Phạm Thị Kiều Ly đã trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết của một nhà nghiên cứu lịch sử văn bản học, trong đó có kỹ năng dịch thuật từ ngôn ngữ cổ, để hoàn thành công trình có thể nói là đầy đủ nhất từ trước đến nay về lịch sử chữ quốc ngữ, với khung thời gian trải dài hơn 300 năm.

Hoàn cảnh lịch sử đã để lại cho tiếng Việt di sản ba hệ thống chữ viết: chữ Hán, được du nhập cùng thời điểm với sự cai trị của Đế quốc Trung Hoa và sự thống trị của nền văn hóa Nho giáo cổ điển; chữ Nôm, một dạng chuyển thể của chữ Hán sang tiếng Việt; và chữ viết La-tinh hóa (chữ quốc ngữ) do các nhà truyền giáo dòng Tên tạo ra đầu tiên.

Việc tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái kiểu La-tinh là một hiện tượng độc đáo trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo ở phương Đông mà lịch sử hình thành và phát triển của nó đã được tác giả Phạm Thị Kiều Ly phục dựng trong công trình Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919).
Cuốn sách do dịch giả Thanh Thư chuyển ngữ, Công ty sách Omega Plus và NXB Văn học ấn hành năm 2024. Nguồn: Omega+
Cuốn sách do dịch giả Thanh Thư chuyển ngữ, Công ty sách Omega Plus và NXB Văn học ấn hành năm 2024. Nguồn: Omega+

Tác giả đã phân tích một cách hệ thống bối cảnh lịch sử, các tư liệu/văn bản và quan điểm của các nhân vật liên quan (nhà truyền giáo, những người sáng lập và không ngừng hoàn thiện chữ quốc ngữ để phục vụ cho các hoạt động của Giáo hội; chính quyền thực dân Pháp, những người sử dụng chữ quốc ngữ để tìm cách củng cố chế độ thuộc địa; các chí sĩ người Việt, những người nhìn thấy ở chữ quốc ngữ một cơ hội quý báu để phổ cập kiến thức và nâng cao dân trí v.v) để giải thích vì sao chữ quốc ngữ độc chiếm vai trò chữ viết chính thức của Việt Nam kể từ năm 1945.

Vì sao tác giả lại chọn khung thời gian 1615 - 1919 để tiến hành nghiên cứu về chữ quốc ngữ? Năm 1615 là năm mà các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đặt chân đến Đàng Trong. Để giao tiếp với người bản xứ, họ đã làm theo một phương pháp học tập chung: soạn ngữ pháp và phiên âm tiếng bản địa sang bảng chữ cái La-tinh. Cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum(Từ điển Việt–Bồ–La) của Alexandre de Rhodes (1593−1660) xuất bản tại Rome năm 1651, được coi là văn bản nền tảng của việc phiên âm tiếng Việt sang bảng chữ cái kiểu La-tinh.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng cột mốc này là cột mốc của lịch sử chữ viết chứ không phải cột mốc của lịch sử truyền giáo. Ký tự đầu tiên ghi tiếng Việt bằng chữ La-tinh là từ Chuua (tước vị chúa – người cai trị xứ Đàng Trong) xuất hiện trong báo cáo vô danh nhan đề Missão de Cochinchina (Sứ mệnh ở Nam kỳ) vào năm 1617.

Nếu chúng ta hiểu từ “đúng chính tả” là việc viết một từ hay một cụm từ chuẩn xác theo một quy tắc nhất định thì theo tác giả Kiều Ly, trước năm 1651, Việt Nam còn chưa có chính tả chữ quốc ngữ bởi (trước mốc này) mỗi nhà truyền giáo lại có một lối ghi âm theo các quy tắc khác nhau. Bản thân Dictionarium của Alexandre de Rhodes cũng thường có hai hay ba cách viết cho cùng một âm tiết. Việc ghi âm tiếng Việt bằng các chữ cái dạng La-tinh diễn ra ở thời điểm trong ngôn ngữ tiếng Việt vẫn còn chứa đựng dấu vết của các tổ hợp phụ âm cho đến nay chỉ còn tồn tại trong các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt Mường. Ngay từ rất sớm, các tu sĩ dòng Tên đã biết lựa chọn chữ cái thích hợp để ghi các phụ âm đầu tiếng Việt.

