Không chỉ cung cấp những hiểu biết tổng quan về thời Phục Hưng – thời kỳ được xem như cái nôi của thế giới hiện đại – cuốn sách “Phục Hưng - Một dẫn nhập” của Jerry Brotton còn mang đến một cái nhìn mới mẻ và công bằng hơn, khi chất vấn các định kiến mà phương Tây gán cho giai đoạn đó.

Ngày nay, từ “Phục Hưng” (Renaissance) thường được dùng để chỉ một chuyển biến sâu rộng về văn hóa, chính trị, nghệ thuật và xã hội ở Châu Âu, diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1400 đến 1600. Theo sử gia Jules Michelet – người đặt ra thuật nữ này vào năm 1855 – cuộc lột xác ấy bắt nguồn từ phong trào phục hồi các di sản tri thức và nghệ thuật của nền văn hóa Hy Lạp - La Mã, vốn từng bị lãng quên trong thời Trung cổ. Michelet tin rằng trong thời Phục Hưng, con người đã khám phá thế giới – với Columbus, Copernicus, Galileo – và khám phá chính mình – với Rabelais, Montaigne, Shakespeare... Phục Hưng – cái nôi của chủ nghĩa cá nhân – là một giai đoạn tuyệt vời của Lý Trí, Sự Thật, Nghệ Thuật và Cái Đẹp.

Jerry Brotton là giáo sư tại ĐH Queen Mary, London, chuyên nghiên cứu về lịch sử tri thức và văn hóa thời Phục Hưng. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Ảnh: Tbosphorusreview.com
Jerry Brotton là giáo sư tại ĐH Queen Mary, London, chuyên nghiên cứu về lịch sử tri thức và văn hóa thời Phục Hưng. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Ảnh: Tbosphorusreview.com

Nhưng trong cái nhìn của Michelet, phải chăng “con người” chỉ là người da trắng Công giáo phương Tây? Jerry Brotton đã dành lời giới thiệu của cuốn sách để chất vấn ý tưởng này, khi ông điểm lại những định nghĩa về thời Phục Hưng từng xuất hiện trong lịch sử học thuật. Nếu các sử gia trước thập niên 1960 có xu hướng nhìn Phục Hưng như cái nôi của một “hệ giá trị phổ quát” về con người, mà phương Tây Công giáo đã “tìm ra” rồi truyền cho các nền văn minh khác, thì các nhà nghiên cứu sau này chỉ xem nó như tiền đề cho thời Hiện đại của chúng ta. Đặc biệt, quan điểm của mỗi sử gia về thời Phục Hưng dường như minh họa cho các mối quan tâm thời sự của họ lúc sinh thời – từ nỗ lực hồi thế kỷ XIX để biện minh cho chủ nghĩa dân tộc Pháp và chủ nghĩa thực dân Châu Âu, cho đến các cố gắng trong thế kỷ XX để cứu sống lý tưởng dân chủ trong hai cuộc Thế chiến.

Sau năm 1960, chịu ảnh hưởng từ quan điểm hậu cấu trúc và hậu hiện đại, nhiều nhà nghiên cứu đã hoài nghi những “đại tự sự” về cuộc tiến hóa của nhân loại trong thời Phục Hưng. Kế thừa sự hoài nghi này, cuốn sách của Brotton đã trình bày một bức tranh hoàn toàn khác.

Trước hết, trái với tưởng tượng của đa số người thời nay, dường như động lực chính của các thay đổi trong thời Phục Hưng là ham muốn tiền bạc và quyền lực, chứ không phải là lòng yêu chuộng tự do và cái đẹp. Trong Chương 2, Brotton chỉ ra rằng các học viên thời Phục Hưng được hứa hẹn hai lợi ích từ việc nghiên cứu văn bản cổ: một là hiểu biết về con người để sống đạo đức hơn, hai là có những kỹ năng cần thiế t để ứng tuyển vào các công việc bàn giấy hoặc nghề đi biển. Chẳng hạn, trong một bài giảng nhập môn về Cicero, nhà nhân văn Guarino Guarini khuyên sinh viên học triết học và thuật hùng biện để “cai quản gia đình và những cơ quan chính trị của chúng ta”. Ông hứa hẹn rằng khi họ học xong, thành phố sẽ công nhận họ, đem đến cho họ “vinh quang và niềm hoan lạc”.

