Nếu bạn nhắc đến Đại học Kyoto với người Nhật, rất có thể họ sẽ nghĩ ngay tới một trường có nhiều giải Nobel nhất trong tất cả các trường tại châu Á.

Được thành lập năm 1897 – muộn hơn ĐH Tokyo 20 năm2, ĐH Kyoto ra đời cũng là để thách thức3 ngôi trường này, như tuyên bố của ngài Hiroji Kinoshita (1851 – 1910, chủ tịch đầu tiên) trong lễ nhậm chức: “ĐH Kyoto được sáng lập trên cơ sở tôn trọng tính độc lập và tinh thần tự chủ của người học nhiều hơn ĐH Tokyo”.

Đại học Kyoto, biểu tượng học thuật của Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Về mặt tổ chức và thiết kế chương trình ngay từ những ngày đầu, trong khi ĐH Tokyo áp dụng quy định về số năm đại cương (VD: 2 năm) mà các sinh viên có điểm trung bình dưới 40% sẽ bị đuổi học, thì ĐH Kyoto lại ban hành hệ thống tín chỉ (credit) – cho phép sinh viên được ghi danh học lại – cùng hình thức phạt linh hoạt hơn, bao gồm 3 cấp độ (khiển trách, đình chỉ và đuổi học) thay vì chỉ đuổi học như ĐH Tokyo. Ngoài ra, các phân khoa tại ĐH Kyoto cũng được trao quyền tự chủ rất lớn (bắt đầu từ Khoa Luật rồi lan rộng), cho phép sinh viên tự do lựa chọn bất cứ khóa học nào mà họ thích – miễn là phải thông báo với giáo sư phụ trách và được chấp thuận, bên cạnh việc lên lớp, làm bài kiểm tra hay tham gia đánh giá, xếp loại,… Sinh viên trường Khoa học ĐH Kyoto thậm chí còn không bị giới hạn thời gian tốt nghiệp; ngay cả khi đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu [để được tốt nghiệp] thì trường cũng không có quyền bắt họ rời đi,...

Cố giáo sư Hideki Yukawa (1907 – 1981), người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel Vật lý (năm 1949). Ảnh: Wikimedia.
Triết gia đạo đức và tôn giáo Kitaro Nishida (1870 – 1945), được xem là người sáng lập Trường phái Kyoto (Kyoto School). Ảnh: Wikimedia.

Quy trình xét tuyển vào ĐH Kyoto cho sinh viên nước ngoài được đánh giá là linh hoạt hơn nhiều so với hầu hết những đại học khác ở Nhật Bản – vốn nổi tiếng bảo thủ, thường đòi hỏi ứng viên phải có thư tiến cử hoặc bảo lãnh của giáo sư. Đó không còn là yêu cầu bắt buộc tại ĐH Kyoto và ứng viên có thể trực tiếp nộp đơn cho trường. Có một số ý kiến quan ngại cho rằng sự thoải mái như vậy có thể dẫn đến tình trạng thiếu bài bản, nguyên tắc và khó đảm bảo chất lượng, song giới hữu trách của ĐH Kyoto dường như không mấy lo lắng. Họ tin tưởng những người đã được nhận vào đây để học thì đều sở hữu khả năng phán đoán cùng năng lực tư duy độc lập.

Theo truyền thống, ĐH Tokyo thường thiên về đào tạo quan chức cao cấp, các lãnh đạo khu vực dân sự và có mối liên hệ mật thiết với chính quyền. Tuy nhiên, mục tiêu của ĐH Kyoto lại hoàn toàn khác khác – họ muốn thách thức hệ thống đó, với niềm tin rằng chỉ như vậy thì mới có tự do học thuật. Giáo sư tại Kyoto hay được miêu tả là mang phong cách rất riêng so với những nơi khác. Họ cũng thường bị cho là “mạnh lý thuyết hơn thực tiễn, song đặc biệt kiên trì, luôn thích theo đuổi những vấn đề học thuật thuần túy và tự hào vì điều đó, cho dù người khác có quan tâm hay không,…” Phải chăng đó cũng chính là lý do khiến ĐH Kyoto sản sinh ra nhiều chủ nhân giải Nobel (hoặc danh hiệu tương đương) đến vậy? – một câu hỏi rất đáng suy ngẫm. Nhưng một sự thật hiển nhiên là sau hơn 100 năm, ĐH Kyoto đã tự xác lập được vị thế của mình như một pháo đài học thuật vững chắc và được tôn kính nhất nước Nhật, thậm chí cả thế giới.

Bên cạnh môi trường học thuật đẳng cấp, bầu không khí yên bình cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời quanh ĐH Kyoto chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó phai mờ đối với những ai có may mắn được đến đây học tập và làm việc. Theo nhận định của một cựu nghiên cứu sinh PhD đến từ Đài Loan thì “Kyoto đẹp đến nao lòng, con người thân thiện và dễ mến. Tuy nhiên, ai đến đây cũng đều dốc sức vào việc học chứ không phải chìm đắm vì điều đó”4.

Chú thích
1. So với Đại học Kyoto thì ĐH Tokyo có tổng cộng 10 người (cựu sinh viên hoặc thành viên khoa, viện nghiên cứu) đoạt giải Nobel, bao gồm 2 Nobel Văn chương, 1 huy chương Fields và một giải Gauss.
2. Kyoto University (京都大学 hay Kinh Đô Đại học) và University of Tokyo (東京大学 tức Đông Kinh Đại học) là hai trường lớn và quan trọng nhất thuộc hệ thống 9 Đại học Đế quốc Nhật Bản (được thành lập trong thời kỳ 1886 – 1939), bao gồm: Tokyo, Kyoto, Tohoku, Kyushu, Hokkaido, Osaka, Nagoya (đặc trên đất Nhật), Keijo (Triều Tiên – tiền thân của ĐH Quốc gia Seoul) và Taihoku Imperial University (Đài Loan – tiền thân của ĐH Quốc lập Đài Loan).
3. Giống như truyền thống bên Âu Mỹ, ĐH Cambridge ra đời là để thách thức vị thế của Oxford, Stanford hay Yale được sáng lập để cạnh tranh với Harvard. Có câu chuyện vui rằng các giáo sư và sinh viên Stanford thường tìm cách hạ thấp Harvard bằng khẩu hiệu: “Harvard là Stanford ở miền Đông”; trong khi giáo sư và sinh viên Harvard cũng làm điều tương tự khi nói: “Stanford là Harvard ở miền Tây”.
4. Jackie Chen (1990), Kyoto University: Japan’s Academic Powerhouse, Taiwan Panorama.