Mary W. Jackson đã vượt qua các rào cản phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới trong khoa học để trở thành nữ kỹ sư người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Vào tháng 6/2020, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức đổi tên trụ sở chính ở thủ đô Washington, D.C là Mary W. Jackson nhằm tôn vinh những đóng góp của nữ kỹ sư da đen đầu tiên làm việc tại tổ chức này. Jackson trở thành kỹ sư vào năm 1958, trùng với thời điểm NASA được thành lập. Mặc dù có ít người biết đến Jackson, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của bà từng là nội dung chính trong bộ phim nổi tiếng “Hidden Figures” (Những người thầm lặng), công chiếu vào năm 2016.
“Chúng tôi trân trọng thông báo tòa nhà trụ sở của NASA từ giờ sẽ mang tên Mary W. Jackson. Bà là một trong số những người phụ nữ rất quan trọng đã giúp NASA đưa các phi hành gia Mỹ vào vũ trụ”, Jim Bridenstine, quản trị viên của NASA, người có văn phòng làm việc ở tầng thứ chín của tòa nhà mới đổi tên, cho biết. “Jackson chưa bao giờ chịu khuất phục trước những định kiến thời bấy giờ. Bà đã giúp phá vỡ các rào cản, mang đến nhiều cơ hội hơn cho người Mỹ gốc Phi và phụ nữ trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ”.
Jackson sinh ra tại Hampton, bang Virginia (Mỹ) vào ngày 9/4/1921. Bà tốt nghiệp Học viện Hampton vào năm 1942 với tấm bằng kép về toán và vật lý. Con đường để bà trở thành kỹ sư của NASA khá dài. Ban đầu, bà tham gia công tác giảng dạy tại một ngôi trường dành cho người Mỹ gốc Phi ở hạt Calvert, bang Maryland. Sau đó, bà làm kế toán ở Học viện Hampton trước khi trở thành một thư ký phục vụ cho quân đội tại cơ sở quân sự Fort Monroe.
Năm 1951, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không (NACA) – cơ quan tiền thân của NASA – tuyển dụng Jackson vào làm việc tại Đơn vị Tính toán Khu vực phía Tây của Phòng thí nghiệm Hàng không Langley (nay là Trung tâm Nghiên cứu Langley). Công việc chính của bà và đồng nghiệp là thực hiện các nghiên cứu toán học, cũng như hỗ trợ các dự án đưa phi hành gia Mỹ vào vũ trụ cũng như tới Mặt trăng. Những đóng góp của họ được tác giả Margot Lee Shetterley đề cập chi tiết trong cuốn sách xuất bản năm 2016 với tựa đề “Hidden Figures: The American Dream and the Untold Story of the Black Women Mathematicians Who Helped Win the Space Race” (Những người thầm lặng: Giấc mơ Mỹ và câu chuyện chưa kể về các nhà toán học nữ da đen đã giúp chiến thắng cuộc đua không gian).
Vào thời điểm đó, NASA chưa có nhiều máy móc hiện đại giống ngày nay nên đa phần các công việc vẫn phải dựa vào con người. Jackson và các cộng sự đôi khi được gọi là “máy tính người”, bởi vì họ làm thay máy tính những công việc phức tạp như giải phương trình toán học, phân tích dữ liệu, tính toán đường đi ngoài không gian của các vật thể,…
Sau hai năm công tác trong nhóm tính toán của Phòng thí nghiệm Hàng không Langley, Jackson nhận được lời mời đến làm việc cho kỹ sư Kazimierz Czarnecki trong Đường hầm áp suất siêu âm 1,2m × 1,2m, một đường hầm gió công suất 60.000 mã lực, có khả năng thổi bay các mô hình máy bay và tàu vũ trụ với sức gió gần gấp đôi tốc độ âm thanh. Tại đây, bà học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức thông qua các thí nghiệm thực tế.
