Các nhà nghiên cứu cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy tổ tiên người châu Phi của chúng ta đã định cư ở vùng núi Bale, Ethiopia trong suốt thời kỳ đồ đá cũ, khoảng 45.000 năm trước. Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg (MLU) đứng đầu, đăng trên Science.
Hang đá ở Bale.
Ở độ cao khoảng 4.000 mét so với mực nước biển, dãy núi Bale ở miền Nam Ethiopia có điều kiện khá khắc nghiệt, không khí loãng và thiếu oxy, nhiệt độ dao động mạnh và mưa rất nhiều. “Do những điều kiện sống bất lợi này nên trước đây người ta cho rằng, con người chỉ mới định cư ở khu vực Afro-Alps trong thời gian gần đây, và cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn,” Giáo sư Bruno Glaser, chuyên gia sinh địa hóa học thổ nhưỡng tại MLU, cho biết. Làm việc cùng một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế về khảo cổ học, thổ nhưỡng học, cổ sinh học và sinh học, ông chỉ ra rằng giả thuyết này là không chính xác. Loài người đã bắt đầu sống trong một thời gian dài trên các cao nguyên không có băng của dãy núi Bale, khoảng 45.000 năm trước trong suốt Thế Pleistocene giữa (Canh tân). Vào thời điểm đó, các thung lũng thấp hơn quá khô cằn để con người có thể tồn tại.
Trong nhiều năm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát một mỏm đá gần khu định cư Fincha Habera trên dãy núi Bale ở miền Nam Ethiopia. Trong suốt những chuyến thực địa, các nhà khoa học đã tìm thấy một số công cụ bằng đá, những mảnh đất sét và một hạt thủy tinh. Dựa trên trầm tích tích tụ trong mẫu đất, các nhà nghiên cứu từ MLU đã có thể tiến hành các phân tích về chỉ dấu sinh học và dưỡng chất một cách toàn diện, cũng như xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, từ đó đưa ra kết luận về việc có bao nhiêu người đã sống trong khu vực này và sống trong khoảng thời gian nào. Với mục tiêu đó, các nhà khoa học cũng đã phát triển một phương pháp đo nhiệt độ chuyên biệt để xác định nhiệt độ trong quá khứ ở một khu vực - bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Các phép phân tích như thế này chỉ có thể được thực hiện trong các khu vực tự nhiên ít bị ô nhiễm, nếu không mặt cắt địa chất sẽ bị thay đổi rất nhiều bởi những ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Các điều kiện tự nhiên đầy khắc nghiệt của dãy núi Bale là một môi trường lý tưởng đối với nghiên cứu như vậy vì đất chỉ bị biến đổi trên bề mặt trong suốt hàng thiên niên kỷ qua.
Sử dụng nguồn dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã có thể chỉ ra rằng loài người đã ở đó trong một khoảng thời gian dài hơn chúng ta nghĩ. Không chỉ vậy, các phân tích còn tìm thấy nguyên nhân: trong kỷ băng hà cuối cùng, khu định cư Fincha Habera nằm ngoài rìa các sông băng. Theo lý giải của Glaser, các dòng sông băng tan chảy theo mùa nên nơi đây luôn có thể tích trữ được một lượng nước vừa đủ. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn xác định được nguồn thức ăn của con người này tại thời điểm đó: những con dúi khổng lồ, loài gặm nhấm đặc hữu trong khu vực mà các nhà nghiên cứu khảo sát. Ngoài ra, con người có lẽ cũng định cư trong khu vực này do sự sẵn có của mỏ đá núi lửa obsidian, giúp họ khai thác loại đá obsidian (đá thủy tinh núi lửa) và chế tạo các công cụ hữu ích từ đó.
Các mẫu đất cũng tiết lộ thêm một chi tiết về lịch sử của khu định cư này. Bắt đầu từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên, địa điểm này lại được con người cư trú lần thứ hai. Tại thời điểm đó, con người dần dần đến định cư đông hơn, và biến nơi đây thành một nơi để giữ ấm. Và “đây cũng là thời kỳ đầu tiên mà lớp đất ở khu vực này có chứa dấu phân của các loài động vật ăn cỏ được chăn thả,” Glaser nói thêm.
Theo nhóm nghiên cứu, nghiên cứu mới này không chỉ đem lại những hiểu biết mới về lịch sử định cư của con người ở châu Phi mà còn đem lại thông tin quan trọng về tiềm năng thích nghi về thể chất, di truyền và văn hóa của con người khi phải đối diện với thay đổi môi trường. Chẳng hạn, một số nhóm người sống ở vùng núi của Ethiopia ngày nay có thể dễ dàng thích nghi với hàm lượng oxi ít ỏi trong khu vực không khí loãng. □
Theo Tiasang