Vào thế kỷ 9, người Maya rời bỏ thành phố cổ Tikal sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng. Nguyên nhân là do các hồ chứa nước của thành phố bị nhiễm độc thủy ngân và tảo độc bùng phát tại thời điểm mà người dân đang phải vật lộn để sống sót qua mùa khô.
Trong suốt hơn 1.000 năm, thành phố cổ đại Tikal của người Maya là một trong những trung tâm đô thị lớn nhất và quan trọng nhất từng được xây dựng bởi nền văn minh tiền Columbus này. Thành phố Tikal nằm ẩn trong rừng mưa ở phía Bắc Guatemala ngày nay.
Tại Tikal, các nhà khảo cổ đã phát hiện khoảng 3.000 công trình kiến trúc trên diện tích hơn 16 km2 bao gồm các đền thờ, công trình điêu khắc đá, chữ tượng hình, thậm chí là các quảng trường và sân vận động có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên. Trong đó, Đền Tikal IV cao gần 65m là công trình cao nhất trong khu di tích. Công viên quốc gia Tikal được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979.
Nhưng đến cuối thế kỷ 9, Tikal và một số thành phố khác của người Maya đã bị bỏ hoang một cách bí ẩn. Người ta tin rằng nguyên nhân là do tình trạng quá tải dân số, người dân khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hoặc hạn hán kéo dài. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports vào tháng 6/2020, các nhà khoa học tại Đại học Cincinnati (Mỹ) tìm thấy những bằng chứng mới có thể giải thích lý do tại sao người Maya rời bỏ thành phố cổ đại của họ.
Người dân Tikal đã xây dựng các hồ chứa để thu thập và dự trữ nước sau khi nước mưa trở nên khan hiếm trong một đợt hạn hán kéo dài hàng chục năm vào thế kỷ 9. Họ khéo léo tạo ra những quảng trường lớn với đường dốc để dẫn nước mưa vào hồ chứa. Các hồ chứa nhân tạo này đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người dân vào mùa khô do thành phố không gần sông và nguồn nước ngầm thường nằm ở độ sâu hơn 180 m.
Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích mẫu trầm tích lấy từ 10 hồ chứa trong thành phố cổ Tikal. Họ phát hiện nhiều chất ô nhiễm độc hại khiến nguồn nước ở Tikal không thể uống được. Đối với một thành phố lớn dễ bị hạn hán nghiêm trọng, vấn đề nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm có thể là nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư của hàng nghìn cư dân ở Tikal. Vào thời kỳ hoàng kim, thành phố này có dân số lên tới 60.000 người.
“Các hồ chứa nằm ở trung tâm thành phố Tikal từ chỗ là nơi giúp người dân duy trì cuộc sống trở thành nguồn gây bệnh, và đây là lý do chính khiến thành phố tráng lệ này bị bỏ hoang”, David Lentz, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Nguyên nhân khiến hồ chứa nhiễm độc
Kết quả phân tích DNA còn sót lại trong trầm tích cho thấy dấu vết của hai loại tảo lam khác nhau bao gồm Planktothrix và Microcystis. Mặc dù tảo lam sinh sống ở các hồ chứa suốt nhiều thế kỷ, nhưng chúng đã phát triển một cách mạnh mẽ và gây ra hiện tượng tảo nở hoa trong thời kỳ khô hạn nghiêm trọng, ngay trước khi thành phố Tikal bị bỏ hoang.
Vào cuối những năm 800, các hồ chứa ở Tikal chứa nhiều phosphate, chất dinh dưỡng giúp tảo xanh lam sinh sôi nảy nở và sản sinh chất độc. Phosphate bắt đầu tích lũy khi người dân nấu ăn, rửa đĩa gốm và đổ chất thải thực phẩm xuống hồ, làm tăng thêm chất hữu cơ trong nước.
Khi tảo độc bùng phát, các cư dân địa phương nhanh chóng phát hiện có vấn đề với nguồn nước họ thường sử dụng. “Hiện tượng tảo nở hoa khiến nguồn nước trở nên độc hại và mùi vị kỳ lạ. Không ai muốn uống thứ nước đó”, Kenneth Tankersley, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Tảo lam không phải là nguồn chất độc duy nhất. Phân tích cũng cho thấy mức độ cao của thủy ngân trong trầm tích.
Sau khi loại bỏ các nguồn thủy ngân tiềm tàng từ môi trường tự nhiên [thủy ngân phát tán vào nước từ đá gốc bên dưới hoặc đến từ tro núi núi lửa rơi xuống], các nhà nghiên cứu nhận ra rằng chính người Maya là tác nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm thủy ngân.
“Màu sắc rất quan trọng đối với người Maya cổ đại. Họ dùng màu sắc để vẽ tranh, sơn lên tường của các cung điện hoặc đền thờ”, Tankersley nói. Thật không may cho người Maya, thành phần họ thường sử dụng để làm bột màu và chất nhuộm là khoáng vật chu sa (cinnabar), một dạng của thủy ngân sunfua rất độc hại với con người. Người Maya trộn chu sa với oxit sắt để tạo ra loại bột màu đỏ với các sắc thái khác nhau. Họ sơn loại bột này lên tường của những ngôi mộ hoặc công trình lớn. Một ngôi mộ do các nhà khảo cổ từng khai quật chứa tới 9kg bột chu sa.
Giống như nhiều nền văn minh cổ đại khác, người Maya có khả năng biết đến độc tính của chu sa. Vì vậy, họ đã xử lý nó một cách an toàn trước khi sử dụng. Nhưng họ không thể ngờ được rằng, nước mưa theo thời gian đã rửa trôi chất độc từ bề mặt sơn, sau đó chảy vào hồ chứa của thành phố và tích tụ dần.
Thủy ngân ảnh hưởng đến cả tầng lớp giàu có sống xung quanh những đền thờ hoặc cung điện chính ở Tikal. “Các gia đình có thế lực trong thành phố cũng ăn phải thực phẩm nhiễm độc thủy ngân”, nhóm nghiên cứu giải thích. “Nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới cầm quyền, làm tổn hại đến khả năng lãnh đạo hiệu quả của họ.”
Trong cùng khoảng thời gian, khí hậu khô hạn và suy thoái môi trường cũng là vấn đề lớn đối với người Maya. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước uống là nguyên nhân chính khiến một thành phố đang bị hạn hán và ô nhiễm dần trở nên tàn lụi.
“Thiên tai và ô nhiễm cùng lúc xuất hiện chắc hẳn đã khiến người dân cảm thấy hoang mang. Họ bắt đầu nghi ngờ những người cai trị đã thất bại trong việc xoa dịu các vị thần. Khi không thể giải quyết vấn đề nguồn nước và thực phẩm bị nhiễm độc, người Maya sẵn sàng từ bỏ nhà cửa để tìm miền đất hứa khác”, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.