Với họ, việc ghi hệ thống nguyên âm đặt ra nhiều khó khăn hơn gấp bội và trong thời gian đầu, họ đã phạm rất nhiều sai sót khi ghi âm các vần. Theo tác giả Kiều Ly, điều này có thể giải thích bằng tính đơn âm của tiếng Việt đòi hỏi một sự tuân thủ nghiêm ngặt các đối lập về âm vị và một hiểu biết phong phú về âm điệu trong ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, một thay đổi nhỏ về độ mở nguyên âm cũng có thể dẫn đến những thay đổi ngữ nghĩa.

Kể từ năm 1658, với sự xuất hiện của các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, để phục vụ nhu cầu đào tạo hàng trăm giáo sĩ bản xứ, ngoài một trường Tổng ở Ayutthaya (Xiêm La) còn có rất nhiều chủng viện nhỏ ở Đàng Ngoài được thiết lập. Và từ năm 1685, khi chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các văn bản báo cáo của các linh mục người Việt, việc chuẩn hóa ngữ pháp lại càng trở nên cấp thiết hơn. Chính trong quá trình nghiên cứu và phân tích âm vị học lịch sử của tiếng Việt, tác giả Kiều Ly đã bộc lộ các phẩm chất của một nhà ngôn ngữ học. Cô đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng sở dĩ phương pháp ghi tiếng Việt của các tu sĩ dòng Tên không có sự thống nhất trong một thời gian dài, đó không chỉ là do các tài liệu viết mà họ sử dụng không đồng nhất mà còn có nguyên nhân họ đã ghi ngôn ngữ từ những người đến từ các vùng miền khác nhau của Đại Việt. Các biến thể mà tác giả cố gắng xác minh một cách có hệ thống giờ đây hầu như không còn tồn tại nữa. Từ điển của Alexandre de Rhodes và tất cả thủ bản mà tác giả đã nghiên cứu, một lần nữa buộc cô phải dựng lại từ đầu tiến trình phát triển của hệ thống âm vị học và những biến thể phương ngữ của nó.

Đến năm 1772-1773, khi giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và các học trò soạn cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum (từ điển Việt – La-tinh, được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838), họ có may mắn chỉ cần sử dụng các chữ cái đã có mà không cần phải sáng tạo thêm ký tự mới.

Năm 1858, việc người Pháp chiếm đóng Nam Kỳ đã làm thay đổi sâu sắc tình hình chính trị, ngôn ngữ và văn hóa ở Việt Nam. Chữ “quốc ngữ” không chỉ được dùng hạn chế trong các hoạt động của Giáo hội mà còn được đưa vào trong hoạt động giáo dục ở Nam Kỳ, sau đó là ở Bắc Kỳ rồi toàn cõi An Nam (1884−1885) và trở thành ngôn ngữ chính thức cho việc soạn thảo các văn bản hành chính (1882).

Với sự hỗ trợ tích cực của giới trí thức Việt Nam, chữ quốc ngữ đã được truyền bá rộng rãi với mục đích chống mù chữ. Sau khi bãi bỏ chế độ thi cử để tuyển dụng quan lại vào năm 1919, chữ quốc ngữ chính thức thay thế chữ Hán trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội Việt Nam.

