Tương tự, ngay cả khi một loại thuốc không thực sự hiệu quả, bệnh nhân sẽ hài lòng khi họ nghĩ rằng đang được điều trị và dần khỏi bệnh.
Tâm lý này dẫn đến việc các bác sĩ kê đơn thuốc “giả”, hoặc những loại thuốc mà họ tin rằng “kém hiệu quả” hoặc “không hiệu quả” cho các bệnh nhân vô phương cứu chữa để làm cho họ an tâm và cảm thấy tốt hơn.
Người đầu tiên sử dụng thuật ngữ giả dược trong điều trị y tế vào thế kỷ 17 là bác sĩ người Anh Robert Pierce. Năm 1697, ông xuất bản cuốn sách “Bath memoirs: or, Observations in Three and Forty Years Practice”, trong đó ông mô tả việc bắt gặp một thầy lang sử dụng phương pháp tắm và uống nước tắm để điều trị cho bệnh nhân, thay vì áp dụng các phương pháp điều trị thật sự.
Tranh biếm họa về một thầy lang đang điều trị cho bệnh nhân bằng máy kéo Perkins. Ảnh: James Gillray
Trong suốt thế kỷ 18, các bác sĩ bắt đầu kê đơn thuốc giả dược để thỏa mãn nhu cầu, đáp ứng kỳ vọng của một số người mắc bệnh nan y [bệnh không thể chữa khỏi], và bác bỏ những tin đồn về việc thầy thuốc từ chối kê đơn chữa bệnh.
Đến năm 1811, một bác sĩ người Anh khác tên là Robert Hooper lần đầu tiên đưa thuật ngữ giả dược vào cuốn từ điển y học mang tên Quincy’s Lexicon-medicum. Trong từ điển này, Hooper định nghĩa giả dược là bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng với mục đích chính là giúp cho tâm trí bệnh nhân thoải mái, cho dù phương pháp điều trị có hiệu quả hay không.
Ban đầu, các phương pháp điều trị giả dược không được nhiều người nhìn nhận một cách tích cực. Thậm chí bác sĩ người Mỹ Richard Cabot còn cho rằng giả dược là một hình thức lừa đảo. Tuy nhiên, những người khác lại tranh luận về “nghịch lý giả dược”. Theo đó, mặc dù việc sử dụng giả dược có vẻ phi đạo đức, nhưng việc không sử dụng một phương pháp điều trị hiệu quả cũng là phi đạo đức. Nếu phương pháp giả dược mang lại hiệu quả trong một số trường hợp, tại sao bác sĩ không nên sử dụng chúng?
Bác sĩ người Anh John Haygarth là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về việc nghiên cứu hiệu ứng giả dược để điều trị cho bệnh nhân. Năm 1799, Haygarth tình cờ được người khác giới thiệu một thiết bị y tế mới gọi là máy kéo Perkins (Perkins tractors). Ngày nay, khi đề cập đến máy kéo, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một chiếc xe trong nông trại. Nhưng máy kéo Perkins là một thiết bị hoàn toàn khác. Cấu tạo của nó bao gồm những thanh kim loại (thép, đồng thau) được cho là có khả năng “hút bệnh ra khỏi cơ thể” thông qua chất lỏng dẫn điện. Khi chà xát các thanh kim loại lên vùng da bị viêm hoặc đau, bệnh nhân sẽ cảm thấy bớt đau đớn. Thiết bị này phổ biến vào thời điểm đó đến mức ngay cả Tổng thống Mỹ George Washington cũng sở hữu một bộ máy kéo Perkins để dùng cho mục đích cá nhân.
Do không tin tưởng vào thiết bị mới, Haygarth đã điều trị cho bệnh nhân bằng cả máy kéo Perkins thật và máy kéo Perkins giả bằng gỗ mà ông tự chế tạo trông giống hệt như thật. Ông phát hiện bốn trong số năm người mắc bệnh thấp khớp sau khi điều trị bằng máy kéo giả đều cảm thấy tình trạng sức khỏe tốt hơn sau khi sử dụng. Ông rất hứng thú với kết quả thí nghiệm, cũng như suy đoán rằng máy kéo có thể không hoạt động nhờ điện, mà là do “đức tin”.
Trong suốt thế kỷ 19 và 20, các bác sĩ khác đã tiến hành thí nghiệm giả dược của riêng họ để kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị khác nhau. Trong nhiều trường hợp, họ nhận thấy giả dược thậm chí còn hoạt động tốt hơn một số phương pháp điều trị y tế mới, bởi vì các phương pháp điều trị thực tế đôi khi gây ra tác dụng phụ có hại, trong khi giả dược thì không. Nổi bật trong số đó là dược sĩ nổi tiếng người Pháp Emile Coué, người đặc biệt đề cao tác dụng của giả dược. Ông đã áp dụng nó đối với nhiều bệnh nhân và nhận được các phản hồi tích cực. Ông thậm chí đã mô tả các kết quả điều trị bệnh trong cuốn sách “Self-Mastery Through Conscious Autosuggestion” được xuất bản vào năm 1920.
Nhiều người dân biết đến các kiến thức và thông tin liên quan đến hiệu ứng giả dược kể từ đầu thế kỷ 20, do sự phát triển của việc in ấn giá rẻ và truyền thông ở khoảng cách xa. Trong số đó phải kể đến một bài báo được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet vào năm 1920. Henry Beecher, bác sĩ gây mê tham gia Thế chiến II, đã biết đến hiệu ứng giả dược khi đọc bài báo này và tận mắt chứng kiến nó trong suốt cuộc chiến. Cụ thể, khi thuốc morphine không còn trên chiến trường, các y tá giả vờ tiêm morphine cho binh lính bị thương. Kết quả là binh lính cảm thấy cơn đau dịu lại. Trên thực tế, họ chỉ được tiêm nước muối.
Năm 1955, Beecher công bố bài báo nổi tiếng “The Powerful Placebo” trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, trong đó ông tuyên bố rằng 35% bệnh nhân cải thiện các triệu chứng liên quan đến nhận thức về cơn đau hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, sau khi dùng giả dược.
Trong khi kết luận trong bài báo của Beecher có vẻ rất khả quan, các nhà nghiên cứu ở thập niên 1990 đã tỏ ra hoài nghi về kết quả này. Theo họ, một số tình trạng sức khỏe mà Beecher quan sát có thể là do cơ thể người bệnh tự chữa lành theo thời gian. Điều này nghĩa là hiệu ứng giả dược không phải yếu tố duy nhất giúp cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, giả dược chủ yếu được sử dụng để điều trị những căn bệnh liên quan đến vấn đề nhận thức. Việc dùng nó để điều trị các bệnh không liên quan đến nhận thức như ung thư, phình động mạch có thể sẽ không hiệu quả, thậm chí là phi đạo đức.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu thường cân nhắc đến hiệu ứng giả dược khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Nếu nhóm bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị mới có kết quả thử nghiệm tốt hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (những người tham gia điều trị bằng giả dược), người ta có thể kết luận rằng loại thuốc mới, hoặc phương pháp chữa bệnh mới thực sự có tác dụng.
Theo Ancient Origins