Theo sách Kỷ lục Guinness, Manchineel là loài cây nguy hiểm nhất thế giới sống ở châu Mỹ. Manchineel chứa chất độc gây chết người ở tất cả các bộ phận nên chúng thường được cắm biển cảnh báo để người dân nhận biết và tránh xa.
Manchineel, tên khoa học Hippomane mancinella, là loài thực vật nhiệt đới sống trong môi trường đất cát và rừng ngập mặn ở bang Florida (Mỹ), vùng Caribbean, Trung Mỹ và phía Bắc khu vực Nam Mỹ. Dù nắm giữ kỷ lục loài cây nguy hiểm nhất thế giới, nhưng không nhiều người thực sự biết rõ về chúng.
Manchineel là cây bụi có tán rộng, khi trưởng thành cao khoảng 15m với nhiều nhánh lớn. Vỏ cây sần sùi màu xám, hoa nhỏ màu vàng. Lá cây màu xanh, bề mặt mịn có răng cưa, dài khoảng từ 5 đến 10cm. Manchineel phát tán hạt giống nhờ vào các dòng chảy trên biển – đôi khi vượt qua cả Vịnh Mexico - thay vì dựa vào động vật.
Quả Manchineel hình tròn, trông giống một trái táo nhỏ màu xanh lục với đường kính từ 2,5 – 5cm. Khi chín, quả chuyển sang màu vàng và có mùi thơm. Những người Tây Ban Nha đi chinh phục Trung Mỹ và Nam Mỹ gọi chúng là “manzanita de la muerte”, hay “quả táo nhỏ tử thần”. Nguyên nhân có lẽ là do quả Manchineel chứa nhiều chất độc, gây ra đau đớn tột cùng cho người ăn, thậm chí khiến họ tử vong.
“Tôi đã thiếu suy nghĩ khi thử cắn nhẹ vào loại quả này và thấy nó có vị ngọt”, bác sĩ X-quang Nicola Strickland chia sẻ trải nghiệm trong một bài báo đăng trên Tạp chí Y khoa Anh vào năm 2000. “Ngay sau đó, tôi thấy miệng nóng lên kỳ lạ, dần dần chuyển sang cảm giác nóng rát, đau rát, cổ họng như bị xé rách và thắt chặt lại. Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn trong một vài giờ cho đến khi tôi gần như không thể nuốt thức ăn vì đau đớn dữ dội.”
Chất độc không chỉ có ở trong quả mà trong tất cả các bộ phận khác của cây. Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Thực phẩm Florida (IFAS), việc tiếp xúc và ăn bất kỳ bộ phận nào của cây đều có thể gây tử vong, bao gồm vỏ, lá và nhựa cây [màu trắng đục như sữa]. Nhiều người vô tình đứng dưới bóng cây để tránh nắng hoặc trú mưa bị nhựa cây rơi vào da gây bỏng nặng. Nhựa cây pha loãng với nước mưa thậm chí có thể làm hỏng lớp sơn của những chiếc ô tô đậu bên dưới.
Cây Manchineel chứa hỗn hợp các chất độc bao gồm hippomanin A và B, phorbol, cũng như nhiều hợp chất khác chưa được xác định. Một số chất độc có ảnh hưởng ngay lập tức, trong khi một số có tác động từ từ, tác giả David Nellis viết trong cuốn sách “Thực vật và động vật chứa chất độc ở Florida và Caribbean”. Các triệu chứng khi tiếp xúc với nhựa cây là phát ban, đau đầu, viêm da cấp tính, khó thở, mù tạm thời. Người dân không nên đốt và xẻ gỗ của loài cây này vì khói và mùn cưa có thể đốt cháy da, mắt và phổi.
“Những người ăn quả Manchineel thường bị đau bụng, nôn mửa, xuất huyết và tổn thương đường tiêu hóa. Tuy nhiên, số ca tử vong do ăn phải quả này chưa được thống kê trong bất kỳ tài liệu khoa học chính thức nào”, Nellis cho biết thêm. “Bên cạnh những mối nguy hiểm tức thời, một số hợp chất có trong cây Machineel là hoạt chất gây ung thư, thúc đẩy sự phát triển của các khối u, kể cả lành tính và ác tính.”
Cây Manchineel nguy hiểm tới mức chính quyền địa phương phải đặt biển cảnh báo ở khắp mọi nơi, yêu cầu người dân đứng cách xa ít nhất 6m, không được ăn trái và chạm vào thân của chúng để hạn chế nguy cơ nhiễm độc. Đôi khi người ta đánh dấu bằng chữ “X” màu đỏ trên thân cây để giúp các khách du lịch lần đầu tiên đến vùng Caribbean nhận biết và tránh xa mối nguy hiểm.
Các bộ tộc bản địa ở vùng biển Caribbean dùng nhựa cây Manchineel để tẩm độc lên mũi tên khi đi săn và dùng lá làm ô nhiễm nguồn nước của kẻ thù.
Nạn nhân nổi tiếng nhất của cây Manchineel có lẽ là Juan Ponce de Leon, người dẫn đầu đoàn thám hiểm châu Âu đầu tiên đến Florida vào năm 1513. Ông quay lại để đánh chiếm bán đảo này 8 năm sau đó [năm 1521], nhưng cuộc xâm lược của ông đã gặp phải sự kháng cự của các chiến binh người Calusa. Họ sử dụng nhựa cây Manchineel để tạo ra những mũi tên độc và bắn vào đùi của ông, khiến ông phải chạy trốn cùng quân đội đến Cuba và qua đời ở đó.
Mặc dù là loài cây độc, nhưng Manchineel cũng có nhiều công dụng hữu ích và góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Cây có khả năng chắn gió mạnh và chống xói mòn bãi biển nhờ bộ rễ ăn sâu vào đất. Đây là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh mực nước biển dâng cao và những cơn bão trên Đại Tây Dương có sức tàn phá ngày càng lớn.
Các thợ mộc vùng Caribbean sử dụng thân cây Manchineel làm đồ nội thất trong nhiều thế kỷ. Họ cẩn thận chặt cây, sau đó phơi khô dưới ánh nắng Mặt trời nhằm trung hòa nhựa độc của nó. Người bản địa thậm chí còn sử dụng Manchineel trong các bài thuốc dân gian. Một loại kẹo gôm bào chế từ vỏ cây có thể điều trị bệnh phù nề, trong khi trái cây khô được sử dụng làm thuốc lợi tiểu.
Nhờ các nghiên cứu khoa học, con người cũng tìm ra nhiều cách mới để sử dụng chất độc của cây Manchineel vào những việc hữu ích, chẳng hạn như chế tạo thuốc trừ sâu sinh học an toàn với môi trường hoặc điều chế thuốc giảm đau.
Mặc dù nhựa cây Manchineel chứa nhiều chất độc nguy hiểm, nhưng một số động vật dường như không sợ chúng. Loài cự đà sọc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ có thể ăn quả Manchineel mà không gặp nguy hiểm. Thậm chí chúng còn sống ngay trên thân và cành cây, theo IFAS.
Nhiều loài thực vật tạo ra chất độc nhằm mục đích phòng vệ. Tuy nhiên, chất độc chỉ tập trung tại một số bộ phận nhất định trên cây, chẳng hạn như lá, rễ, thân, hoa, quả hoặc hạt. Việc cây Manchineel chứa chất độc gây chết người ở tất cả các bộ phận là rất hiếm gặp.
Các hoạt động khai thác và phát triển kinh tế của con người đang khiến môi trường sống của cây Manchineel dần bị thu hẹp. Hiện nay, Manchineel nằm trong danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).