Không lâu sau, Czarnecki đề nghị Jackson tham gia một chương trình đào tạo cho phép bà [từ chỗ là một nhà toán học] trở thành một kỹ sư. “Jackson phải học toán và vật lý nâng cao trong các khóa học sau giờ làm việc do Đại học Virginia quản lý”, NASA cho biết. “Tuy nhiên, các lớp học được tổ chức tại trường trung học Hampton lúc bấy giờ xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc. Vì vậy, Jackson cần giấy phép đặc biệt của thành phố Hampton để tham gia học tập cùng các bạn da trắng trong lớp. Năm 1958, bà hoàn thành các khóa học và trở thành nữ kỹ sư da đen đầu tiên của NASA.”
Trong gần hai thập kỷ sau đó, Jackson trở thành chuyên gia trong lĩnh vực khí động lực học. Bà là tác giả hoặc đồng tác giả nhiều bài báo liên quan đến trạng thái và chuyển động của lớp không khí xung quanh vật thể bay. Đây là những nghiên cứu nền tảng, giúp cho việc thiết kế máy bay và tàu vũ trụ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài những thành tựu về chuyên môn, Jackson còn có nhiều đóng góp trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong khoa học. Năm 1979, bà tham gia Chương trình Phụ nữ Liên bang của Phòng thí nghiệm Hàng không Langley. Bà trở thành người ủng hộ tích cực cho việc tuyển dụng, đào tạo thế hệ các nhà khoa học nữ tiếp theo tại NASA trước nghỉ hưu vào năm 1985.
Jackson qua đời vào ngày 11/2/2005, hưởng thọ 83 tuổi. Năm 2019, bà cùng các đồng nghiệp nữ khác bao gồm Katherine Johnson, Dorothy Vaughan và Christine Darden được nhận Huân chương Vàng của Quốc hội, một trong những giải thưởng dân sự danh giá nhất của Mỹ.
“Tôi rất vinh dự khi NASA tiếp tục tôn vinh những đóng góp của mẹ tôi cho khoa học”, Carolyn Lewis, con gái của Jackson, cho biết. “Bà là một nhà khoa học, người theo chủ nghĩa nhân đạo, một người vợ, người mẹ, một người tiên phong đã mở đường cho hàng nghìn con người khác đạt được thành công, không chỉ ở NASA, mà còn trên cả đất nước này.”
Trụ sở đầu tiên của NASA là tòa nhà Dolley Madison khánh thành vào năm 1958. Nó được đặt theo tên Đệ nhất phu nhân thứ tư của Mỹ - người đã sống ở đó từ tháng 11/1837 cho đến khi bà qua đời vào tháng 7/1849. Sau đó, trụ sở chuyển sang Tòa nhà Liên bang 6 (từ năm 1961 đến năm 1963), Tòa nhà Liên bang 10-B và Tòa nhà Reporters (từ năm 1963 đến năm 1992).
Từ năm 1992 đến nay, trụ sở của NASA nằm ở khu phức hợp Quảng trường Độc lập gồm hai tòa nhà (Two Independence Square) tại Washington D.C. Người ta gọi nó đơn giản là Trụ sở của NASA, và bây giờ đổi tên thành Mary W. Jackson.
Trước đó vào tháng 6/2019, NASA cũng đổi tên con đường đi qua trụ sở chính là Hidden Figures (Những người thầm lặng) nhằm tri ân các nhà khoa học nữ Mary W. Jackson, Katherine Johnson, Dorothy Vaughan. Đây là ba nhà khoa học người Mỹ gốc Phi đã có những đóng góp vượt bậc cho các dự án của NASA trong thế kỷ 20.
“Sự thầm lặng giờ đây không còn nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận các đóng góp của phụ nữ, bao gồm những người Mỹ gốc Phi và mọi tầng lớp khác trong xã hội đã tạo dựng nên lịch sử của NASA”, Bridenstine nói.