Trong mắt người đời, Trương Phi gắn liền hình ảnh võ tướng tính nóng như lửa, bản chất thật thà, suy nghĩ đơn giản. Chính sử và dã sử có nhiều thông tin khác nhau về vị hổ tướng này.
Dân gian thường ví “nóng như Trương Phi, đa nghi như Tào Tháo”, tính cách nóng nảy cùng sở thích uống rượu được gắn với một trong "ngũ hổ tướng".
|
Hình ảnh Trương Phi oai hùng trongTam Quốc diễn nghĩacủa nhà văn La Quán Trung. Ảnh: Sina. |
Mãnh tướng đa tài
La Quán Trung miêu tả Trương Phi “tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi".
Mãnh tướng Trương Phi không chỉ võ nghệ siêu phàm mà còn dũng cảm hơn người, không sợ cái chết. Ông cầm bát xà mâu, cưỡi ô mã đạp tuyết khiến quân địch khiếp sợ.
Trong trận Đương Dương - Trường Bản, quân Lưu Bị thua, bỏ chạy. Huyền Đức sai Dực Đức dẫn 20 kỵ binh chặn hậu, cản quân Tào. Trương Phi chờ Lưu Bị và những người khác sang sông rồi đứng chờ trên cầu Trường Bản.
Ông phá bỏ cầu, cầm mâu nghênh địch. Quân Tào phần sợ Trương Phi, phần ngại ông có kế khác nên không dám sang sông. Nhờ đó, Lưu Bị và thủ hạ chạy thoát đến Hán Tân.
Để tăng thêm sắc thái anh hùng cho Dực Đức, La Quán Trung kể Trương Phi đứng trên cầu, quát to tới mức quân Tào run sợ, Hạ Hầu Kiệt thậm chí vỡ mật mà chết. Đương nhiên, đây chỉ là tình tiết hư cấu của tác giả.
Ông cũng là một trong hai tướng có thể đánh Lữ Bố (người còn lại là Hứa Chử). Ngoài ra, Trương Phi không hề hữu dũng vô mưu như một số người vẫn nghĩ.
Trong trận Trường Bản, Trương Phi chặn được quân Tào một phần nhờ kế cột cành cây vào đuôi ngựa, quét đất bụi mù mịt khiến đối phương sợ có phục binh.
Năm 214, Lưu Bị dẫn quân tiến vào Ích Châu. Trương Phi đụng độ tướng Nghiêm Nhan - thái thú ba quận nổi tiếng trí dũng song toàn.
Trương Phi dụ hàng không thành, sai người tiến đánh nhưng thất bại do quân Nghiêm Nhan dựa vào thành trì ở vùng núi hiểm trở dễ phòng thủ.
Hổ tướng Thục Hán bèn sai lính vào rừng kiếm củi rồi giả vờ bảo đã tìm được cách vượt ải vào thành. Nghiêm tưởng thật, đem quân phục sẵn không ngờ lại trúng kế Trương Phi.
Tuy nhiên, trước sự khẳng khái của Nghiêm Nhan, ông cởi trói, trọng đãi, dụ được Nghiêm Nhan đầu hàng.
Các sử gia nhận định chi tiết này cho thấy Trương Phi không chỉ là người có phong độ của một bậc quân tử, mà còn có con mắt chính trị, nhìn xa trông rộng, chứ không nông cạn, thô lỗ.
Năm 215, Trương Phi một lần nữa dùng kế, tung tin ông say rượu, dụ Trương Cáp lẻn vào trại rồi sai phục binh đánh bại ông ta.
Không chỉ là mãnh tướng hữu dũng, Trương Phi còn có tài thư pháp và vẽ tranh tuyệt đỉnh, đặc biệt là tranh mỹ nhân.
Đao kiếm lục của Đào Hoằng Ảnh đời nhà Lương ghi lại: “Trương Phi khi mới được phong tước Tân Đình hầu, đã sai thợ tôi thép làm một thanh đao, tự tay khắc lời minh: Tân Đình hầu, đại tướng nước Thục. Sau khi Phi bị Phạm Cường giết, cây đao được dâng cho nước Ngô”.
Sau khi lấy ít địch nhiều, đánh bại Trương Cáp, Dực Đức một lần nữa trổ tài văn chương qua lời lẽ hùng tráng khắc trên bia đá ông sai người dựng trên sườn núi Đãng Cừ. “Tướng quân nhà Hán là Phi, suất lãnh một vạn tinh binh đại phá đầu sỏ của giặc là Trương Cáp ở Đãng Cừ, dừng ngựa dựng bia”.
Trong cuốn Họa tủy nguyên thuyên, danh họa kiêm nhà thơ Trác Nhĩ Xương đời Minh có ghi lại Trương Phi thích vẽ người đẹp, giỏi chữ thảo.
Họa sát thân từ tính nóng nảy, thô bạo
Dĩ nhiên, một thân võ nghệ siêu quần, thi họa giỏi của Trương Phi không tự nhiên mà có. Truyện kể hồi nhỏ Trương Phi tính nóng nảy, mấy ông thầy làng không ai dạy nổi. Cậu của Phi giới thiệu ông thầy tên Vương Dưỡng Niên đến dạy.
Ông thầy này vừa dạy văn vừa luyện võ, được Phi rất nể trọng. Mới 13 tuổi, Trương Phi đã tinh thông võ nghệ và thuộc làu sử sách, ông hận đời muốn quét sạch bọn ác để cứu lê dân.
Thầy Vương muốn rèn tính tình Phi, liền nghĩ ra cách dạy học trò hội họa và thư pháp. Phi vốn tư chất thông minh nên chỉ 3 năm sau, thư, hoạ đều tinh thông, nổi tiếng một vùng.
|
Trương Phi cầm trường mâu, cưỡi ô mã trong tranh của họa sĩ Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Ngoài ra, trong Tam Quốc ngoại truyện kể việc vợ Trương Phi thấy tính cách chồng quá nóng nảy, lo sợ ông gặp họa nên cố rèn tính kiên nhẫn. Bà nhời chồng xâu kim trước lúc ra trận để học cách xử sự bình tĩnh hơn.
Tiếc rằng, nóng nảy vốn là bản chất, Phi sửa mãi không được, cuối cùng vẫn chuốc lấy họa sát thân.
Sau khi Quan Vũ bị Tôn Quyền giết, Trương Phi nóng lòng báo thù nhưng chưa có cơ hội nên chán nản, thường xuyên uống rượu và đánh đập quân lính khi họ phạm lỗi.
Năm 221, Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, phong Dực Đức làm Xa kỵ tướng quân kiêm Tư Lệ hiệu úy, cầm quân bản bộ xuất phát từ Lãng Trung đến Giang châu hội binh với Lưu Bị để đánh Đông Ngô, báo thù cho Vân Trường.
Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Trương Phi bắt hai tướng Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ áo giáp trắng để tang Quan Vũ trong thời gian ngắn.
Hai người báo lại việc này khó hoàn thành thì bị Phi sai người đánh đập, ra lệnh nhất thiết phải làm xong.
Lo sợ bị giết, hai người chờ Trương Phi uống rượu, ngủ say rồi lẻn vào trướng, sát hại. Sau đó, Trương Đạt và Phạm Cương trốn sang Đông Ngô.
Trong Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ đánh giá công bằng về danh tướng nhà Thục Hán như sau: “Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Phi bạo mà vô ơn, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.