Cần lưu ý rằng việc La-tinh hóa tiếng Việt không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới, mà thuộc về một trào lưu phổ quát mang tính toàn cầu. Sau thời kỳ Phục hưng, các nhà truyền giáo, với kiến thức cơ bản về ngữ pháp tiếng La-tinh (được học ở chủng viện) đã được cử đi truyền giáo ở mọi vùng của “Tân Thế giới”. Trước nhu cầu giao tiếp với người bản xứ, các nhà truyền giáo đã phải học ngôn ngữ của họ và phiên âm chúng sang tiếng La-tinh và tạo dựng mô hình ngữ pháp kiểu La-tinh cho chúng. Dẫu rằng việc La mã hóa ngôn ngữ bản địa là một trào lưu mang tính toàn cầu - ở châu Á, nó xuất hiện cả ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng chỉ thành công ở Việt Nam.

Thành công của chữ viết tiếng Việt La-tinh hóa (điều chưa từng có trong thế giới các quốc gia từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa) là kết quả của hai mong muốn song song tồn tại: tầng lớp cai trị thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ dàng hơn và các học giả Việt Nam muốn kết hợp văn hóa Việt – Pháp.

Cụ thể, năm 1864, thống đốc Nam Kỳ lúc đó - Đô đốc de la Grandière - ra quyết định đưa chữ quốc ngữ vào để giảng dạy tại các trường học. Kết quả thật phi thường: 300 trẻ em có thể viết và 600 trẻ em có thể đọc chỉ sau ba tháng học; trong khi với chữ Hán, để có được trình độ tương đương, trẻ phải mất ít nhất 10 năm.

Các học giả được nhà thờ đào tạo như Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) hay Huỳnh Tịnh Paulus Của (1834-1907) cũng hiểu rất rõ giá trị của chữ quốc ngữ trong việc giáo dục dân chúng. Theo Trương Vĩnh Ký thì “quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước, vì vậy chúng ta nên tìm cách phổ biến chữ viết này bằng mọi cách” (tr 306). Ủng hộ việc phổ biến chữ quốc ngữ nhưng Trương Vĩnh Ký cũng không tán đồng việc bãi bỏ hoàn toàn việc học chữ Hán và chữ Nôm, ông đánh giá cao vai trò của tiếng Hán trong việc hình thành kho từ vựng Hán-Việt và tầm quan trọng của việc hiểu tiếng Hán trong việc tìm hiểu di sản văn hóa của người Việt. “Petrus Ký ủng hộ dạy chữ quốc ngữ nhưng cũng khuyến khích dạy chữ tượng hình như một chữ viết chung đặc thù cho ngôn ngữ mẹ” (tr.306).

Những người phản đối việc sử dụng chữ quốc ngữ trong thời kỳ này phần lớn là các nhà nho đã theo học nền giáo dục cổ điển mà điển hình là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Đại diện cho kiểu sĩ phu truyền thống, Nguyễn Đình Chiểu khước từ mọi ý tưởng đến từ các nền văn hóa và văn minh ngoại quốc, kể cả những giá trị tiến bộ. Chữ quốc ngữ, theo Nguyễn Đình Chiểu, chỉ đơn giản là chữ của quân xâm lược Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ XX, xuất hiện một thế hệ người Việt được đào tạo tại các trường Pháp bản xứ và có điều kiện tiếp xúc với các tác phẩm của các triết gia Khai Sáng như Rousseau hay Montesquieu và qua đó họ khám phá ra các giá trị tự do và nhân quyền và họ mau chóng hiểu rằng cần phải canh tân để phát triển đất nước. Ở miền Trung, đó là Duy Tân Hội do Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng (1906). Ở miền Bắc, đó là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) với sự tham gia của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế và Đằng Nguyên Cẩn. Cả hai phong trào đều có mục đích truyền bá kiến thức khoa học và văn hóa, dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Thông qua những hoạt động này, chữ quốc ngữ đã được lan truyền mạnh mẽ trên diện rộng và góp phần đắc lực vào việc nâng cao kiến thức và lòng yêu nước trong tầng lớp lao động.

