Mục đích ghi danh di sản của UNESCO bấy lâu nay còn bị hiểu nhầm là “vinh danh” hay “xếp hạng”, thay vì nhận diện và bảo vệ giá trị của di sản.

Cho đến nay, Hát xoan là trường hợp đầu tiên và duy nhất được chuyển ra khỏi Danh sách Khẩn cấp và được ghi danh vào Danh sách Đại diện trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Cho đến nay, hát xoan là trường hợp đầu tiên và duy nhất được chuyển ra khỏi Danh sách Khẩn cấp và được ghi danh vào Danh sách Đại diện trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Ảnh: Tổ quốc

Đó là chia sẻ của GS. TS Nguyễn Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại hội thảo "Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng" do Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức vào ngày 26/12.

Cách đây hai mươi năm, vào năm 2003, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Văn bản mang tính pháp lý quốc tế và là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là văn bản đề cập khá toàn diện các khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này và đã hai lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Tính đến nay, qua công tác kiểm kê, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 534 Di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

2003, nhã nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận.
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận. Ảnh: VOV

"Mặc dù thực thi Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003, nhưng Luật Di sản văn hóa và quy trình ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta vẫn còn có một số điều bất cập”, GS.TS Nguyễn Thị Hiền cho biết cho biết.

Quá trình gấp rút khi làm hồ sơ di sản và sự vui mừng của các quốc gia khi một di sản được ghi danh đôi khi khiến chúng ta liên tưởng đến một cuộc đua tìm kiếm người chiến thắng. Thậm chí, ở Việt Nam, mỗi khi một di sản trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, rất nhiều tờ báo giật tít với những từ như “vinh danh”, “ca ngợi”.

Đây không phải lần đầu tiên GS. Hiền đề cập đến vấn đề này. Trong một toạ đàm về ghi danh di sản vào năm 2021 do Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, bà đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu chính xác mục đích ghi danh (inscription) di sản của UNESCO là nhằm bảo vệ di sản bằng cách “đưa các di sản vào danh sách” (list), chứ không phải là “vinh danh” (honor) hay “xếp hạng” (ranking) di sản đó ở đẳng cấp quốc tế.

Nói cách khác, “UNESCO muốn cộng đồng quốc tế nhận diện và bảo vệ giá trị của di sản. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, mục tiêu hướng đến là nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng, khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa. Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất”.

Cách hiểu ghi danh di sản là danh hiệu hấp dẫn có thể dẫn đến những hành động trái ngược với tinh thần của công ước. “Việc ghi danh không khiến cho một di sản có đẳng cấp hơn những di sản chưa được ghi danh hay di sản cấp địa phương thì kém giá trị hơn di sản cấp quốc gia”, bà Hiền khẳng định. Bản thân UNESCO cũng đã bác bỏ hồ sơ của một số quốc gia bị UNESCO khi đề cập đến việc ghi danh di sản nhằm gây dựng thương hiệu cạnh tranh, thu hút du lịch.

Tương tự, sự phân biệt này – dù vô tình – nhưng đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong đầu tư bảo vệ và phát triển di sản. Dù không cố ý, danh sách này đã tạo ra một sự phân biệt đẳng cấp giữa các di sản, từ đó nhiều nơi đã dồn nguồn lực đầu tư cho các di sản được ghi danh mà bỏ bê những di sản còn lại.

Ngoài ra, bên cạnh vấn đề làm rõ mục tiêu ghi danh, GS. Hiền cho hay Luật Di sản văn hoá cần có thêm những thông tư/nghị định quy định rõ ràng hơn các tiêu chí ghi danh, sửa đổi mẫu hồ sơ/lý lịch khoa học, hướng dẫn cụ thể làm hồ sơ ghi danh trong danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa và đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, và những vấn đề về đạo đức trong thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.