Là một chủ đề dễ truyền khẩu, dễ tiếu lâm hóa nhưng có lẽ chưa bao giờ văn hóa tính dục được nhận thức như biến số phức tạp bậc nhất trong cấu trúc văn hóa Việt, xứng đáng bàn luận kĩ lưỡng.

Chuyên khảo của Phạm Văn Hưng chính là một sự “vén màn” các chỗ khó nói, trưng ra được khối tư liệu văn, sử dày dặn mà phần nhiều trong số đó có thể làm thay đổi những am hiểu đại khái của độc giả hôm nay về văn hóa tính dục của cha ông.

.

Dục tính như là nhân tính

Tuy không nêu ra định nghĩa về văn hóa tính dục nhưng Phạm Văn Hưng đã dựa vào quan điểm của nhà nghiên cứu Đàm Đại Chính (Trung Quốc) để dựng một khung khả dĩ cho việc triển khai nghiên cứu của mình. Theo đó, “văn hóa tính dục nghĩa hẹp chỉ các ngành nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc, vũ đạo, điện ảnh, truyền hình” có nội dung liên quan đến tình yêu tình dục. Còn theo nghĩa rộng thì “bao gồm phương thức hoạt động tình dục, khoa học tình dục, giáo dục tình dục, đạo đức tình dục, phong tục cầu hôn, nghi thức cưới hỏi, trang sức, phục sức nam nữ...”

Có thể thấy cốt lõi của văn hóa tính dục, trước hết, chính là sinh hoạt tình dục của con người, một hành vi vừa bản năng vừa được/bị đặt trong những qui chiếu khác nhau, từ đạo đức, giáo dục, khoa học cho đến luật pháp, tôn giáo, chính trị xã hội. Phân tích các phạm trù văn hóa trong đời sống tình dục, vì thế, cần đến những soi chiếu kĩ lưỡng không chỉ trên phương diện nhục năng giữa nam nữ mà còn, chủ yếu và quan trọng, nhìn thấy yếu tố, thiết chế xã hội đã can thiệp, định hình, biểu đạt nó như thế nào. Chính ở đây, những liên đới càng lúc càng mở rộng, rắc rối giữa nhu cầu tình dục và các lực cản ngăn trở nó bành trướng thành một quyền lực khó kiểm soát.

Lựa chọn của Phạm Văn Hưng khi phục dựng văn hóa tính dục Việt Nam thế kỉ X-XIX là dựa vào “tư liệu thành văn” trong lịch sử và văn học. Thao tác này sẽ ít nhất giúp tác giả không bị hút vào văn hóa dân gian, nơi mà tín ngưỡng phồn thực, văn hóa phồn thực vô cùng phong nhiêu, đa dạng mà đến nay nhiều học giả vẫn đang cảm thấy lúng túng nếu muốn khái quát triệt để.

Tư liệu thành văn, dù ít hay nhiều, vẫn cho phép tác giả khai thác nhiều thông tin lâu nay còn khuất lấp hoặc chưa thể tiếp cận, diễn giải thấu đáo. Một đóng góp của cuốn sách, do vậy, là trưng được khối tư liệu văn, sử dày dặn mà phần nhiều trong số đó, tôi nghĩ, sẽ làm thay đổi những am hiểu đại khái của độc giả hôm nay về văn hóa tính dục của cha ông.

Chẳng hạn, theo chỉ dẫn của Phạm Văn Hưng, thời trung đại có hẳn một dòng văn chương “dâm thư” tuy không nhiều nhưng cũng đủ khiến hậu thế giật mình vì mức độ táo bạo, trực diện khi mô tả cảnh ân ái, nhục dục nam nữ. Trong Hoa viên kì ngộ, một tác phẩm khuyết danh thế kỉ XVIII vốn có “tham khảo chi tiết” từ tiểu thuyết sắc tình Trung Quốc, miêu tả chàng Triệu sinh “hoa thơm đánh cả cụm” khi cùng lúc ân ái với hai chị em Lan nương, Huệ nương.