Như tác giả Kiều Ly nhấn mạnh: “trường hợp chữ viết hệ La-tinh của tiếng Việt không phải là một cuộc chuyển đổi đơn thuần từ mẫu tự này sang mẫu tự khác trong cùng một hệ thống (như từ chữ Hán sang chữ Nôm), việc tạo ra chữ viết cho một ngôn ngữ đã có văn tự như trường hợp Việt Nam chính là sáng tạo ra một thứ kỹ thuật mà chính nó tiền giả định ít nhiều một cách có ý thức…”. Ở đây, tác giả muốn nhắc đến việc các nhà truyền giáo dòng Tên và sau đó là các giáo sĩ Hội thừa sai Paris ngoài việc tạo ra bảng chữ cái, họ còn tiến hành những công trình mô tả tiếng Việt – tất cả đều liên quan đến tiến trình “mô tả và cung cấp công cụ cho ngôn ngữ dựa trên hai nền tảng căn bản là ngữ pháp và tự điển” (tr32).

Để thực hiện công trình mà GS Dan Savatovsky nhận xét là được đặt “trong một phạm vi lớn hơn phạm vi của lịch sử và phạm vi của các hệ chữ viết”, tác giả đã dày công trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết của một nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử văn bản học – bao gồm tìm kiếm, giải mã, phân loại, sắp xếp, dịch thuật từ ngôn ngữ cổ, phân tích các bản dịch v.v. Bên cạnh những nguồn tài liệu in nằm rải rác trong các văn khố ở Roma, Paris, Lisbon, Ávila, và Madrid, nguồn tài liệu lưu trữ viết tay của các nhà truyền giáo (thư trao đổi, báo cáo sự vụ, chuyên luận về văn phạm, các dạng thông báo khác nhau) trong các kho lưu trữ của tòa thánh mà Kiều Ly là người Việt đầu tiên khai thác nghiên cứu, tạo thành mảng tư liệu quan trọng bậc nhất cho công trình này. Có thể khẳng định, Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) là một thành tựu nghiên cứu đầy đủ nhất từ trước đến nay về lịch sử chữ quốc ngữ, với khung thời gian trải dài hơn 300 năm. Cuốn sách này còn là một công trình thực sự về ngôn ngữ học lịch đại, nghiên cứu các vấn đề xoay quanh hiện tượng biến đổi ngôn ngữ, mà dù nhiều kết quả cụ thể đã hiện diện trong luận án của cô nhưng để tránh làm nản lòng bạn đọc không chuyên về ngôn ngữ, tác giả chủ động không đưa vào cuốn sách.


Phạm
Tác giả Kiều Ly tại Place de la Sorbonne trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Nguồn: Người đô thị

Năm 2008, sau khi lấy bằng Thạc sĩ Khoa học Ngôn ngữ tại Đại học Lumière Lyon 2, Phạm Thị Kiều Ly trở về Việt Nam và trở thành giáo viên tiếng Pháp tại Hà Nội. Cô gia nhập nhóm Cánh Buồm của nhà sư phạm Phạm Toàn, tham gia biên soạn sách giáo khoa phổ thông nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy-học ngoại ngữ. Trong các cuộc thảo luận về lịch sử chữ quốc ngữ, cô nhận thấy những thành viên trẻ hơn trong nhóm, giống như phần lớn thanh niên Việt Nam, hầu như không biết gì về lịch sử chữ viết mà họ sử dụng. Kiều Ly bắt đầu nghiên cứu các ấn phẩm về lịch sử chữ viết tiếng Việt được La-tinh hóa và chọn đó làm đề tài cho luận văn tiến sĩ của mình.

Đề tài luận văn của cô đã được Đại học Sorbonne Nouvelle chấp nhận (2013) và cô may mắn được Giáo sư Dan Savatovsky, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực, hướng dẫn. Cuốn "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)" được biên soạn và chỉnh lý từ bản luận án này, đã được NXB Indes Savantes xuất bản năm 2022 và NXB Văn học xuất bản mới đây. Năm 2020, Phạm Thị Kiều Ly cũng được trao giải luận án xuất sắc của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á).



Tài liệu tham khảo:

Thị Kiều Ly Phạm and Mariangela Albano: The Romanized writing of Vietnamese: A unique case in the Far East,