Nằm cách thủ đô Amsterdam của Hà Lan khoảng 9km về phía Tây Nam, Schiphol Airport là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới và đứng top 3 châu Âu.

Vùng đất giữa sân bay Schiphol và khu dân cư. Ảnh: Wikimedia.
Vùng đất giữa sân bay Schiphol và khu dân cư. Ảnh: Wikimedia.

Các số liệu cho biết: mỗi năm Schiphol đón khoảng 71 triệu lượt khách, với hơn 496.000 chuyến bay (số liệu 2019) đến từ/đi tới vô số điểm đến (chủ yếu là quốc tế) – trung bình 1.300 chuyến/ngày, tức cứ gần 1 phút lại có một máy bay cất/hạ cánh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sân bay sẽ vô cùng ồn.

Khi xây dựng đường băng đầu tiên vào năm 1916, quân đội Hà Lan đã chọn khu vực này bởi nó là một vùng đất lấn biển mang tên Haarlemmermeer. Sau nhiều thập niên mở rộng, nơi đây đã phát triển thành một trong những khu vực dân cư đông đúc nhất cả nước. Nhưng cũng vì thế mà tiếng ồn sinh ra từ các hoạt động tại sân bay sẽ gây ra không ít phiền toái.

Trong suốt nhiều năm, cư dân xung quanh đã thường xuyên phàn nàn về những âm thanh khó chịu, cụ thể là tiếng gầm rú không ngớt bởi động cơ mỗi lần máy bay cất cánh. Đây là loại tiếng ồn mặt đất (grownd-level noise), có khả năng lan truyền đi khá xa, nhất là trong điều kiện địa hình bằng phẳng, rộng rãi, không có vật cản (đồi núi, thung lũng, …) chắn giữa đường đi của sóng âm như tại Haarlemmermeer. Năm 2003, khi đường băng dài nhất (3800 m) của Schiphol được đưa vào vận hành, người ta có thể nghe thấy tiếng ồn từ cách đó 28 km.

Cơ chế hội tụ và phân tán của sóng âm tần số thấp. Ảnh: Wikimedia.
Cơ chế hội tụ và phân tán của sóng âm tần số thấp. Ảnh: Wikimedia.

Để khắc phục vấn đề này, lãnh đạo ngành hành không Hà Lan và ban giám đốc sân bay Schiphol đã quyết định tìm đến một ứng viên mà không ai ngờ tới – công ty kiến trúc H+N+S Landscape Architects và nghệ sĩ Paul De Kort.

Ý tưởng kết hợp nghệ thuật cảnh quan trong việc giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật đã xuất hiện khá tình cờ. Năm 2008, sau nhiều nỗ lực kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn thất bại, các quan chức và chuyên gia tại Schiphol phát hiện thấy cường độ của tiếng ồn ở khu vực sau khoảng đất canh tác được cày xới – nằm giữa đường băng và khu dân cư – giảm hẳn.

Vì vậy, Paul De Kort đã đề xuất đào một loạt hàng rào và mương rãnh ở phần phía Tây Nam sân bay, ngay gần rìa đường băng. Khoảng cách giữa các rào gần như tương đương với bước sóng của tiếng ồn phát ra từ sân bay – khoảng 36 feet (10,97 m). Có tất cả 150 rãnh được đào thẳng tắp và cân xứng theo cách hoàn hảo như vậy, với những hàng rào cao 6 foot (1,82 m) xen giữa chúng. Hệ thống tưởng chừng đơn giản, song lại cho hiệu quả giảm thiểu tiếng ồn tới hơn một nửa.

Mỗi phút, sân bay Schiphol lại có một chiếc máy bay cất/hạ cánh. Ảnh: Wikimedia.
Mỗi phút, sân bay Schiphol lại có một chiếc máy bay cất/hạ cánh. Ảnh: Wikimedia.

Phương án do Paul De Kort đưa ra được dựa trên những thí nghiệm của nhà vật lý kiêm nhạc sĩ người Đức thế kỷ 18: Ernst Chladni – người chuyên nghiên cứu về âm thanh và đã đặt nền móng, hay cha đẻ của ngành âm học (acoustics) hiện đại. Trong một thí nghiệm kinh điển, ông đã rắc muối hoặc cát lên bề mặt của một đĩa kim loại, sau đó tạo rung động khiến các hạt tự sắp xếp theo dạng hình học – chính là mẫu Chladni (Chladni Figure).

Công trình cảnh quan nghệ thuật quanh sân bay Schiphol sau này đã được tận dụng để trở thành một công viên rộng 36 ha mang tên Buitenschot. Trong đó, người ta đã làm thêm nhiều lối đi, một làn xe đạp và cả một con đường đi bộ lát đá cắt qua khu vực trung tâm, bên cạnh một mạng lưới đường mòn với cỏ dày đặc giữa các hàng rào.

Khu vực có chức năng chống ồn nay đã được tận dụng để làm thành công viên. Ảnh: Wikimedia.
Khu vực có chức năng chống ồn nay đã được tận dụng để làm thành công viên. Ảnh: Wikimedia.

Ngoài ra, De Kort còn kết hợp bài trí một số tác phẩm mang phong cách nghệ thuật ngay trong công viên, chẳng hạn Listening Ear – vật thể hình đĩa parabol có khả năng khuếch đại âm thanh tới từ rất xa, và Chaldnipond – một ao được đào theo hình dạng viên kim cương, có một cây cầu và hệ thống tạo sóng nước bên dưới.

Hiện nay, các chuyên gia đang tìm cách giảm thiểu tiếng ồn hơn nữa cho Schiphol (mục tiêu giảm tới 10 decibel nữa) như điều chỉnh lịch trình – chẳng hạn, vào một thời điểm nhất định trong ngày, chỉ có những máy bay nào mới được cất cánh; đồng thời yêu cầu các hãng hàng không cập nhật thông tin về đội tàu bay của họ.