Nhìn nhận hiện tượng dâm thư, theo Phạm Văn Hưng, “dòng chảy này đã thực sự có một lịch sử tiếp nhận đáng mơ ước khiến các chính thể phải ra sức cấm đoán và ngăn cản”. Điều trớ trêu và có lẽ đủ nghịch lí khiến tác giả không khỏi trào tiếu nằm ở chỗ, độc giả tìm đọc dòng văn học ấy “đa phần là đàn ông”, nên dẫu bị phê phán, từ chối công khai hoặc ngấm ngầm, “nhu cầu thưởng thức văn học tình dục là có thực, thậm chí với số đông, còn lớn hơn nhu cầu về những ‘món ăn’ tải đạo, ngôn chí”. Ngay cả một gương mặt ưu tú của “rừng Nho” là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mà vẫn chăm chỉ luyện “nữ đỉnh” (“con gái dùng để làm đỉnh luyện đan”, một kĩ thuật dưỡng sinh trong Đạo giáo) thì khó có thể đòi hỏi thường dân ngoảnh mặt làm ngơ trước các sức hút từ chuyện phòng the.

Trong nghiên cứu của mình, Phạm Văn Hưng nhiều lần lưu ý rằng, văn hóa tính dục ở Việt Nam thời trung đại chịu ảnh hưởng của văn hóa tính dục Trung Hoa. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó, dầu lâu dài và theo nhiều ngõ ngách, vẫn không quá sâu đậm, hay chính xác hơn, vẫn chưa đến mức đặt định khuôn thức cho Đại Việt thực hành theo. Tôi nghĩ, lí do có thể vì tâm tính, văn hóa bản địa của người Việt vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự cả thẹn, nên lựa chọn một tình thế chừng mực hơn.

Dĩ nhiên, trong đời sống bình dân, tình dục và tín ngưỡng phồn thực có thể phóng túng, mạnh mẽ, phô trương. Một chút tinh tế, ý nhị; một đời sống nhọc nhằn mưu sinh; một nền học vấn và khoa học vừa đủ; một xã hội chỉ có vài đô thị nhỏ và tầng lớp quí tộc thường thường bậc trung, tất cả, theo tôi, đã khiến người Việt nghĩ và làm theo cách của mình hơn là bắt chước, mô phỏng tuyệt đối Trung Hoa. Khiêm tốn trong tư duy và thực hành văn hóa tính dục, về cơ bản, cũng là một cách thế tồn tại của người Việt truyền thống.

Giữa luật lệ và thực tiễn

Những qui định nằm lòng “nam nữ thụ thụ bất thân”, một nỗ lực răn dạy vào hàng miệt mài và khó khăn bậc nhất của Nho giáo khi triển khai “lễ về giới hạn giữa nam nữ” nhằm ngăn ngừa, đề phòng những quá trớn/quá đà trong quan hệ nam nữ, đã từng đi vào sinh hoạt thường ngày cũng như luật pháp Việt Nam khá sớm. Theo tác giả, ngoài giai đoạn Lý-Trần không lưu lại nhiều ghi chép và sử liệu về vấn đề này thì đến hậu Lê và nhà Nguyễn, các tư liệu thành văn trở nên phong phú, tầng lớp một cách khá bất ngờ.

Sự chú tâm và có vẻ cương quyết định chế hóa các lời răn của tầng lớp trí thức Nho giáo hoặc các bậc đế vương đã được cụ thể hóa bằng các điều khoản luật định xuất hiện trong Luật Hồng Đức, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức thiện chính thư, Quốc triều chiếu lệnh thiện chính... Không kể những gian dâm, thông dâm, tà dâm đương nhiên bị khép vào trọng tội, ngay cả những trạng thái rất bình thường như “ban đêm con trai con gái ngồi với nhau, dù chỉ trò chuyện” mà cũng “xử tội đồ”; rồi thì “vuốt ve đứa con, tỏ tình yêu mẹ nó là có ý thông dâm thì xử đánh 100 trượng, lưu đày đi châu xa”. Các vụ án liên quan đến các tội trên vì thế cũng rất được giới sử gia Nho giáo ghi chép tỉ mỉ, không chỉ để lên tiếng, cảnh báo mà còn hướng đến gửi gắm nỗi lo lắng, ưu tư về phong hóa suy đồi trong xã hội. Nhìn chung, tuy chỉ là phiên bản thu nhỏ của đạo đức, đạo lí Nho giáo nhưng luật lệ ngăn ngừa vi phạm tình dục ngoài hôn nhân khiến thời trung đại, trong không gian nhỏ hẹp và chằng chịt các lời răn dạy sống tu tề trị bình, luôn xảy ra các tình thế bất công, phi lí và bi hài.