Vì xuất phát từ tinh thần cạnh tranh, những tiến bộ của thời Phục Hưng không tách rời những rạn nứt trong xã hội. Khi Giáo hoàng Martin V chấm dứt cuộc ly giáo có tính bè phái và quay về Rome năm 1420, ông và những người kế tục đã khởi đầu một chương trình xây dựng đầy tham vọng, kéo dài 150 năm, để lấy lại uy thế của Giáo hội trong mắt dân chúng. Mỉa mai thay, để chi trả cho những công trình kỳ vĩ được thiết kế và trang hoàng bởi Alberti, Bramante, Raphael, Michelangelo…, Giáo hoàng đã bán cho những người giàu có “lệnh miễn tội”, giúp họ được miễn cả những tội mà họ phạm sau thời điểm mua giấy này. Sự bất công ấy đã làm vỡ mộng nhiều người, bao gồm giáo sĩ Martin Luther, khiến họ dấy lên cuộc Kháng Cách bác bỏ uy quyền của Giáo hội, từ đó mở ra các nhà nước thế tục và những năm chiến tranh đẫm máu. Qua những ví dụ như vậy ở Chương 3, Brotton mô tả một thời Phục Hưng đua tranh sôi động – khi những cải cách khác nhau có thể xuất phát từ những thế lực kình địch nhau, khác với góc nhìn quen thuộc rằng Phục Hưng là một phong trào tư tưởng đồng nhất.

Cuốn sách
Cuốn sách của Jerry Brotton được xuất bản ở Việt Nam năm 2019. Ảnh: NVH

Chương 1, 4 và 5 của cuốn sách cũng chỉ ra một sự thật thường bị che khuất: Phục Hưng không phải là một phong trào thuần túy phương Tây. Sau khi đế chế Tây La Mã sụp đổ, các di sản nghệ thuật và học thuật của thế giới Hy Lạp - La Mã cổ đại đã được gìn giữ và phát triển bởi những người Hồi giáo và đế quốc Đông La Mã (Byzantine), trước khi được người phương Tây thời Phục Hưng tái phát hiện. Nhiều học giả phương Tây có đóng góp quan trọng trong thời Phục Hưng – như Fibonacci, Copernicus và Vessalius – thực ra đã kế thừa những nghiên cứu dang dở của các học giả Hồi giáo mà họ ngưỡng mộ. Từ việc Venice, Bồ Đào Nha và Castalia tranh quyền buôn bán với các nước Hồi giáo, Ấn Độ, đến việc thánh đường St Peter mô phỏng kiến trúc của thánh đường Hồi giáo Hagia Sophia ở Thổ Nhĩ Kỳ – tất cả đều cho thấy Phục Hưng là một hiện tượng toàn cầu, và đã được thai nghén ở phương Đông trước khi phương Tây nhập cuộc.

Phần cuối Chương 4 hé lộ một góc khuất của thời Phục Hưng, là cuộc đại diệt chủng mà các đoàn thám hiểm người Châu Âu gây ra ở Châu Mỹ. Brotton viết: “Những ước tính dè dặt nhất tính rằng, trong số khoảng 400 triệu dân của thế giới vào năm 1500, có khoảng 80 triệu sống ở Châu Mỹ. Vào năm 1550, dân số Châu Mỹ chỉ còn 10 triệu. Đầu thế kỷ XVI, dân số Mexico ước tính là 25 triệu, giảm xuống còn 1 triệu vào năm 1600. Những bệnh tật Châu Âu như đậu mùa, sởi đã quét đi phần lớn dân bản địa, nhưng những cuộc chiến tranh, tàn sát và sự đối xử tàn bạo khủng khiếp cũng lấy đi nhiều mạng người”. Sau nạn diệt chủng là chế độ nô lệ. Để khai phá một Châu Mỹ đã kiệt quệ, người Châu Âu đã mua nô lệ da đen, từ đó làm lụi bại các cộng đồng ở Châu Phi như lời thú nhận của giáo sĩ Motolinía, chính lòng tham, chứ không phải lòng nhiệt tình khám phá hay truyền đạo, đã thôi thúc người ta gây ra những tội ác khủng khiếp đó.

Cuốn sách cũng dành dung lượng đáng kể để mô tả một đối tượng bị gạt ra ngoài lề trong thời Phục Hưng: phụ nữ. Dù những phụ nữ giàu có được tiếp cận giáo dục, và được tô vẽ thành những nàng thơ hoàn hảo trong thứ văn lãng mạn kiểu Petrarca, xã hội đương thời mong họ làm nội trợ hơn là hiện diện trong các không gian công cộng. Đáp lại sức ép đó, nhiều tác giả nữ thời Phục Hưng đã công khai đi ngược định kiến xã hội bằng ngòi bút của mình. Chẳng hạn, để khẳng định mình độc lập với những ràng buộc của đời sống gia đình, Isabella Whitney viết những dòng sau vào năm 1573:

Với những lo toan trong nhà ràng buộc tôi
Tôi sẽ dùng sách và bút của mình.”

Bằng cách quan sát thời Phục Hưng trên phương diện kinh tế trước phương diện tinh thần, và chú ý đến những hạng người thường bị gạt bỏ khỏi bức tranh, Brotton đã cung cấp cho độc giả một cái nhìn đa chiều, giúp hóa giải nhiều hiểu lầm về thời kỳ sôi động đó.