hơn.

Trong bài thử thứ hai, các hộp chứa cùng lượng cà rốt và hươu đã chọn đúng hộp có ít bí ngòi hơn.

Trong bài thử thứ ba, các hộp có lượng bí ngòi như nhau, và hươu cũng chọn đúng hộp có nhiều cà rốt hơn.

Hươu cao cổ chọn đúng hộp chứa nhiều cà rốt và ít bí ngòi hơn. Nguồn:NPG Press

Nếu hươu chỉ so sánh số lượng cà rốt tuyệt đối thì chúng chỉ thành công trong bài thứ nhất và thứ ba, và thất bại trong bài thứ hai vì số lượng cà rốt tuyệt đối là như nhau trong các bài thử này. Do chúng có lựa chọn đúng trong cả 3 bài, các nhà nghiên cứu kết luận rằng chúng đã sử dụng suy luận thống kê. Họ cũng đã thiết kế một số thí nghiệm kiểm soát để loại bỏ khả năng hươu cao cổ chọn bằng cách ngửi hay dựa vào các dấu hiệu thị giác từ người kiểm tra.

Bằng chứng về suy luận thống kê ở hươu cao cổ cho thấy để có được các kĩ năng suy luận thống kê phức tạp, các loài động vật không cần kích cỡ bộ não lớn, ít nhất ở các loài có xương sống. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng khả năng này có thể là phổ biến trong giới động vật.

Vậy nên câu hỏi tiếp theo là: những loài có não nhỏ so với cơ thể nào khác cũng có thể vượt qua bài kiểm tra này?

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.