Bi hài nhất có lẽ là các bậc “đế vương”, những người rất thích đặt định “giới luật, thanh qui” nhưng cũng đồng thời là những kẻ “đầu têu” vi phạm trường kì và tự do nhất. Dưới thời Lê sơ, Lê Thánh Tông từng tâm tư với dân chúng rằng “người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có lễ làm khuôn phép giữ gìn” nhưng chính ông vua văn võ toàn tài này cũng không phải “dạng vừa” trong phiêu lưu tình ái chăn gối. Danh sách những ông vua háo sắc, háo dâm và có ý thích “sưu tập” phi tần lấp đầy tam cung lục viện kéo dài từ đời Lý cho đến đời Nguyễn, nghĩa là mười thế kỉ không ngần ngại hoàn thiện phần lí lịch đa thê và đặc quyền tính dục dành cho nam giới.

Nhìn theo hướng này, rõ ràng, các ông vua hoặc rộng ra, nam giới tự miễn trách nhiệm liên quan đến nhu cầu tình dục, và kế đó, tầng lớp trí thức Nho giáo chủ ý diễn đạt hành vi tính dục dưới dạng nối dõi tông đường để che đậy bản chất nhục dục, đã gây nên những bất công, bất bình đẳng giới trầm trọng.

Theo Phạm Văn Hưng, việc đặt ra giới hạn giữa nam nữ, ngoài mục đích giữ gìn phẩm hạnh cho phụ nữ, đạo hạnh cho nam giới, còn xuất phát từ “một nguyên nhân sâu xa liên quan đến địa vị bị xem là ‘thấp kém’ của phụ nữ, do các vấn đề liên quan đến giải phẫu cơ thể, các vấn đề sinh lí đặc thù của phụ nữ nhìn từ quan điểm nam quyền”.

Có lẽ không quá lời khi nói rằng, chính nam giới, đặc biệt là giới quí tộc và có quyền, đã chủ động tạo ra “luật chơi” tình dục của mình và trói buộc phụ nữ vào đó. Nam giới mặc sức năm thê bảy thiếp nhưng không ngừng đề cao và kêu gọi người khác “tuân thủ lối sống thanh tâm, quả dục”. Tính chất hai mặt trong đạo đức và ứng xử của nam giới, có lẽ, được chấp thuận hơn là phản bác, phê phán. Chỉ đến đầu thế kỉ XX, khi nữ quyền, bình đẳng giới bắt đầu đặt ra thì mới xuất hiện các tiếng nói bài xích quan điểm nam nữ thụ thụ bất thân, đa thê, trọng nam khinh nữ trong xã hội cũ.

Luật định rắn chắc đã không loại trừ nạn mại dâm kéo dài và thân phận những đĩ điếm, kĩ nữ, ca kĩ, ca nữ, trong vòng xoáy đó, còn lâu mới được ghi chép đầy đủ. Chuyên khảo của Phạm Văn Hưng dừng lại ở điểm băn khoăn mà chúng ta không khó để đối chứng hôm nay: việc coi phụ nữ là hàng hóa, coi tính dục là vật phẩm trao đổi được hậu thuẫn bởi một loạt thói quen, tập tục. Chừng nào thì thực tế đau lòng ấy thay đổi, hoặc được giải quyết theo hướng hài hòa, nhân văn hơn?